Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Kiến trúc Quảng Bình từ năm 1975 đến nay

  • 09:40 | Thứ Sáu, 17/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Gần nửa thế kỷ qua, cùng với sự phát triển chung của đất nước, có thể nói Quảng Bình đã có những bước phát triển nhanh chóng về quy hoạch xây dựng và kiến trúc, cả về quy mô và chất lượng. Diện mạo đô thị và nông thôn không ngừng phát triển. Kiến trúc Quảng Bình đã tạo nên diện mạo mới về cơ sở vật chất cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, gìn giữ bản sắc truyền thống, bảo vệ môi trường, cảnh quan và hoà nhập trong không gian chung về phát triển đô thị của các tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung và cả nước.
 
Kiến trúc Quảng Bình từ năm 1975 đến 1989
 
Sau khi thống nhất đất nước thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước, năm 1976 ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên được sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên, là tỉnh dài nhất đất nước. Vùng Quảng Bình và Quảng Trị gần như bị phá huỷ hoàn toàn sau chiến tranh, thời kỳ đầu chủ yếu tập trung khôi phục, sửa chữa lại các công trình hạ tầng thiết yếu để phục vụ đi lại và sản xuất của người dân.
 
Những năm về sau mới triển khai quy hoạch một số vùng và đầu tư một số công trình thiết yếu để phát triển kinh tế xã hội. Đội ngũ Kiến trúc sư (KTS) thuộc nhiều thế hệ chủ yếu được đào tạo chính quy từ các nước XHCN như Liên Xô, Cu Ba, Trung Quốc... và miền Bắc. Các KTS có nhiều phong cách  sáng tác khác nhau nhưng bảo đảm phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu và  các quy định trong quản lý đầu tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng... Nhiều công trình kiến trúc có đường nét nhẹ nhàng, gần gũi với thiên nhiên, phù hợp với công năng sử dụng, được mọi người tiếp nhận và đánh giá tốt.
 
Giai đoạn này ở Quảng Bình có một số công trình được xây dựng mới như Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới do KTS Cu Ba thiết kế; khách sạn Nhật Lệ, khách sạn Đồng Hới, nhà Ga Đồng Hới và một số công trình cấp IV ...
 
Các công trình kiến trúc không phô trương, sử dụng các vật liệu trang trí, thông gió và che mưa nắng phù hợp với khí hậu nắng nóng, mưa nhiều của miền Trung. Về nhà ở do kinh tế còn nghèo, vật liệu khan hiếm nên chủ yếu là nhà ở bằng gỗ ba gian hoặc xây gạch lợp mái ngói đơn giản, dễ bị hư hỏng khi có bão lớn. Nói chung thời kỳ này kiến trúc Quảng Bình chưa phát triển. 
 
Kiến trúc Quảng Bình từ năm 1989 đến nay
 
Tháng 7 năm 1989, tỉnh Quảng Bình tái lập theo địa giới hành chính cũ, từ đó đến nay trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, nhờ sự giúp đỡ của các bộ ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế và các tỉnh bạn, Quảng Bình đã nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung xây dựng lại và có những bước phát triển vượt bậc. Thời kỳ này thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước, nền kinh tế chuyển dần từ bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tốc độ đô thị hoá diễn ra một cách nhanh chóng, làm thay đổi bộ mặt  kiến trúc, môi trường cảnh quan từ đô thị đến nông thôn, miền núi, hoà nhập với sự phát triển chung của các tỉnh duyên hải miền trung và cả nước. Quá trình phát triển đó được thể hiện một cách khái quát như sau:
 
Về quy hoạch đô thị và nông thôn   
 
Công tác quy hoạch luôn được các thế hệ lãnh đạo tỉnh ưu tiên thực hiện ngay từ những ngày đầu khi tái lập tỉnh. Năm 1989 quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết khu trung tâm thị xã Đồng Hới được phê duyệt và triển khai thực hiện. Các thị trấn trong tỉnh cũng được triển khai quy hoạch ngay từ đầu những năm 1990, đến năm 2010 tất cả các xã trong tỉnh đã có Quy hoạch xây dựng nông thôn mới, năm 2011 quy hoạch chung xây dựng thành phố Đồng Hới đã được điều chỉnh do tổ chức tư vấn thiết kế Nhật Bản Niken Skies lập. Việc xây dựng và quản lý xây dựng đã thực hiện theo đồ án quy hoạch, đặc biệt là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị ít bị điều chỉnh.
 
Về kiến trúc
 
Từ năm 1990 nhiều công trình được triển khai xây dựng trên khắp địa bàn toàn tỉnh đã tạo nhiều cơ hội cho các KTS tham gia thiết kế và thể hiện khả năng sáng tác của mình. Đội ngũ KTS đã có nhiều kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp và nhanh chóng tiếp thu tiến bộ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực xây dựng, vì vậy kiến trúc Quảng Bình đã dần định hình và thể hiện rõ nét ở một số xu hướng kiến trúc sau:
 
+ Xu hướng Kiến trúc truyền thống - hiện đại
 
Phát huy nền kiến trúc truyền thống vùng duyên hải miền Trung và ảnh hưởng của phong cách kiến trúc miền Nam, kiến trúc Quảng Bình đã được thể hiện qua các tác phẩm kiến trúc trước tiên đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng, phù hợp với điều kiện khí hậu nắng nóng, mưa nhiều và giông bão. Mặt bằng các phòng chức năng sử dụng chính thường được ưu tiên bố trí hướng Đông, Nam, hạn chế hướng Bắc và Tây. Sử dụng hành lang ngoài hoặc kết cấu tấm che nắng, gió, mưa và bão... Đường nét kiến trúc đơn giản, nhẹ nhàng, thanh thoát hoà vào không gian và cảnh quan xung quanh.
 
Các công trình phần lớn được nghiên cứu thiết kế rất kỹ về phần mái, vừa để trang trí đồng thời che mưa nắng như những mái nhà Việt truyền thống. Xung quanh công trình đều được nghiên cứu thiết kế sân vườn, bố trí cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, hồ nước... sử dụng các vật liệu địa phương gần gũi, thân thiện và sử dụng các vật liệu mới để trang trí, hoàn thiện, đẹp, hiện đại và bền vững trước thiên nhiên....
 
Một số công trình tiêu biểu như Khu nghỉ dưỡng Sunspa resort Bảo Ninh, Trụ sở Tỉnh ủy quảng Bình, Làng trẻ em SOS Đồng Hới; các công trình nghỉ dưỡng thuộc các khu du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, Nhật Lệ-Bảo Ninh, công viên dọc Tây bờ sông Nhật Lệ, một số nhà ở... 
 
Khu nghỉ dưỡng Sun Spa Resort. (Ảnh minh hoạ)
Khu nghỉ dưỡng Sun Spa Resort. (Ảnh minh hoạ)
 
+ Xu hướng kiến trúc xanh
 
Kiến trúc xanh hay kiến trúc thân thiện đã có ở Việt Nam trong kiến trúc truyền thống. Đây là xu hướng kiến trúc đang được phát triển mạnh ở nhiều nước, trong đó nhiều KTS Việt Nam đã thành công. Nhiều KTS và chủ đầu tư ở Quảng Bình quan tâm lựa chọn, bởi đây là xu hướng phù hợp với khí hậu Quảng Bình quanh năm nắng nóng và mưa bão.. Một số công trình theo xu hướng này như Quán Cafe COCO, một vài nhà nghỉ sinh thái tại thị trấn Phong Nha, công viên dọc bờ sông Nhật Lệ ... Tuy vậy, xu hướng này đang được các KTS áp dụng một cách thận trọng trên cơ sở kiến trúc truyền thống để bảo đảm bền vững trước giông bão và nắng nóng. 
 
+ Một số biểu hiện của kiến trúc nhại cổ, góp nhặt kiến trúc cũ phương Tây
 
Ở Quảng Bình, các công trình kiến trúc này được xây dựng chưa nhiều chủ yếu ở một số công trình phục hồi đình, đền, chùa, một số nhà ở được thuê thiết kế ở nhiều nơi mà chủ yếu là Hà Nội. Nhiều công trình chỉ thể hiện ở hình thức kiến trúc mặt trước nếu là nhà mặt phố hoặc hình thức bên ngoài, về không gian và bố trí mặt bằng theo truyền thống kiến trúc Việt. Nhiều công trình do khả năng nguồn vốn hoặc chủ đầu tư hiểu biết chưa đầy đủ nên việc bố cục và trang trí kiến trúc thiếu thống nhất. Hiện ở Quảng Bình xu hướng kiến trúc này đang được các nhà đầu tư cân nhắc và lựa chọn. 
 
Nhận xét chung
 
Hơn 45 năm khôi phục, xây dựng và phát triển, kiến trúc Quảng Bình đã nhanh chóng hoà nhập với các xu hướng kiến trúc Việt, tạo nên một diện mạo  mới mẻ từ đô thị đến nông thôn. Từ một vùng đất khô cằn với cái nắng chang chang dưới những trưa hè cháy bỏng và đã hoàn toàn đổ nát sau chiến tranh, giờ đây các đô thị và nông thôn trong tỉnh đã đổi thay nhanh chóng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, từng bước đưa Quảng Bình thoát khỏi tỉnh nghèo. Đi dọc theo các tỉnh duyên hải miền Trung, kiến trúc Quảng Bình đã hoà nhập trong một không gian chung với những hình ảnh kiến trúc nhẹ nhàng, thoáng mát, gam màu tươi sáng, gần gũi, giàu bản sắc, góp phần vào sự phát triển chung của nền kiến trúc nước nhà.
 
Một số hạn chế
 
- Về quy hoạch đô thị và nông thôn, nhiều hồ sơ được lập còn chạy theo tiến độ, chất lượng còn thấp, đội ngũ làm công tác tư vấn lập quy hoạch còn thiếu kinh nghiệm, các quy định về pháp luật trong quản lý còn nhiều chồng chéo, nhất là quản lý đất đai, quy định về bảo vệ môi trường, quy hoạch phân lô đất ở...; khả năng đáp ứng nguồn vốn để triển khai thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế... đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng các công trình kiến trúc.
 
- Việc quy hoạch còn thiếu nhiều các không gian công cộng phục vụ cho các lứa tuổi, cộng đồng, nặng về phân lô đất ở. Quy hoạch nông thôn và tốc độ đô thị hoá nhanh, thiếu kiểm soát, hạ tầng chắp vá, đầu tư chồng chéo không hoàn chỉnh, mang tính cưỡng bức làm ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan và nét đẹp truyền thống, sau này rất khó khắc phục. Gần đây một số quy hoạch hay bị điều chỉnh vì mục đích kinh tế (do quy định của pháp luật trong điều chỉnh quy hoạch chưa chặt chẽ), làm ảnh hưởng nhiều đến các chức năng đô thị theo định hướng ban đầu.
 
-  Ở một số công trình, KTS phải hành nghề theo ý thích của chủ đầu tư nên đường nét kiến trúc chắp vá, nhại cổ làm cho hình ảnh kiến trúc lộn xộn, thiếu bản sắc. Việc sử dụng một số loại vật liệu hiện đại thiếu cân nhắc, chưa phù hợp với điều kiện khí hậu của vùng miền Trung, đặc biệt là vật liệu kính.
 
- Việc gia tăng về dân số ở lứa tuổi trưởng thành gây áp lực về đất ở, xu hướng phân lô đất ở các vùng ngoại ô của các đô thị và nông thôn đã tạo ra các khu ở thiếu kiểm soát, thiếu hạ tầng kết nối ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan, không đáp ứng các điều kiện sống, hệ lụy là sẽ rất tốn kém cho công tác cải tạo và đầu tư hạ tầng kỹ thuật sau này.
 
Một góc trung tâm TP. Đồng Hới. (Ảnh minh hoạ)
Một góc trung tâm TP. Đồng Hới. (Ảnh minh hoạ)
Một số kiến nghị
 
Hoạt động kiến trúc và các sản phẩm kiến trúc luôn mang tính nghệ thuật, là kết quả của lao động sáng tạo có tính xã hội cao, là công sức của cộng đồng ghi lại nhiều dấu ấn của thời gian, vì vậy nó phải được định hướng và thông qua  các quy định, hướng dẫn của các cơ quan quản lý.
 
45 năm qua, mà chủ yếu là 30 năm trở lại đây, với chính sách mở cửa của nền kinh tế, kiến trúc Quảng Bình cũng như kiến trúc Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, bộ mặt đô thị và nông thôn đã thể hiện sự phát triển vượt bậc của đất nước, từng bước theo kịp các nước trong khu vực. Tuy vậy với chính sách mở cửa và tác động của nền kinh tế thị trường ảnh hưởng đến các xu hướng phát triển của kiến trúc cần phải có những điều chỉnh phù hợp để định hướng cho tương lai, xin được đề xuất một số ý kiến như sau:
 
- Về quy hoạch, Quảng Bình và các tỉnh duyên hải miền Trung có nhiều đặc điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, khí hậu, địa hình, các yếu tố lịch sử, văn hoá, truyền thống sản xuất và canh tác, có nhiều di sản thiên nhiên và văn hoá. Nhà nước nên có quy hoạch phát triển cho vùng duyên hải miền Trung, trong đó cần thể hiện rõ định hướng phát triển quy hoạch xây dựng và kiến trúc, phát huy những nét đặc thù của kiến trúc truyền thống vùng duyên hải gắn với truyền thống sản xuất và canh tác, phát huy những tiến bộ của kiến trúc hiện đại làm cơ sở cho việc quản lý phát triển kiến trúc miền Trung trong tổng thể chung của kiến trúc Việt Nam.
 
- Về kiến trúc, đây là lĩnh vực chịu tác động của nhiều yếu tố xã hội vì vậy cơ quan quản lý cần có những định hướng cụ thể trong quản lý. Đối với một số thể loại công trình mà nhà nước quản lý về ngân sách đầu tư như công sở, các công trình văn hoá, các công trình du lịch, nhà ở, các công trình được đầu tư trong các khu bảo tồn, di sản văn hoá, di tích lịch sử, các khu vực cảnh quan cần được bảo vệ... cần định hướng xây dựng công trình có kiến trúc truyền thống - hiện đại hay kiến trúc xanh để gìn giữ bản sắc.
 
- Khi các hoạt động lễ hội truyền thống diễn ra trong không gian kiến trúc truyền thống sẽ thể hiện đậm nét bản sắc dân tộc, từ đó càng nâng cao giá trị của các lễ hội và quảng bá hình ảnh văn hoá nói chung trong đó có kiến trúc.
 
- Sản phẩm của kiến trúc là văn hoá, vì vậy cần được định hướng tuyên truyền rộng rãi trong xã hội để mọi người hiểu và có trách nhiệm hướng theo những nét đẹp truyền thống và tiến bộ, đặc biệt đối với những người tham gia quản lý chính quyền và xã hội trong cả hệ thống chính trị của nhà nước.
 
  Ths.KTS. Trần Đình Dinh

 

tin liên quan

CỘN - Kỳ 2: Lang thang Cộn

(QBĐT) - Sau nhiều lần thêm, bớt, Cộn ngày nay đã định hình về mặt địa lý. Phía đông, nam giáp Nghĩa Ninh, mạn Bắc chung ranh giới với Bắc Nghĩa, Thuận Đức, phần phía Tây mới là chủ đề tranh cãi phức tạp: Tiếp nối "thành phố ngàn thu" Đá Bạc là vùng trung du đồi núi mênh mông.

Cộn

(QBĐT) - Trong tất cả các loại giấy tờ từ khi cất tiếng khóc chào đời đến lúc "giã biệt" của những ai ở mảnh đất đó đều ghi địa danh "Đồng Sơn". Nhưng ba, mạ, anh chị em, họ hàng chòm xóm và tất nhiên cả lũ bạn chăn trâu cắt cỏ của tôi đều gọi vùng quê ấy bằng cái tên rất đỗi thân thương: "Cộn"

Quê tôi, làng Đạm Thủy

(QBĐT) - Địa danh Đạm Thủy (Thạch Hóa, Tuyên Hóa) không biết có từ thuở nào. Hỏi chuyện người cao tuổi trong làng, được biết, từ xa xưa, có 4 dòng họ ngoài Bắc vào khai phá vùng đất này, đặt tên phường Đạm Thủy, thuộc làng Tiên Lệ (xã Quảng Tiên, TX. Ba Đồn ngày nay), sau khi tách khỏi làng Tiên Lệ (vào khoảng những năm 20 thế kỷ XX) lấy tên là làng Đạm Thủy; khoảng năm 1947 đổi tên thành thôn Đạm Thủy.