Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Văn hóa Bàu Tró

  • 07:41 | Thứ Tư, 08/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bàu Tró là hồ nước ngọt ở phía Tây Bắc Đồng Hới thuộc địa phận phường Hải Thành nằm trong vùng động cát ven biển. Bàu kéo dài 1.075m, rộng 100-250m, nơi sâu nhất là 7m, trữ lượng nước 3.600.000m3. Bàu Tró là nơi cung cấp nguồn nước ngọt cho cư dân Đồng Hới trước đây cũng như ngày nay.
 
Năm 1923, nhà nghiên cứu E.Patte người Pháp đã khai quật phía Tây Nam của Bàu Tró, ở vị trí gần ngôi miếu, cách mép nước của bờ biển khoảng 40m. Tầng văn hóa dày nhất 50cm với nhiều lớp được ngăn cách bởi những lớp cát mỏng. Tầng văn hóa chứa vỏ nhuyễn thể xen lẫn cát màu đen thẫm và nhiều loài vỏ sò, ốc.
 
Những hiện vật thu được gồm nhiều đồ đá và đồ gốm. Đồ đá có các hiện vật là rìu bôn có vai 25 chiếc, rìu, bôn tứ giác 12 chiếc. Rìu, bôn tứ giác có tiết diện cắt ngang hình bầu dục. Các công cụ rìu, bôn được chế tác từ đá lửa silic đã qua sử dụng nên bị mòn, sứt mẻ. Bên cạnh đó còn thu nhiều mảnh tước, hòn ghè, chày nghiền, chì lưới và một số viên đất thổ hoàng màu đỏ, một số xương động vật có vết mài gia công thành công cụ mũi nhọn.
 
Các mảnh gốm thu được ở di chỉ Bàu Tró có chất liệu khá thô, độ nung thấp, xương gốm màu xám đen hoặc có màu gạch xỉn. Mảnh gốm có hoa văn in dấu thừng, văn chải, văn khắc vạch. Văn in chấm, văn trổ lỗ thủng nhỏ ở chân đế hay thành miệng. Gốm tô màu là đặc trưng nổi bật của văn hóa Bàu Tró. E.Patte cho rằng, Bàu Tró là di chỉ thuộc thời đại hậu kỳ đồ đá mới. Cư dân cổ Bàu Tró sinh sống dựa vào kinh tế khai thác, thu lượm những sản vật có sẵn trong tự nhiên.
Hổ Bàu Tró. Ảnh: Tiến Hành.
Hổ Bàu Tró. Ảnh: Tiến Hành.
Tháng 3-1980, giáo sư Hà Văn Tấn (Trường đại học Tổng hợp Hà Nội), tiến sỹ Lê Đình Phúc (Trường đại học Tổng hợp Huế) và Viện Đông Nam Á đã tiến hành khai quật di chỉ Bàu Tró lần 2. Vị trí hố khai quật là phía Nam của Bàu Tró, 108m2. Khai quật gồm 3 hố cách mép nước bàu 81m. Tầng văn hóa của 3 hố đều có cát và màu xám xen lẫn sò điệp, than, tro, xương cá, vỏ nhuyễn thể, vỏ sò điệp, sò huyết có gai...
 
Hiện vật thu được gồm 31 chiếc rìu, bôn; 3 mũi nhọn, 47 bàn mài các loại, 7 chày nghiền, 1 bàn nghiền, 1 vòng tay, 2 phiến đá có vết cưa, 2 phiến tước dài, mỏng, hàng trăm mảnh tách nhỏ và nhiều viên thổ hoàng bị mài vẹt nhiều mặt. Các loại bôn có vai tiết diện ngang thân hình gần với hình bán nguyệt, tiết diện dọc hơi cong khum; còn rìu có vai tiết diện dọc hơi cong khum, rìu tiết diện ngang thân hình bầu dục, tiết diện dọc thân thẳng. Rìu, bôn được làm từ đá lửa silic.
 
Các loại gốm thu được có màu xám nâu, thành mỏng, độ nung trung bình. Xương gốm có pha cát và tạp chất hữu cơ. Về kiểu dáng được phân loại ra kiểu miệng vê tròn bóp vào, trang trí hoa văn dấu thừng lên sát gờ mép miệng. Có loại miệng loe ra, cổ cao, văn thừng, phía ngoài có dấu vết lồi lõm. Đa số được tô màu thổ hoàng. Có loại miệng loe ngang, cổ ngắn, thành miệng hẹp được vê tròn rồi bẻ gập ra ngoài.
 
Đặc biệt tìm thấy tai gốm dài 8,5cm có trang trí hoa văn khắc vạch, ghi nhận về sự có mặt của loại hình đồ đựng có gắn tai để nâng, nhấc khi sử dụng của người nguyên thủy Bàu Tró, đồng thời nó phản ánh mối quan hệ giữa di chỉ Bàu Tró và các di chỉ cùng thời ở Thạch Lạc (Hà Tĩnh).
 
Hoa văn của gốm phổ biến là văn thừng thô và văn thừng mịn. Ngoài ra còn có hoa văn khác vạch, văn kẻ ô vuông, karô do các đoạn thẳng vạch chéo tạo ra. Đặc biệt có hoa văn trổ lỗ cách đều nhau tạo thành vòng tròn ở gần mép miệng hay thành chân đế. Đồ gốm được tô màu đen ánh chì và màu đỏ được tô lên thành bản miệng cả bên trong và bên ngoài. Màu đen ánh chì được tô thành dải chạy vòng theo gờ mép và được tô trên nền đỏ của thổ hoàng. Các mảnh gốm này là kết quả của các đồ đựng đun nấu, chén, bát, đĩa cạn lòng có trang trí khá đẹp. Cốc có thêm chân đế cao trang trí hoa văn.
 
Những hiện vật ở di chỉ Bàu Tró khẳng định đây là loại hình di chỉ cồn đất và loại hình cồn sò điệp, phản ánh phương thức hoạt động kinh tế sản xuất nông nghiệp và khai thác những sản phẩm có sẵn trong tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống của chính mình. Người nguyên thủy Bàu Tró với kỹ thuật chế tác công cụ, chế tác đồ trang sức thuần thục, chính xác, điêu luyện cho thấy họ là những chủ nhân đã có trình độ khá cao và có tư duy thẩm mỹ, biết làm đẹp cho chính họ, có cuộc sống định cư ổn định lâu dài.
 
Về niên đại của di chỉ Bàu Tró, theo E. Patte cũng như sau này được các nhà khoa học xếp loại thuộc thời đại hậu kỳ đồ đá mới và cùng với các di chỉ khác phân bố ven biển được xếp cùng loại hình văn hóa Bàu Tró như: Ba Đồn, Cồn Nền, Bàu Sen, Lệ Kỳ... Di chỉ Bàu Tró được xếp vào giai đoạn sớm vì đặc trưng cơ bản của giai đoạn này phổ biến là loại rìu, bôn có vai làm từ đá silic có vẩy sét, đồ gốm trang trí văn thừng, tỷ lệ khắc vạch còn ít, xuất hiện gốm có tai và có tô màu đen ánh chì.
 
Cư dân Bàu Tró không những khai thác biển mà còn chinh phục biển. Những sản phẩm như bôn răng trâu, đồ gốm miệng loe vê mép cuốn con sâu văn thừng biến thể, gốm tô màu đỏ thổ hoàng, đen ánh chì kết hợp trang trí hoa văn khắc vạch đã có mặt. Chứng tỏ cư dân Bàu Tró đã có sự giao lưu trên biển với các miền duyên hải Sa Huỳnh.
 
Chắc hẳn kỹ thuật đóng thuyền của họ để đi biển cũng đã đạt đến trình độ nhất định và họ là những thủy thủ dũng cảm. Yếu tố nước cũng đã liên quan trong văn hóa Bàu Tró tạo nên sắc thái riêng biệt trong tập quán canh tác, cư trú cũng như sinh hoạt của người nguyên thủy Bàu Tró. Một số tín ngưỡng liên quan cũng đã có trong di chỉ như tìm thấy than tro trấu, gốm và các hiện vật thờ sinh thực khí, tín ngưỡng phồn thực.
 
Phương thức kinh tế khai thác sản vật tự nhiên và sản xuất lúa nước giữ vai trò chủ đạo của cư dân Bàu Tró. Họ đã chủ động cải tạo tự nhiên, phát triển nông nghiệp và khai thác sông, bàu, biển hợp lý. Ngoài ra, họ còn thỏa mãn đời sống tinh thần bằng những viên thổ hoàng, trang sức làm bằng vỏ sò với kỹ nghệ cưa, mài, khoan xuyên lỗ điêu luyện.
 
Những vòng tay, vòng chân bằng đá được cưa, mài, khoan, tách lõi bằng đá ngọc đã cho thấy một bức tranh cụ thể về đời sống tinh thần và trình độ thẩm mỹ cao của cư dân văn hóa Bàu Tró. Người Bàu Tró còn quan tâm đến những người đã chết. Điều này thể hiện khá rõ trong các hiện vật đồ gốm dùng chôn cất người chết. Có thể coi đây là sự khởi đầu cho một truyền thống văn hóa mộ vò của Trung Trung bộ Việt Nam và đóng góp cho diện mạo văn hóa Đông Sơn trên đất Quảng Bình.
 
Như vậy, có thể nói, di chỉ Bàu Tró nói riêng, văn hóa Bàu Tró nói chung là cội nguồn văn hóa của Việt Nam. Tìm hiểu văn hóa Bàu Tró là để giữ gìn, bảo tồn những giá trị của di sản văn hóa của vốn có của Đồng Hới nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung. Từ đó, có cách nhìn đúng đắn, có phương án để bảo tồn, phát huy, gìn giữ di sản, giữ gìn bản sắc của quê hương và vận động, giúp nhân dân hiểu được tầm quan trọng của di tích để bảo vệ và phát huy tác dụng, nhằm giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
 
       Trần Thị Diệu Hồng

tin liên quan

CỘN - Kỳ 2: Lang thang Cộn

(QBĐT) - Sau nhiều lần thêm, bớt, Cộn ngày nay đã định hình về mặt địa lý. Phía đông, nam giáp Nghĩa Ninh, mạn Bắc chung ranh giới với Bắc Nghĩa, Thuận Đức, phần phía Tây mới là chủ đề tranh cãi phức tạp: Tiếp nối "thành phố ngàn thu" Đá Bạc là vùng trung du đồi núi mênh mông.

Cộn

(QBĐT) - Trong tất cả các loại giấy tờ từ khi cất tiếng khóc chào đời đến lúc "giã biệt" của những ai ở mảnh đất đó đều ghi địa danh "Đồng Sơn". Nhưng ba, mạ, anh chị em, họ hàng chòm xóm và tất nhiên cả lũ bạn chăn trâu cắt cỏ của tôi đều gọi vùng quê ấy bằng cái tên rất đỗi thân thương: "Cộn"

Quê tôi, làng Đạm Thủy

(QBĐT) - Địa danh Đạm Thủy (Thạch Hóa, Tuyên Hóa) không biết có từ thuở nào. Hỏi chuyện người cao tuổi trong làng, được biết, từ xa xưa, có 4 dòng họ ngoài Bắc vào khai phá vùng đất này, đặt tên phường Đạm Thủy, thuộc làng Tiên Lệ (xã Quảng Tiên, TX. Ba Đồn ngày nay), sau khi tách khỏi làng Tiên Lệ (vào khoảng những năm 20 thế kỷ XX) lấy tên là làng Đạm Thủy; khoảng năm 1947 đổi tên thành thôn Đạm Thủy.