Đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo bền vững

  • 07:34 | Thứ Tư, 31/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đa dạng hóa sinh kế đang là giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo trong tỉnh thoát khỏi khó khăn về kinh tế. Theo đó, thực hiện tốt việc đa dạng hóa sinh kế giữa các vùng miền sẽ góp phần đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững… 
 
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Hồ Tân Cảnh chia sẻ: Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã đề ra những mục tiêu để giảm nghèo. Theo đó, toàn tỉnh thực hiện các giải pháp nhằm giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển từng bước thoát khỏi tình trạng khó khăn.
 
Tỉnh phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm bình quân từ 1,0%/năm trở lên. Bên cạnh đó, đưa tỷ lệ hộ nghèo hộ đồng bào dân tộc thiểu số các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm bình quân từ 4,0%/năm trở lên.
 
Toàn tỉnh nỗ lực để 100% các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh; 100% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ việc làm; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 6 tuổi tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển mức dưới 34%; phấn đấu 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet…
 
Để thoát nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, mỗi hộ gia đình phải có thu nhập bình quân đầu người 2 triệu đồng trở lên/tháng ở thành thị và 1,5 triệu đồng trở lên/tháng ở nông thôn.
Nhờ được hỗ trợ nguồn vốn sinh kế ban đầu, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững.
Nhờ được hỗ trợ nguồn vốn sinh kế ban đầu, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững.
Trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã nghiêm túc thực hiện khảo sát đúng, phù hợp với thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương, cơ sở. Rà soát phân tích, phân loại hộ nghèo cụ thể theo nhóm nguyên nhân nghèo, từ đó đề ra giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp cho từng nhóm hộ nghèo và thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo để phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.
 
Năm 2022, xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới) có 18 hộ nghèo và 15 hộ cận nghèo, hầu hết trong số đó là gia đình neo đơn, già cả, gia đình có người khuyết tật… nên rất khó khăn về kinh tế. Việc hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương cũng là một bài toán khó vì thiếu nhân lực lao động. Thực hiện Đề án 85 của Ủy ban MTTQVN tỉnh về hỗ trợ bò giống sinh sản cho hộ nghèo, xã Nghĩa Ninh đã rà soát và trao bò giống cho 15 hộ nghèo trên địa bàn. Nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, từ nguồn Quỹ "Vì người nghèo" của Mặt trận cấp xã, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ gà giống, lợn giống và nguồn vốn để phát triển kinh tế.
 
Bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Nghĩa Ninh cho hay: Thời gian qua, công tác giảm nghèo của địa phương mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp. Đặc biệt, năm 2017, xã đã nhận được sự hỗ trợ từ Đề án 85 do Ủy ban MTTQVN tỉnh triển khai đã hỗ trợ cho người dân xã Nghĩa Ninh 15 con bò. Tính đến thời điểm hiện tại, có 10 hộ gia đình nghèo thực hiện dự án đã thoát nghèo. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQVN xã cũng như Ủy ban MTTQVN thành phố cũng đã giúp đỡ thêm về việc hỗ trợ mua lợn giúp cho các hộ nghèo chăn nuôi, hỗ trợ bò ngoài dự án, hỗ trợ sinh kế để các hộ nghèo có điều kiện sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
 
Đối với những địa bàn nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc hỗ trợ sinh kế cho người dân nghèo lại càng nan giải hơn. Đơn cử như ở xã Dân Hóa (Minh Hóa). Qua rà soát theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, tổng số hộ nghèo là 860 hộ, chiếm trên 88% dân số toàn xã và chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2022, thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, xã đã lập phương án mua 44 con bò lai sind, hỗ trợ cho 44 hộ nghèo.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Dân Hóa Hồ Quang Ba cho biết: Nhằm nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo, UBND xã đã bám kế hoạch trồng rừng và chăn nuôi, đề ra nhiều phương án để hỗ trợ nguồn vốn, cây giống, con giống, hướng dẫn cho bà con cách chăm sóc...
 
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hồ Tân Cảnh, để các mô hình sinh kế phát triển bền vững, các cấp, cơ quan, ban, ngành cần giúp người nghèo có cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận phát triển kinh tế-xã hội giữa các địa phương. Bên cạnh đó, các dự án, mô hình liên quan đến phát triển sinh kế, tạo thu nhập từ chương trình mục tiêu quốc gia cần bảo đảm tính bổ trợ lẫn nhau theo chuỗi giá trị, tạo cơ chế mở.
 
Các mô hình phát triển sinh kế nên hoạt động theo cơ chế thị trường, mô hình kinh tế tập thể phải có sự đóng góp của các thành viên, phù hợp với quy mô tài chính và nhân lực. Đồng thời, có hỗ trợ đắc lực từ chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, hình thành mạng lưới liên kết kinh doanh hiệu quả. Mặt khác, giải pháp giáo dục nghề nghiệp hỗ trợ vốn vay cũng sẽ giúp cho người dân có những thuận lợi để sản xuất kinh doanh, để từ đó vươn lên thoát nghèo đến khá, giàu...
Hiền Phương

tin liên quan

Hơn 300 đoàn viên, thanh niên tham gia làm sạch bãi biển Nhật Lệ

(QBĐT) - Chiều 30/5, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường biển, phong trào "Chống rác thải nhựa". 
 

Sôi nổi nhiều hoạt động "Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương"

(QBĐT) - Đêm 30/5, tại Quảng trường Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Ban Thanh niên Quân đội (Cục Chính trị Quân khu 4), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tỉnh đoàn và UBND TP. Đồng Hới phối hợp tổ chức chương trình "Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương", và phát động "Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè" năm 2023.

Bài 1: Mưu sinh nơi cửa sông

(QBĐT) - Nơi cửa sông, những phận người vẫn sấp ngửa mưu sinh bất kể nắng mưa của trời, chật vật của đời. Với họ, nơi chốn này là tất cả những buồn vui, sướng khổ, là bao hy vọng đổi đời sau những tháng ngày nổi nênh cùng con nước.