Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Nghề nương con nước

Bài 1: Mưu sinh nơi cửa sông

  • 06:35 | Thứ Tư, 31/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Như dòng sông muôn đời chảy trôi về phía biển, người dân sống dọc sông, sát biển coi cuộc mưu sinh nương theo từng con nước là buồn vui, là hy vọng đổi đời. Nhịp sống vẫn bình yên trôi theo từng con nước xuống, triều lên. Nghề nương theo con nước dẫu khổ cực, vất vả thì vẫn là kế sinh nhai nuôi sống bao đời cháu con họ.
Mưu sinh nơi cửa sông Nhật Lệ.
Mưu sinh nơi cửa sông Nhật Lệ.
Sáng. Nhật Lệ chói chang nắng vàng. Mặt sông lấp loáng, dát bạc. Nơi cửa sông, những phận người vẫn sấp ngửa mưu sinh bất kể nắng mưa của trời, chật vật của đời. Với họ, nơi chốn này là tất cả những buồn vui, sướng khổ, là bao hy vọng đổi đời sau những tháng ngày nổi nênh cùng con nước.
 
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng”
 
6 giờ sáng. Mặt trời đã tròn vạnh, đỏ au phía biển. Cửa sông Nhật Lệ (TP. Đồng Hới) bình yên, thỉnh thoảng đôi ba tiếng thuyền máy ngược xuôi, phá vỡ không gian yên tĩnh buổi bình minh. Nơi triền đá nhấp nhô vươn ra cửa biển, thấp thoáng bóng dáng những người phụ nữ lom khom mưu sinh, mặc những ồn ã của phố thị ngày mới. Những chiếc nón trắng đã ngả màu, bạc thếch giữa nắng sớm, lụp xụp che đi quá nửa mặt người.
Nghề cạy hàu ở bãi đá nơi cửa sông Nhật Lệ.
Nghề cạy hàu ở bãi đá nơi cửa sông Nhật Lệ.
Sau bước sửa soạn, hai người phụ nữ lần lượt bước xuống, ngâm mình trong làn nước, mặc cái nắng sớm mai đã vội vàng rực rỡ. Phụ kiện đi kèm là chiếc phao lớn, buộc níu vào bãi đá. Người phụ nữ ngẩng mặt nhìn lên, giải thích bằng chất giọng khàn khàn: “Cái ni để đựng hàu. Ngâm trong nước ri hàu sẽ tươi lâu hơn”. Nói đoạn, đôi bàn tay chị mò mẫm xuống phía dưới bãi đá, nước đã ngập ngang cổ.
 
Vài giây sau, chị đưa lên một tảng đá to, phía trên đó, một vài con hàu lớn nhỏ bám víu vào. Người phụ nữ tay cầm mũi dao đã rỉ sét, thoăn thoắt cạy từng con rồi bỏ vào chiếc phao bên cạnh. Công việc cứ thế lặp đi, lặp lại suốt mấy tiếng đồng hồ, giữa nắng gió và sóng nước.
 
Thỉnh thoảng, họ lại nói đôi ba câu chuyện cho quên nhọc mệt. Tiếng nói cười vang giữa mặt sông, rơi tõm giữa không gian mênh mông sông nước. Thủy triều lên, bước lên bờ, cởi bỏ lớp bảo hộ dày cộm, đôi bàn tay, bàn chân đã bạc thếch, nhăn nheo vì ngâm trong nước nhiều giờ.
Nhiều người phụ nữ phải ngâm mình xuống nước để cạy hàu mưu sinh.
Nhiều người phụ nữ phải ngâm mình trong nước để cạy hàu mưu sinh.
Mỗi ngày, thủy triều xuống để lộ ra những bãi đá sát cửa sông Nhật Lệ, xù xì và thô ráp. Nơi này là không gian sống của muôn vàn cá thể hàu. Chúng bám víu vào đá, sống nhờ vào đá bao mùa nước xuống, triều lên. Và chúng lại là nguồn sống của bao người phụ nữ làm nghề cạy hàu suốt nhiều năm qua. Cũng từ bãi đá này, những “thân cò” lặn lội mưu sinh mặc nắng mưa vất vả để nuôi sống cả gia đình.
 
Chị Hoàng Thị Hoa, nhà ở thị trấn Quán Hàu (Quảng Ninh) chẳng ngần ngại bảo rằng, con cái ăn học cũng nhờ cả vào nghề này. Trừ những ngày mưa lạnh ngắt, còn lại, những bãi đá dọc bờ sông Nhật Lệ là nơi chốn mưu sinh của chị và nhiều phụ nữ khác. “Muốn kiếm được hàu to, thì phải xuống nước, mò hàu ở dưới đáy. Còn không thì chỉ quanh quẩn trên bờ, kiếm con nhỏ hơn. Nhìn thì đơn giản nhưng nghề ni cực lắm, đứt tay, đứt chân vì va phải vỏ hàu là chuyện thường”, chị Hoa vừa nói, đôi bàn tay vừa thoăn thoắt gõ mũi dao lọc cọc vào bãi đá.
 
Mỗi người phụ nữ, mỗi hoàn cảnh nhưng ở họ, sự chịu khó, nhẫn nại đã ngấm vào máu. Vậy nên, cuộc mưu sinh vẫn miệt mài bất kể nắng mưa. Nay cửa sông Nhật Lệ, mai lại rủ nhau lặn lội ra tận cửa Gianh. Những người phụ nữ sẻ chia nhau nguồn sống nơi những bãi đá lởm chởm vỏ hàu.
 
Chị Hoa bảo, mỗi ngày sẽ có khoảng 3 giờ trước khi thủy triều dâng lên cao để hành nghề. Chừng ấy thời gian, may mắn lắm cũng kiếm được tầm 200-300 nghìn đồng. “Nghề ni cực nhưng nếu chịu khó thì không lo thiếu ăn”, ở bên cạnh, chị Nguyễn Thị Hồng (Quán Hàu, Quảng Ninh) nói chêm vào.
Những đôi găng tay dày cộm là vật dụng gắn bó với những người phụ nữ làm nghề cạy hàu.
Những đôi găng tay dày cộm là vật dụng gắn bó với những người phụ nữ làm nghề cạy hàu.
Trời về trưa. Thủy triều dần lên cao, “nuốt chửng” khoảng lô nhô trên mặt nước, bãi đá bắt đầu thu hẹp dần. Những người phụ nữ với đôi bàn tay nhăn nhúm, bợt bạt lại tất tả thu gom đồ đạc trở về nhà, trả lại cửa sông khoảng không gian loang loáng dưới nắng hè rực rỡ.
 
Chòi rớ bên sông
 
Cửa sông Nhật Lệ là chốn gặp gỡ của bao phận người đã gán đời mình với con nước lớn, nước ròng. Mỗi ngày, nơi này lại rộn rã thuyền bè xuôi ngược. Người đến, rồi vội vã rời đi, chỉ có những chòi rớ neo lại nơi bãi bờ là thủy chung qua bao mùa nắng, bấy nhiêu mùa mưa.
 
Sự hiện diện của chúng như nét chấm phá bình yên giữa bức tranh sông nước chốn thị thành. Bên trong chòi rớ lụp xụp ấy là bao nhiêu câu chuyện đời của những phận người đã trọn vẹn đời mình với sông nước quê hương. Sáng mùa hè, ngồi giữa những chòi rớ, lặng nghe người kể về chuyện đời mà như thể sông đang thầm thì kể về một phần đời của chính sông.
 
Trọn vẹn 10 năm neo đời mình nơi khoảng không gian đặc biệt này, ngày nắng cũng như ngày mưa, ông Võ Quang (Hải Thành, TP. Đồng Hới) chọn cách thức ngủ cùng dòng sông, đói no phụ nhờ cả vào từng hôm buông rớ. Hòa trong tiếng ròng rọc kéo rớ lên, ông Quang kể, mình sinh ra ở Quảng Ninh.
Chòi rớ ven sông Nhật Lệ.
Chòi rớ ven sông Nhật Lệ.
Lên 7 tuổi, cả gia đình bị bom Mỹ giết hại để lại một mình ông bơ vơ giữa cuộc đời. May mắn khi ấy, ông được người họ hàng ở Hải Thành nhận nuôi, khi lớn lên, lấy nghề lênh đênh trên biển làm kế sinh nhai. Khi tấm vai trần đã không còn đủ sức sau mỗi hành trình vượt sóng, ông chọn trở về, neo đời mình nơi chòi rớ để kiếm kế sinh nhai.
 
Bao mùa nắng mưa, vợ chồng ông vẫn bám víu vào đây, cuộc mưu sinh nương nhờ cả vào dòng sông. Mỗi khi trời gió rét, chiếc chòi rớ co ro giữa cái lạnh se sắt của đất trời. Sợ nhất là mùa nước nổi, nước sông cuồn cuộn, giận dữ như thể muốn nhấn chìm, nuốt chửng chòi rớ mong manh đang cố néo lại trên mặt sông. Đó là những ngày hiếm hoi vợ chồng ông rời chòi rớ, trở về nhà.
 
Ngày ngày, ông kéo rớ, còn bà đem cá vào chợ bán, kiếm ít tiền, vừa đủ để nuôi sống hai vợ chồng già. “Giờ kéo rớ phụ thuộc vào từng con nước. Nước xuống, nước lên thay đổi theo từng ngày, từng mùa, không theo một giờ nhất định. Ngày may mắn thì kiếm được đôi ba trăm, có khi trúng đậm, kéo được luôn 5 tạ cá mòi, bán được vài triệu bạc, lại có ngày xui thì chẳng kiếm được đồng mô”, ông Quang kể, chất giọng miền biển vang vang giữa mặt sóng.
Cửa sông Nhật Lệ - nơi mưu sinh của nhiều người lao động.
Cửa sông Nhật Lệ - nơi mưu sinh của nhiều người lao động.
Say nghề và yêu sông nên ông chưa bao giờ có ý định bỏ chòi rớ lên bờ. Đã 10 năm nay, giấc ngủ vợ chồng ông chập chờn theo từng con nước, thức ngủ theo từng bận kéo rớ xuống, lên. Ông bảo, sống trọn vẹn với nơi này, ông hiểu quá rõ tính khí thất thường của dòng Nhật Lệ, nắm từng giờ nước lên, nước xuống. Ngày nào không ra bến sông, lòng lửng lơ nhung nhớ như thể lâu ngày không ghé lại. Ở tuổi này, những buồn vui, sướng khổ cũng chỉ đơn giản là phụ thuộc vào từng lần buông rớ.
 
“Buồn là con cá đang ngày càng ít đi do nhiều hộ dân dùng xung điện khai thác đến tận diệt. Còn vui thì vô vàn, nhất là khi ngồi ở đây, nhìn từng đoàn khách du lịch đi dọc sông, thấy họ nhìn mấy cái rớ của mình đầy thích thú rồi hỏi han đủ chuyện”, ông lão cười hiền.
 
Nhật Lệ về trưa, mặt sông dùng dằng như chẳng muốn chảy trôi. Tiếng ròng rọc kéo rớ thỉnh thoảng lại văng vẳng giữa không gian mênh mang loang loáng nắng. Bên trong đó là đói no, là hy vọng của bao phận người yêu sông hơn cả đời mình.
Diệu Hương
 
Bài 2: Mùa ốc ruốc

tin liên quan

Trong "ánh chớp lửa đạn"

(QBĐT) - "Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn" là cuốn sách ảnh của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng do NXB Thông tấn ấn hành.

"Lênh đênh" những con tàu 67

(QBĐT) - Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67) được xem là bước đột phá đối với ngành thủy sản, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đội tàu 67 (cách gọi những tàu cá đóng theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 67) cả nước nói chung cũng như trên địa bàn huyện Bố Trạch nói riêng hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Chuyện kể dưới bóng rừng "thường xanh" - Bài 2: "Khu rừng hy vọng"

(QBĐT) - Đó là cái tên trìu mến mà những nhà khoa học gọi Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong. Đến thời điểm này, Động Châu-Khe Nước Trong đã từng bước trở thành địa chỉ du lịch thú vị của nhiều du khách bởi những khám phá, trải nghiệm mới mẻ. Không chỉ thắp lên niềm tin trong hành trình bảo tồn, phát huy bền vững những giá trị của Động Châu-Khe Nước Trong, đây còn là điểm kết nối quan trọng trong "bản đồ" du lịch phía Nam của tỉnh, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế mũi nhọn đồng thời mang lại khởi sắc mới cho đời sống người dân trong khu vực.