Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc (25-31/5/2023):

"Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá"

  • 09:51 | Thứ Ba, 30/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đó là chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2023, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; đề cập đến mối liên hệ giữa sử dụng, trồng cây thuốc lá và đói nghèo; kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm.
 
Thuốc lá liên quan đến đói nghèo và bệnh tật
 
Theo WHO, việc trồng, sản xuất và sử dụng thuốc lá có liên quan đến tình trạng mất an ninh lương thực và đói nghèo. Bởi thuốc lá là loại cây trồng không bền vững, hàng năm trên thế giới có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá.
 
Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000-6.000 tấn Formaldehyde, từ 12.000-47.000 tấn Nicotine và từ 300-600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá… Không những thế, việc chi tiêu cho thuốc lá và chi trả khám, chữa bệnh do thuốc lá gây ra làm tăng gánh nặng đói nghèo. Ước tính của WHO, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ đô la Mỹ. 
CDC Quảng Bình tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh về trường học không khói thuốc lá.
CDC tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh về trường học không khói thuốc lá.
Đặc biệt, việc hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp; nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch…
 
Theo số liệu thống kê của WHO, việc sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.
 
Tại Việt Nam, ít nhất 40.000 người đã bị thuốc lá lấy đi sinh mạng mỗi năm. Để giảm số người tử vong và đạt được mục tiêu giảm 30% tỷ lệ hút thuốc vào năm 2030, Việt Nam  vẫn còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao nhận thức cho người dân.
 
Nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá
 
Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các cấp, ngành, tổ chức chính trị-xã hội… tăng cường nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi trường không khói thuốc... Nhờ đó, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong giới trẻ.
 
Cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh niên độ tuổi 15-24 giảm từ 26% xuống còn 13%; ở lứa tuổi học sinh 13-15 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá cũng giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022. Nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới. 
Thuốc lá rẻ tiền được bày bán công khai, không kiểm soát được việc bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi.
Thuốc lá được bày bán công khai, không kiểm soát được việc bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi.
Tại Quảng Bình, theo bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC-đơn vị đầu mối về hoạt động PCTHTL của tỉnh) cho biết, kết quả điều tra năm 2022: Tỷ lệ hút thuốc lá chung là 22,1%, giảm gần 4% so với năm 2018 (trong đó tỷ lệ nam giới hút thuốc là 42,4%, nữ giới là 2%). Thuốc lá điếu là loại được sử dụng nhiều nhất, gần 76%; tỷ lệ hút thuốc lá điện tử khoảng hơn 1%.
 
Những năm qua, bên cạnh việc nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, giảm thiểu các bệnh liên quan đến hút thuốc lá, Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh đã phối hợp tổ chức triển khai nhiều hoạt động PCTHTL; chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tác hại của việc sử dụng thuốc lá; phát động phong trào thực hiện không khói thuốc ở nơi làm việc, nơi công cộng. 
 
Nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, WHO lấy ngày 31/5 hàng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá. Tại Việt Nam, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá được tổ chức từ ngày 25-31/5. 
 
Bộ Y tế: Trong khu vực ASEAN hiện đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia.

Tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên để giảng dạy về PCTHTL trong chương trình ngoại khóa ở các cấp học. Đồng thời, tích cực tuyên truyền trên các phương tiên thông tin đại chúng các bệnh liên quan đến thuốc lá; phổ biến rộng rãi về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, lợi ích của việc thực hiện môi trường không khói thuốc, các quy định của Luật PCTHTL… góp phần xây dựng bệnh viện, trường học hoàn toàn không khói thuốc lá. 

Ngoài ra, Quảng Bình cũng tổ được một số lớp tập huấn về cai nghiện thuốc lá, nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ y tế thôn bản về tác hại của thuốc lá và phương pháp tư vấn cai nghiện thuốc lá, kết hợp tuyên truyền về lợi ích của cai nghiện thuốc lá, tạo cơ hội cho những người hút thuốc dễ dàng tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá.
 
Bên cạnh đó, tại tuyến tỉnh cũng đã tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động của chương trình PCTHTL; giảm dần và tiến tới bỏ hẳn nhu cầu sử dụng thuốc lá trong xã hội. Đồng thời, thực hiện việc kiểm soát mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong do các bệnh có liên quan đến thuốc lá, giảm tổn thất về kinh tế, sức khỏe cho mỗi người, gia đình và xã hội. 
Tuyên truyền về tác hại của thuốc lá cho người cao tuổi.
Tuyên truyền về tác hại của thuốc lá cho người cao tuổi.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh, công tác PCTHTL tại Quảng Bình bước đầu đạt được một số kết quả tích cực: Tỷ lệ người dân hiểu biết về tác hại của thuốc lá đạt trên 88%; tỷ lệ người dân biết về các bệnh do thuốc lá gây ra trên 94% và tỷ lệ người dân hiểu biết về Luật PCTHTL gần 47%.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, Quảng Bình cũng như cả nước, công tác PCTHTL đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trước sự xuất hiện của các sản phẩm mới, như: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa... nhằm vào thanh thiếu niên; thuốc lá rẻ, được bày bán khắp nơi. Cùng với đó, ý thức tuân thủ các quy định pháp luật về PCTHTL của một bộ phận người dân, trong đó có cả cán bộ, viên chức trong một số cơ quan, đơn vị còn chưa cao. Mặc dù đã được hiện thực hóa thành luật nhưng để triển khai được Luật PCTHTL trong đời sống vẫn còn nhiều bất cập, việc vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng vẫn rất phổ biến. Đặc biệt, không kiểm soát được việc bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi...
 
“Nếu chúng ta không tiếp tục thực hiện các biện pháp PCTHTL mạnh mẽ hơn, kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam nói chung và tại địa bàn Quảng Bình nói riêng, thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại, nhất là trong nhóm thanh thiếu niên. Như vậy, chúng ta sẽ phải giải quyết những gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá cũng như các hệ lụy về xã hội, kinh tế, môi trường, đặc biệt là các hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của thế hệ trẻ”, Giám đốc CDC tỉnh cảnh báo.
 
Nói không với thuốc lá điện tử để bảo vệ thế hệ trẻ
 
Theo thông tin từ Bộ Y tế, những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet.
 
Các sản phẩm này được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và hương vị rất hấp dẫn giới trẻ, vì vậy việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh. 
 Đoàn viên thanh niên ngành y tế tuyên truyền, cổ động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc (từ ngày 25-31/5 hàng năm).
Đoàn viên, thanh niên ngành Y tế tuyên truyền, cổ động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc (từ ngày 25-31/5 hàng năm).
Thuốc lá điện tử có chứa nicotine là một chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, phổi, tổn thương não cùng nhiều bệnh khác, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Ngoài nicotine thuốc lá điện tử còn chứa các hóa chất độc hại như nitrosamines và hydrocacbon có trong khói xe ô tô và thuốc trừ sâu gây ung thư. Ngoài các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn gây nguy cơ làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác. 
 
Trước nguy cơ xâm nhập sâu của thuốc lá điện tử, mới đây UBND tỉnh Quảng Bình đã có văn bản chỉ đạo tăng cường truyền thông và kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa; yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đề nghị Ủy ban MTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các hội viên của cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn; kịp thời ban hành các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm này tại cơ quan, đơn vị; tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha trên địa bàn quản lý.
 
UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin-Truyền thông, các cơ quan báo chí địa phương và trung ương đóng trên địa bàn, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điếu thông thường, cần kịp thời tuyên truyền, phổ biến thông tin về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn tỉnh, nhằm ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm này.
 
Đồng thời, yêu cầu Sở Giáo dục-Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên; kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng thuốc lá điện tử tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh.
Nội Hà

tin liên quan

Vi khuẩn botulinum tồn tại như thế nào trong môi trường?

Để tồn tại, vi khuẩn botulinum đã tạo ra lớp vỏ bọc rất kín bao quanh cơ thể của chúng, rất chắc chắn, bền vững, chống chọi với hầu hết các điều kiện khắc nghiệt bên ngoài. 

CDC Quảng Bình: Tăng cường khám sức khỏe định kỳ cho lái xe

(QBĐT) - Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tăng cường công tác khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho đội cán bộ, công nhân, người lao động và lái xe tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh.

Hơn 11,6 nghìn tỷ đồng được huy động vào Quỹ vaccine phòng Covid-19

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, đến hết ngày 31/12/2022, tổng số tiền đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là khoảng 230 nghìn tỷ đồng.