Việc thực hiện quy định về phát triển nhà ở xã hội ở Quảng Bình như thế nào?

  • 07:13 | Thứ Hai, 06/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là một chủ trương nhân văn của nhà nước, dành cho nhiều đối tượng, trong đó có người thu nhập thấp ở đô thị. Phóng viên (PV) Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng xung quanh việc thực hiện quy định này trên địa bàn tỉnh.
 
P.V: Xin ông cho biết các quy định mới nhất của nhà nước về việc các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị dành 20% quỹ đất để xây dựng NƠXH?
 
Ông Phạm Quốc Anh: Quy định mới nhất hiện nay về việc các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị dành 20% quỹ đất để xây dựng NƠXH là Nghị định số 49/2021/NĐ-CP, ngày 1/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH. Nội dung quy định về các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị dành 20% quỹ đất để xây dựng NƠXH được sửa đổi tại khoản 4, Điều 1, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP. 
Khu đất dành cho phát triển nhà ở xã hội của Dự án Khu đô thị Bảo Ninh 1.
Khu đất dành cho phát triển nhà ở xã hội của Dự án Khu đô thị Bảo Ninh 1.
P.V: Việc triển khai các quy định này trong thực tế có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?
 
Ông Phạm Quốc Anh: Quy định này là chính sách thiết thực của Nhà nước để phát triển NƠXH tại các đô thị, nhất là các đô thị lớn, phát triển mạnh, có nhu cầu NƠXH bức xúc như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Biên Hòa (Đồng Nai)...
 
Ở Quảng Bình, việc thực hiện có những thuận lợi, đó là sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh; các cơ quan tham mưu tuân thủ các quy định của pháp luật về việc phát triển NƠXH để tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện.
 
Về khó khăn, trên địa bàn TP. Đồng Hới đã có 1 số quỹ đất dành 20% đất ở để phát triển NƠXH nhưng đến nay chưa có nhà đầu tư quan tâm, thực hiện nên chưa có dự án NƠXH nào trở thành hiện thực.
 
Một vấn đề nữa mà nhiều địa phương phản ánh là, việc bắt buộc dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng NƠXH tại một dự án sẽ khiến kiến trúc, cảnh quan, không gian chung của cả dự án không đồng bộ, thiếu mỹ quan, giảm hiệu quả đầu tư và khó khăn trong việc cung cấp các dịch vụ, tiện ích... Vì vậy, việc quy định này hiện nay cũng đang có nhiều ý kiến trái chiều. Hiện Bộ Xây dựng đang tiếp tục nghiên cứu để đưa vào Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội trong năm 2023.
 
NƠXH được phát triển dành cho nhiều đối tượng, như: Người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo và cận nghèo (nông thôn, đô thị); người thu nhập thấp tại đô thị; người lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề…
P.V: Ông có thể thông tin tổng quan về việc phát triển NƠXH của Quảng Bình hiện nay?
 
Ông Phạm Quốc Anh: Sau khi có Luật Nhà ở và các nghị quyết, nghị định về phát triển NƠXH, theo tốc độ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của tỉnh, Sở Xây dựng đã tham mưu thực hiện nhiều chương trình phát triển NƠXH. Cụ thể, giai đoạn từ 2010-2020, phối hợp nguồn ngân sách Trung ương và địa phương đã hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa cải tạo cho gần 17.000 hộ thuộc các đối tượng: Hộ nghèo; hộ nghèo xây nhà ở phòng tránh lũ, lụt; người có công với cách mạng…
 
Về nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, hiện nay đã quy hoạch các khu hạ tầng xã hội ngoài hàng rào tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, nhà máy nhiệt điện để xây dựng nhà ở cho công nhân với diện tích khoảng 47,5ha.
 
Về NƠXH tại đô thị, tập trung chủ yếu ở TP. Đồng Hới (đô thị loại III trở lên), hiện tỉnh đang mời gọi đầu tư 1 dự án tại xã Lộc Ninh quy mô 11,3ha. Và có 5 dự án dành 20% đất ở để bố trí NƠXH, với diện tích đất ở 9,36ha, đã thi công cơ bản hệ thống hạ tầng kỹ thuật (HTKT).
 
Tại TP. Đồng Hới, trong giai đoạn từ 2010-2017, Sở Xây dựng đã tham mưu để UBND tỉnh quy hoạch, chấp thuận đầu tư cũng như kêu gọi đầu tư 2 dự án NƠXH độc lập:
 
(1) Khu nhà ở cho người có thu nhập thấp tại phường Đồng Phú, quy mô 6,89ha, năm 2011; chấp thuận cho Công ty CP Tập đoàn Đặng Đại làm nhà đầu tư. (2) Khu nhà ở cho người có thu nhập thấp tại phường Bắc Lý, có quy mô 6,36ha; năm 2014, giao cho sở kêu gọi đầu tư năm 2014.
 
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 14/2012/QĐ-UBND, ngày 17/7/2012 quy định về việc bán, cho thuê, cho thuê mua và các cơ chế ưu đãi đối với các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, do nhu cầu NƠXH cho người thu nhập thấp chưa cao nên các nhà đầu tư chưa quan tâm, quyết liệt đầu tư. Vì vậy, các dự án này đều không thực hiện và UBND tỉnh đã quy hoạch chuyển đổi thành các dự án khác.
 
P.V: Trên địa bàn Quảng Bình hiện có bao nhiêu dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị và việc thực hiện quy định dành 20% quỹ đất để xây dựng NƠXH đối với các dự án này như thế nào?
 
Ông Phạm Quốc Anh: Về các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, Sở Xây dựng đang quản lý 37 dự án và hiện nay Sở Kế hoạch-Đầu tư đang tham mưu, chấp thuận chủ trương đầu tư nhiều dự án khác. Tuy nhiên, việc quy định dành 20% đất ở để xây dựng NƠXH chỉ đối với các dự án tại đô thị loại III trở lên, cụ thể ở Quảng Bình chỉ có TP. Đồng Hới là phải thực hiện quy định này.
 
Sau khi Nghị định số 100/2015/NĐ-CP có hiệu lực, các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị tại TP. Đồng Hới đều thực hiện theo quy định này. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện theo 2 phương án quy định trong Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. Cụ thể là:
 
(1) - Dành 20% quỹ đất ở đối với các dự án trên 10ha: Hiện có 5 dự án thực hiện dành 20% đất ở để bố trí NƠXH, với diện tích đất ở là 9,36ha; đã thi công cơ bản hệ thống HTKT.
 
(2) - Đối với các dự án còn lại trên địa bàn TP. Đồng Hới có quy mô nhỏ hơn 10ha, thực hiện theo phương án nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với nhà nước (giá đất thương mại) nhằm bổ sung vào ngân sách địa phương dành để đầu tư xây dựng NƠXH.
Dự án Khu đô thị Nam cầu Dài (phường Phú Hải) có hơn 3ha dành cho phát triển nhà ở xã hội.
Dự án Khu đô thị Nam cầu Dài (phường Phú Hải) có hơn 3ha dành cho phát triển nhà ở xã hội.
P.V: Hiện nay, có một số ý kiến cho rằng đối với các dự án không dành 20% quỹ đất để phát triển NƠXH là gây thất thoát, quan điểm của ông như thế nào?
 
Ông Phạm Quốc Anh: Đúng là đang có dư luận như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc thực hiện theo phương án trên là đúng với quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình KT-XH trong giai đoạn này và hoàn toàn không gây thất thoát hay tham nhũng, lãng phí. Bởi lẽ, nhà đầu tư đã nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất bằng 20% theo giá đất thương mại (giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước); tăng thu cho ngân sách tỉnh; nếu để lại 20% đất ở thì ngân sách hoàn toàn không thu tiền đối với diện tích này.
 
Theo quy định, tiền thu từ giá trị 20% quỹ đất ở này bổ sung vào ngân sách địa phương dành để xây dựng NƠXH trên địa bàn. Trong điều kiện tỉnh ta chưa có Quỹ phát triển nhà ở, số tiền thu được hòa chung vào ngân sách tỉnh, thực hiện các chương trình KT-XH khác, trong đó có việc hỗ trợ cùng với ngân sách Trung ương xây dựng nhà ở cho các đối tượng xã hội trên địa bàn toàn tỉnh trong giai đoạn 2010-2020 như nói ở trên (gần 17.000 hộ).
 
P.V: Thưa ông, theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP cho phép chủ  dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10ha được lựa chọn giữa các hình thức là dành quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH, giao quỹ nhà ở tương đương, hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất đó, trong khi đó Nghị định số 49/2021/NĐ-CP thì quy định rõ là các dự án phải dành 20% quỹ đất để xây dựng NƠXH. Xin ông cho biết rõ hơn vấn đề này?
 
Ông Phạm Quốc Anh: Nghị định số 49/2021/NĐ-CP vẫn có 2 phương án. Cụ thể đối với đô thị loại II, loại III, dự án có quy mô lớn hơn 5ha thì phải dành 20% quỹ đất ở để xây dựng NƠXH; dự án nhỏ hơn 5ha thì không phải dành quỹ đất 20% và nộp bằng tiền.
 
Như vậy, nó khác với Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là bỏ cách giao quỹ nhà ở tương đương và giảm quy mô dự án bắt buộc phải dành đất để xây dựng NƠXH (từ 10ha xuống 5ha tại các đô thị loại II, III). Theo chúng tôi hiểu, điều này là để tăng cường trách nhiệm của các chủ đầu tư, các địa phương trong việc phát triển NƠXH.
 
P.V: Xin cảm ơn ông!
 
A.Tuấn (thực hiện)

tin liên quan

Hội thảo phòng, chống tảo hôn và mua bán người

(QBĐT) - Ngày 4/3, Tỉnh đoàn và Tổ chức quốc tế Plan tổ chức hội thảo "Công bố kết quả khảo sát giữa kỳ và thảo luận về tính bền vững của nền tảng Em vui" và tọa đàm "Thanh thiếu niên nói không với tảo hôn và mua bán người".  

Hai cựu ngư dân và 13 giờ giữa lằn ranh sinh tử

(QBĐT) - Đó là một hành trình chưa từng có với hai cựu ngư dân Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Vui (cùng trú thôn Phú Xuân, xã Quảng Phú, Quảng Trạch).

Con nhà người ta

(QBĐT) - Tan học, vừa bước vào nhà Nhi liền khoe với mẹ: