Tình đồng đội...

  • 14:08 | Thứ Sáu, 03/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, huyện Ba Vì (TP. Hà Nội), nơi an nghỉ của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên một buổi sáng tháng ba, chúng tôi bắt gặp vị đại tá già nhẹ thắp nén hương lên mộ phần Trung tướng rồi tần ngần cúi đầu tưởng niệm. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông xúc động “Mình là Thái Khắc Thể, lính Trường Sơn!”.
 
Người lính bảo vệ Tư lệnh bộ đội Trường Sơn
 
Đại tá Thái Khắc Thể (SN 1950, quê quán huyện Đô Lương, Nghệ An), nhập ngũ năm 1968, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn 12, hiện là Trưởng ban chính sách, xã hội của Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
 
Đại tá Thái Khắc Thể thắp hương viếng mộ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tại Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng (Ba Vì, TP. Hà Nội).
Đại tá Thái Khắc Thể thắp hương viếng mộ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tại Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng (Ba Vì, TP. Hà Nội).
Nhớ lại những năm tháng sống, chiến đấu trên đường Trường Sơn, đại tá Thái Khắc Thể tự hào: “Đây chính là thời gian đẹp nhất của lớp thanh niên chúng tôi. Với riêng bản thân, khi vào chiến trường hạnh phúc lớn nhất là được phân công về tổ phục vụ đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, trực tiếp cùng các thành viên trong tổ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, từng chuyến đi, bảo đảm sự an toàn cho vị Tư lệnh "huyền thoại" từ năm 1968-1969. Qua năm 1970, chính đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã ký quyết định cho tôi ra Bắc đi học”.
 
“Thời gian tham gia tổ phục vụ đồng chí Đồng Sỹ Nguyên mặc dù không dài, nhưng giúp tôi trưởng thành hơn, dạn dày với bom đạn chiến trường”-đại tá Thái Khắc Thể chia sẻ- “Tôi học tập được từ Tư lệnh sự mạnh mẽ, quyết đoán, hết mình vì công việc. Tư lệnh luôn thương yêu đồng đội, đồng chí; ân cần, động viên, chăm lo từng người lính trong tổ phục vụ gần gũi bên mình từ những việc nhỏ nhặt, đời thường nhất”.
 
“Sống gần đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, tôi thấy ông rất ít nghỉ ngơi, đi kiểm tra các trọng điểm, các tuyến đường về chỉ kịp ngả lưng một hai tiếng đồng hồ rồi lại bắt tay vào công việc. Thương Tư lệnh, chúng tôi lựa lời khuyên ông cố gắng giữ gìn sức khỏe. Ông cười bao dung, bảo: Các cậu đừng lo, chẳng kẻ thù nào quật ngã được tớ đâu!”, đại tá Thái Khắc Thể nhớ lại.
 
Những năm tháng tại chiến trường Trường Sơn, tổ phục vụ Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên ngoài ông Thái Khắc Thể còn nhiều người, trong đó có người mãi mãi nằm lại với núi rừng Trường Sơn, trở thành nỗi tiếc thương trong lòng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
 
“Mỗi khi nghĩ về đội ngũ anh chị em giúp việc, tôi không khỏi xúc động, bùi ngùi. Nhớ Phạm Xuân Bách, người thư ký đầu tiên, một kỹ sư kinh tế thông minh, quả cảm, thạo việc, hy sinh trong một chuyến công tác trên đường Trường Sơn. Và Phạm Chơn, người lái xe dũng cảm, tháo vát, hy sinh sau tay lái khi đưa tôi đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường ở Trung Lào”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên viết trong hồi ký.
 
Đau đáu cùng đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh
 
"Đích thân lựa chọn địa điểm để hôm nay Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn trở thành nơi an nghỉ của hơn 10 nghìn liệt sỹ từng sống, chiến đấu, hy sinh trên đường Trường Sơn là ân tình lớn nhất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đối với đồng đội, đồng chí. Khi Trung tướng còn sống, ông luôn đau đáu cùng Trường Sơn, làm sao để bộ đội Trường Sơn sớm có “một mái nhà chung” làm nơi gặp gỡ, giúp đỡ, tri ân đồng chí, đồng đội, vậy là Ban liên lạc toàn quốc bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh ra đời. Đến năm 2011, Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam thành lập và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được suy tôn làm Chủ tịch danh dự của hội”, đại tá Thái Khắc Thể cho biết.
Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn đường 20-Quyết Thắng, trọng điểm Cà-Roòng, ATP, những “tọa độ lửa” một thời ghi đậm dấu chân Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn đường 20-Quyết Thắng, trọng điểm Cà-Roòng, ATP, những “tọa độ lửa” một thời ghi đậm dấu chân Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Đau đáu với đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn động viên, căn dặn lãnh đạo hội và Binh đoàn 12: Thời gian và sự khắc nghiệt không cho phép chúng ta chần chừ thêm nữa đâu. Chỉ ít năm nữa thôi, chúng ta có muốn thì cũng không bao giờ còn có thể thấy những di tích gắn liền với lịch sử đường Trường Sơn anh hùng đâu... Vì thế, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên rất quan tâm, thúc đẩy, hoàn thiện đề án trình Chính phủ công nhận Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
 
Trong cuốn tư liệu “Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên với Trường Sơn” do Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam biên soạn, xuất bản năm 2022 nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng (1/3/1923-1/3/2023) có đề cập đến cuộc gặp gỡ giữa ông và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Tại buổi gặp này, ông đề nghị Thủ tướng xem xét quyết định công nhận Di tích Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
 
Ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng quyết định công nhận Di tích Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt với 37 điểm di tích trải dài qua 11 tỉnh, thành từ Nghệ An đến tận Bình Phước.
 
Tiếp đó, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định công nhận thêm 9 điểm di tích, nâng tổng số điểm di tích thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh lên thành 46 điểm di tích.
 
Ngày nay, đến với đường Hồ Chí Minh huyền thoại, ghé thăm những điểm di tích lịch sử trải theo chiều dài đất nước, càng tự hào hơn về chiến công của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... năm xưa, trở thành di sản quý giá cho thế hệ mai sau học tập và noi theo.
 
Thanh Long

tin liên quan

Hội nghị định hướng dự án VIE071 tại Quảng Bình

(QBĐT) - Ngày 28/2, Ban đại diện Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Tổ chức hỗ trợ NCT Quốc tế tại Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến định hướng dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khoẻ của NCT tại Việt Nam".

Trao hỗ trợ cho nhân vật trong chuyên mục "Cảnh đời"

(QBĐT) - Ngày 28/2, đại diện lãnh đạo Báo Quảng Bình và xã Cự Nẫm (Bố Trạch) đã đến thăm, trao hỗ trợ gia đình em Nguyễn Văn Thống ở thôn Trung Nẫm, xã Cự Nẫm.
 

Nhịp cầu nối doanh nghiệp và người lao động

(QBĐT) - Khi thị trường vẫn khan hiếm lao động đáp ứng được nhu cầu, hàng nghìn người lao động thất nghiệp, không tìm kiếm được việc làm phù hợp thì những phiên giao dịch việc làm chính là cầu nối hiệu quả để giải quyết những nỗi lo này.