Hãy chọn con đường mà bản thân yêu thích và dám nỗ lực...
(QBĐT) - Cậu thanh niên trẻ Nguyễn Đình Vũ đã nói như thế khi nghĩ về quyết định lựa chọn học nghề thay vì theo học các trường đại học, cao đẳng như bạn bè đồng trang lứa. Sau tất cả những nỗ lực để kiên trì với mục tiêu đặt ra, giờ Vũ có thể tự tin khẳng định lựa chọn của mình là hoàn toàn đúng đắn. Và cậu muốn truyền niềm tin, năng lượng tích cực ấy đến với những bạn trẻ đang loay hoay trước những ngã rẽ cuộc đời.
“Không ai tự nhiên mà giỏi”
Sinh năm 1996 tại Quảng Trị nhưng Nguyễn Đình Vũ lại chọn Quảng Bình làm điểm dừng chân để học nghề và lập nghiệp. Vốn là người có niềm yêu thích đặc biệt với nấu ăn, những ngày trên ghế phổ thông, Vũ say sưa theo dõi các chương trình Master Chef trên các kênh truyền hình. Hình ảnh các đầu bếp với đôi bàn tay điêu luyện, những món ăn đủ màu sắc được bài trí đẹp mắt như một hấp lực thu hút cậu học sinh.
Tốt nghiệp lớp 12, không lựa chọn thi đại học như bạn bè cùng lớp, Vũ thuyết phục gia đình để được đi học nghề, theo đuổi đam mê làm đầu bếp. “Sáng thi xong môn cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp là chiều tôi bắt xe vào TP. Hồ Chí Minh theo học một lớp sơ cấp về chế biến món ăn. Bước đầu được tiếp cận với bộ môn này, ngay tại một thành phố sôi động đã thực sự mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm và càng quyết tâm theo đuổi”, Vũ chia sẻ.
Học xong sơ cấp, thay vì trở về quê Quảng Trị, Vũ chọn đi thẳng ra TP. Đồng Hới vì thời điểm này, Quảng Bình đã bắt đầu rộn ràng với các hoạt động du lịch, sẽ là môi trường lý tưởng để học nghề và làm nghề. Vũ vừa đăng ký theo học trung cấp ngành kỹ thuật chế biến món ăn tại Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9, vừa xin làm thêm tại các quán ăn, nhà hàng để tích lũy thêm kinh nghiệm.
Sau hai năm theo học, ra trường, Vũ đã tự tin làm bếp phó, rồi bếp trưởng tại các nhà hàng lớn tại TP. Đồng Hới. Đó là quãng thời gian quý giá để Vũ tự học hỏi, trau dồi kiến thức và sẵn sàng bước đi trên một hành trình lắm thử thách, nhiều khó khăn phía trước. Vũ bảo, kiến thức được thu nạp trong hai năm theo học tại trường nghề chính là nền tảng vững chắc để bản thân tự tin làm nghề.
“Không ai tự nhiên mà giỏi cả, tự học là việc quan trọng nhưng nếu không được đào tạo trường lớp bài bản thì không thể có được nền móng cơ bản. Những bài học ở trường đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình đi làm, từ việc định lượng thực phẩm, cách thức chế biến từng món ăn, đến nghiệp vụ nhà hàng, trình bày món ăn sao cho bắt mắt, cách sắp xếp thời gian đứng bếp… Tất cả những điều đó đều phải được học qua trường lớp thì khi đi làm mới khỏi bỡ ngỡ”, Vũ chia sẻ thêm.
Gà ủ muối thảo mộc hoa tiêu
Năm 2021, khi nghỉ làm do dịch Covid-19, đó cũng là lúc tại các thành phố lớn, món gà ủ muối thảo mộc rất hút khách. Vũ đặt hàng và ăn thử, tìm hiểu cách chế biến rồi tự mày mò ra một công thức độc quyền cho món gà ủ muối thảo mộc hoa tiêu. Sau nhiều lần thử nghiệm công thức mới thất bại, tốn kha khá nguyên liệu, tiền bạc, cuối cùng, Vũ cũng tìm được một công thức ủ ướp món gà của riêng mình.
“Những ngày học ở trường, thầy cô luôn nhắc nhở chúng tôi, làm đầu bếp trước hết phải đặt cái tâm lên hàng đầu, chế biến món ăn cho khách hàng cũng phải như cho chính người thân của mình. Vậy nên, tôi luôn chú trọng mang đến cho khách hàng sản phẩm tươi ngon, bảo đảm chất lượng nhất”, Vũ khẳng định.
Nếu một số cơ sở khi chế biến món gà ủ thảo mộc này thường dùng các loại gia vị, bột tạo hương thì Vũ đặc biệt coi trọng khâu tìm kiếm nguyên liệu sạch, đầy đủ nguồn gốc xuất xứ. Nguyên liệu được lấy từ chính nguồn gà nuôi nhốt tại các nông trại, gia trại ở Lệ Thủy. Sau khi làm sạch, được ngâm với các loại thảo mộc, gia vị đi kèm trong khoảng 2 giờ, sau đó, được luộc chín rồi hút chân không. Sản phẩm thành phẩm sẽ ngọt thịt, thơm mùi thảo mộc, da giòn.
Sau gần hai năm miệt mài trên hành trình đã chọn, giờ thương hiệu gà ủ muối thảo mộc hoa tiêu của Nguyễn Đình Vũ đã dần khẳng định được chỗ đứng. Những ngày cao điểm, cơ sở của Vũ bán hơn 130 con gà thành phẩm và hơn 3.000 con/tháng. Để tạo thêm nhiều sản phẩm chất lượng, Nguyễn Đình Vũ chế biến thêm các món ăn đi kèm, như: Lợn ủ muối, chân gà ủ muối…
Những món ăn này đều được chế biến với nguyên tắc: Bảo đảm chất lượng tươi ngon, coi thực khách chính là người thân của mình. Vũ cũng đã xây dựng được một mạng lưới khách từ Hà Nội đến Huế và sẵn sàng bán lại công thức ủ ướp này với mong muốn sản phẩm chất lượng sẽ đến được nhiều hơn với thực khách xa gần. Cơ sở cũng đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/tháng.
Chọn học nghề nghĩa là chọn đi một con đường khác ngược với số đông. Trên con đường này, một khi bền tâm, vững chí bước đi thì mọi khó khăn cũng chỉ là thử thách. Vũ bảo, chưa một lần thấy hối hận với con đường mình đã chọn dù đôi lúc vẫn thấy chạnh lòng. Đó là những dịp lễ, Tết, phải quần quật trong bếp chế biến phục vụ khách thay vì được trở về sum họp bên gia đình như bạn bè đồng trang lứa. Nhưng khi bạn bè đang đi học, thì Vũ đã có thể vừa đi học, vừa đi làm với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Ra trường, khi họ đang loay hoay xin việc thì Vũ đã có được một sự nghiệp ổn định, ấp ủ nhiều ý tưởng kinh doanh mới.
“Cũng như tôi ngày trước, các bạn trẻ hiện nay chắc cũng đang loay hoay tìm cho mình một hướng đi phù hợp. Tôi nghĩ rằng, nếu có đam mê và quyết tâm theo đuổi nó thì dù học đại học hay học nghề, chúng ta vẫn có thể tự tin với con đường bản thân đã lựa chọn. Đừng theo số đông, hãy chọn đi con đường mà bản thân yêu thích và dám nỗ lực vì điều đó”, Vũ nhắn nhủ.
Diệu Hương
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.