Nhận diện và đồng hành "gỡ khó" trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Bài 2: Đồng hành và kỳ vọng

  • 07:22 | Thứ Ba, 28/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bên cạnh nắm bắt, làm rõ những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (CT, SGK GDPT), qua giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã có các đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục khó khăn trong triển khai đổi mới CT, SGK GDPT, bước đầu mang lại hiệu quả khả quan và những kỳ vọng mới.
 
 
Tín hiệu vui
 
Báo cáo của Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp cơ bản đầy đủ, toàn diện những kết quả, tồn tại, các kiến nghị, đề xuất của cán bộ, giáo viên (GV), các trường học, cơ sở giáo dục, phòng, ban chức năng, địa phương…
 
Trên cơ sở kết quả giám sát, cùng với việc xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan Trung ương và của tỉnh để có sự phối hợp, đồng hành hiệu quả trong đổi mới CT, SGK GDPT, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm và 3 nhóm giải pháp quan trọng, mang tính chất bao trùm về xây dựng chính sách, giám sát thực hiện, quản lý nhà nước, đầu tư các nguồn lực, là cơ sở quan trọng để tiếp tục triển khai hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới CT, SGK trong thời gian tới.
 
Đoàn cũng đã tổng hợp các kiến nghị gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Nội dung kiến nghị bao gồm các chính sách đặc thù; nguồn nhân lực; cơ chế tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, GV khi dạy vượt giờ, làm việc vượt mức quy định do thiếu biên chế; tăng hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các địa phương còn nhiều khó khăn để bảo đảm cơ sở vật chất; chính sách đối với nhân viên, hỗ trợ tiền học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm; xây dựng và triển khai lộ trình đào tạo GV các bộ môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật; các nội dung về đầu tư cơ sở vật chất; lộ trình kiểm định, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chuẩn mới; rà soát những bất cập, hạn chế trong chương trình cũng như trong các bộ SGK GDPT để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện...
Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát thực tế tại Trường tiểu học và THCS Chu Văn An
Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát thực tế tại Trường tiểu học và THCS Chu Văn An.
Những nội dung nêu trên đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành tiếp thu, trong đó các ý kiến góp ý của cán bộ, GV các trường học, cơ sở giáo dục về CT, SGK đã được tổng hợp đầy đủ, gửi đến hội đồng biên soạn xem xét, nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung trong thời gian sớm nhất.
 
Ở cấp tỉnh, các nội dung kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh đối với HĐND tỉnh về thời gian thực hiện việc giao biên chế giáo dục cho các trường; nghiên cứu ban hành nghị quyết tăng mức hỗ trợ tiền ăn và sinh hoạt phí cho học sinh (HS) trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn... được tiếp thu và đẩy nhanh việc thực hiện. Trong đó, nghị quyết tăng mức hỗ trợ tiền ăn và sinh hoạt phí cho HS trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn với mức 50.000 đồng/ngày/HS đã được biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 9 (kỳ họp chuyên đề) tổ chức vào ngày 24/3/2023.
 
“Mức hỗ trợ hiện nay đang thực hiện theo Thông tư số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT, ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục-Đào tạo là khoảng trên 30.000 đồng/ngày/HS. Với mức hỗ trợ này, những năm gần đây, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Việc HĐND tỉnh ban hành nghị quyết tăng thêm 20.000 đồng/ngày/HS sẽ góp phần nâng cao chất lượng đời sống, sinh hoạt cho các em, giúp các em yên tâm học tập, cũng là tiền đề quan trọng để nhà trường nỗ lực thực hiện đổi mới CT, SGK, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới”, thầy giáo Phạm Hồng Việt, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh vui mừng cho biết.
 
Cũng tại kỳ họp chuyên đề, nghị quyết về quyết định số lượng hợp đồng lao động giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm 2023 đã được thông qua, là tiền đề quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả việc đổi mới CT, SGK GDPT.
 
Đối với UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nội dung kiến nghị cụ thể về tài liệu giáo dục địa phương; cơ chế chính sách hỗ trợ GV công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, GV chuyên biệt trong các trường dân tộc nội trú; động viên, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục tư thục, mở rộng quy mô; chỉ đạo các sở ngành tham mưu thực hiện quy trình giao biên chế giáo dục; công tác điều động, luân chuyển GV phù hợp, tránh thừa, thiếu cục bộ; khảo sát nhu cầu học môn tự chọn của HS trước khi vào lớp 10 THPT để có cơ sở chủ động kế hoạch đào tạo, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị... Những nội dung kiến nghị này đã được UBND tỉnh tiếp thu và khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét tham mưu thực hiện.  
 
Tự tin và kỳ vọng
 
Cùng với các đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, “gỡ khó” cho việc thực hiện đổi mới CT, SGK GDPT, trên cơ sở kết quả giám sát các nghị quyết của Quốc hội sau hai năm thực hiện, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng có các nhận định về tính khả thi, phù hợp của việc đổi mới CT, SGK.
Hoạt động trải nghiệm trong đổi mới CT,SGK GDPT của Trường tiểu học Đức Ninh Đông (TP.Đồng Hới) mang lại sự thích thú, say mê cho học sinh.
Hoạt động trải nghiệm trong đổi mới CT, SGK GDPT của Trường tiểu học Đức Ninh Đông (TP. Đồng Hới) mang lại sự thích thú, say mê cho học sinh.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội khẳng định: Đổi mới chương trình giáo dục là một trong những nội dung cốt lõi của đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thực hiện Nghị quyết số 88-NQ/QH, CT GDPT đã được ban hành và triển khai, đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai đã và đang có những vướng mắc, hạn chế, rào cản cần được tháo gỡ, chúng ta cũng đã nhận diện khá rõ. Tin rằng, sau giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ có những giải pháp căn cơ để để triển khai thành công Chương trình GDPT, đạt được các mục tiêu đề ra, đáp ứng yêu cầu giáo dục trong giai đoạn mới.
 
Nhiều GV, phụ huynh và HS cũng đồng tình với ý kiến này. Từ những kết quả bước đầu cho thấy, bên cạnh những khó khăn, bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện, cái được rất quan trọng của CT, SGK mới chính là sự chủ động, sáng tạo của HS không chỉ trong việc tiếp thu, tìm hiểu, chọn lọc kiến thức từ nhiều kênh, mà còn là sự tự tin, linh hoạt trong giao tiếp, đây là những yếu tố rất quan trọng mà phương pháp giáo dục truyền thống và CT, SGK cũ chưa đáp ứng được.
 
“Báo cáo về nội dung và kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh về chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới CT, SGK GDPT” được Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao. Đây là tiền đề quan trọng để góp phần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, là cơ sở để Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan cùng đồng hành, phối hợp tháo gỡ những khó khăn, hạn chế nhằm tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả việc đổi mới CT, SGK GDPT trong giai đoạn tới”, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Minh Tâm chia sẻ.
Ngọc Mai

tin liên quan

Bài 1: Toàn cảnh "bức tranh" đổi mới

(QBĐT) - Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, thời gian qua, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã giám sát tại các địa bàn, cơ sở giáo dục, trường học trong tỉnh.

Ngày hội "Đổi phế liệu, đổi pin lấy cây xanh"

(QBĐT) - Hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2023 và Tháng văn minh đô thị Đồng Hới, sáng 24/3, Hệ thống giáo dục Chu Văn An (TP. Đồng Hới) tổ chức ngày hội "Đổi phế liệu, đổi pin lấy cây xanh", thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Tập huấn về kỹ năng giảng dạy, tư vấn việc làm và tìm việc làm an toàn

(QBĐT) - Trong ngày 23-24/3, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế tổ chức lớp tập huấn về giảng dạy các kỹ năng số, kỹ năng mềm và kỹ năng khởi nghiệp, tư vấn việc làm và tìm việc làm an toàn.