"Báu vật" của làng Đông Dương

  • 08:21 | Chủ Nhật, 12/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Người dân làng Đông Dương (nay là thôn Đông Dương), xã Quảng Phương (Quảng Trạch) chẳng rõ rừng trâm bầu có từ bao giờ, chỉ biết rằng hàng trăm năm nay, rừng cây đã hiện hữu, ôm ấp, che chở làng quê mình. Đi qua chiến tranh, rồi đến thời bình, bao thế hệ người dân nơi đây vẫn luôn nâng niu, giữ gìn rừng trâm bầu cổ thụ như giữ báu vật của làng…
 
Rừng che bộ đội…
 
Người dân làng Đông Dương luôn tự hào có nhiều “báu vật” mà đến nay họ vẫn còn lưu giữ được, đó là: Ngôi đình làng được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia; làn điệu ca trù với lối hát đứng độc nhất vô nhị; những giếng Chăm cổ và rừng trâm bầu rộng 34ha.
 
Theo các bậc cao niên ở Đông Dương, tất cả các “báu vật” của làng đều có mối quan hệ mật thiết với nhau và đều cần được bảo tồn cho con cháu đời sau, nhưng đặc biệt hơn cả là rừng trâm bầu. Bảo vệ rừng chính là bảo vệ sự sống, bảo vệ truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng hào hùng của làng.
 
Dưới tán rừng trâm bầu, quân và dân làng Đông Dương đã cùng với cả nước đi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Những năm tháng ác liệt ấy, cánh rừng trâm bầu trở thành nơi che chở, bảo vệ những tổ chức cách mạng, những đoàn quân Nam tiến và dân làng trước mưa bom bão đạn của quân thù.
 Cánh rừng trâm bầu ở làng Đông Dương (xã Quảng Phương, Quảng Trạch) từng là nơi đóng quân của bộ đội và các cơ sở sơ tán trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc vĩ đại.
Cánh rừng trâm bầu ở làng Đông Dương (xã Quảng Phương, Quảng Trạch) từng là nơi đóng quân của bộ đội và các cơ sở sơ tán trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc vĩ đại.
Ông Phạm Văn Đoàn (75 tuổi) nhớ lại: “Những năm giặc Mỹ “leo thang” chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, rừng trâm bầu là nơi đóng quân của bộ đội và các cơ sở trạm xá, bệnh viện, trường học... sơ tán lên. Nhờ cánh rừng trâm bầu che chở mà quân và dân ở đây đã vững chãi đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Dưới tán rừng trâm bầu, chợ Ba Đồn (cũng được sơ tán lên đây) vẫn họp; những làn điệu ca trù của làng vẫn đều đặn cất lên trong những đêm giao lưu văn nghệ thắm tình quân dân…”
 
Giữ “báu vật” bằng hương ước
 
Dẫn chúng tôi thăm rừng trâm bầu xanh mướt, Trưởng thôn Đông Dương Phạm Thanh Hải tự hào khoe, khu rừng như bức bình phong che chắn cho làng mỗi khi gặp giông bão, cung cấp nguồn nước tươi mát, tạo nguồn không khí trong lành cho làng.
 
Rừng trâm bầu cũng là nơi cung cấp chất đốt (củi và lá khô) cho làng. Quả trâm bầu chín rộ vào tháng Giêng, có kích cỡ và màu sắc như quả móc, có vị ngọt chát nhẹ, người dân hái về ngâm rượu để uống. Rồi dưới tán rừng, tiếng hót của nhiều loài chim vang vọng, tạo nên thanh âm thú vị, yên bình.
 
Không chỉ có vậy, bên trong cánh rừng trâm bầu, ở những khoảng đất cát trống, là cả một nghĩa trang rộng lớn, là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các thế hệ người làng khi họ “trăm tuổi” về với tổ tiên. Người cao niên ở Đông Dương bảo, đó là nơi lý tưởng để họ khi chết đi rồi vẫn có thể được gần gũi bên làng, bên gia đình, bên cháu con họ…
 
Vậy nên, với các thế hệ người làng Đông Dương, cánh rừng trâm bầu là “báu vật” cần phải quyết tâm bảo vệ, giữ gìn nguyên vẹn. Việc giữ rừng trâm bầu cũng đã được các thế hệ người làng Đông Dương đưa vào hương ước và ngày càng hoàn thiện chặt chẽ hơn.
 Quả trâm bầu chín có màu sắc, vị như quả mốc.
Quả trâm bầu chín có màu sắc, vị như quả mốc.
Theo ông Phạm Thanh Hải, theo quy định cấp thôn không được xử phạt hành chính nên hương ước của làng chú trọng đến việc tuyên truyền, răn dạy. Điều đáng trân quý là từ đời cha ông đến nay ai cũng một lòng tuân theo “lệ làng” mà đồng sức, đồng lòng giữ rừng trâm bầu.
 
Ở làng Đông Dương hiện có một tổ bảo vệ rừng trâm bầu, kiêm dịch vụ thủy nông gồm 4 người. Mỗi năm tổ bảo vệ rừng được người dân trong làng đóng góp trả công bằng…thóc. Quy ra tiền, hiện một năm mỗi người được nhận khoảng 2 triệu đồng. Nhiều năm qua, tổ bảo vệ rừng của làng Đông Dương vẫn hoạt động bền bỉ, có trách nhiệm.
 
“Chúng tôi vẫn thường xuyên đi tuần để kiểm tra xem rừng trâm bầu có bị xâm hại không. Chủ yếu cũng là nhắc nhở những người vào rừng làm lăng mộ phải cẩn thận không để ảnh hưởng đến rừng và ngăn chặn những người ở các nơi khác vào rừng săn bắn chim, thỏ… Riêng với người trong làng thì chúng tôi hoàn toàn yên tâm, bởi chính họ đã chắt chiu thóc gạo đóng góp cho chúng tôi giữ rừng, nên họ hiểu mình cũng phải tự giác giữ gìn thì rừng trâm bầu mới trường tồn mãi mãi…”, ông Nguyễn Hữu Trọng, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng làng Đông Dương chia sẻ.
 
Chủ tịch UBND xã Quảng Phương Lê Hồng Việt đánh giá: Đông Dương là làng giàu truyền thống cách mạng và hiện đang được chọn xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” cấp tỉnh. Riêng với khu rừng trâm bầu, nhiều năm qua, người dân trong làng đã đoàn kết, đồng sức, đồng lòng bảo vệ tốt, mang lại nhiều lợi ích về phòng hộ, sinh thái, giữ gìn nguồn nước... Đây là số rất ít cánh rừng xanh tốt nguyên sinh ở vùng đồng bằng được gìn giữ nguyên vẹn từ xưa đến nay.
 
“Hàng trăm năm qua, các thế hệ người làng Đông Dương đã coi rừng trâm bầu như báu vật. Rừng trâm bầu là tấm bình phong che chở dân làng mỗi mùa gió bão, mất rừng là mất làng. Rừng giữ làng nên làng phải giữ rừng. Cha ông đã bảo vệ, giữ gìn rừng trâm bầu, thế hệ chúng tôi cũng nguyện quyết tâm bảo vệ nguyên vẹn cho khu rừng ngày càng xanh tươi", Trưởng thôn Đông Dương Phạm Thanh Hải chia sẻ.
 
Phan Phương

tin liên quan

Từ đêm 13-14/2, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ

Từ ngày 14/2, Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế trời chuyển rét, vùng núi có nơi rét đậm; nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến 14-17 độ C.

Huy động đoàn viên, thanh niên tham gia hiến máu cứu người

(QBĐT) - Ngày 11/2, Đoàn Khối các cơ quan tỉnh huy động các đoàn viên, thanh niên tham gia hiến máu tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới.

Chương trình hành động về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo

(QBĐT) - Ngày 9/2, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 146/Ctr-UBND thực hiện Kế hoạch số 88-KH/TU ngày 16/12/2022 của Tỉnh ủy Quảng Bình về thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.