Đào tạo lái xe theo Thông tư 04: Loay hoay gỡ khó

  • 07:59 | Thứ Năm, 29/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT (Thông tư 04), ngày 22/4/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT, ngày 15/4/2017 của Bộ Giao thông vận tải quy định các cơ sở đào tạo trang bị và sử dụng cabin điện tử học lái xe ô tô trước ngày 31/12/2022. Mốc thời gian đã cận kề nhưng nhiều cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh vẫn đang loay hoay gỡ khó để mong thực hiện theo đúng lộ trình đặt ra.
 
Nặng gánh kinh phí
 
Thông tư 04 quy định các cơ sở đào tạo lái xe ô tô trang bị và duy trì cabin học lái xe ô tô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ GTVT ban hành. Đến ngày 1/1/2023, tất cả các cơ sở đào tạo bắt buộc phải đưa thiết bị này vào thực hành giảng dạy. Khi mà “bão Covid-19” tràn qua, chưa kịp phục hồi thì nhiều cơ sở đào tạo lại phải gồng mình gánh thêm nhiều khoản kinh phí do những điểm mới trong quy định này.
 
Mỗi năm, Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình đào tạo từ 6.000-7.000 học viên lái xe các hạng B1, B2 và C. Với con số này, theo quy định, trường phải đầu tư tối thiểu 5 cabin điện tử. Mỗi cabin có giá hơn 500 triệu đồng, điều đó đồng nghĩa với việc, trường phải bỏ ra ít nhất 2,5 tỷ đồng. Con số này là không hề nhỏ trong khi hiệu quả đào tạo chưa được kiểm chứng.
 
Ông Nguyễn Viết Lâm, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình chia sẻ, việc đầu tư đòi hỏi một khoản kinh phí rất lớn, vì vậy, khi việc ứng dụng cabin điện tử đi vào ổn định thì khó tránh khỏi tăng mức học phí đối với người học và thi giấy phép lái xe. Tuy nhiên, đó không thể là việc “một sớm, một chiều” và cũng không thể tăng học phí của học viên lên quá cao.
 
Thông tư 04 cũng bổ sung một số nhiệm vụ của cơ sở đào tạo lái xe, như: Truyền dữ liệu quản lý DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, trung thực của dữ liệu DAT; cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin, dữ liệu DAT cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu. Hệ thống DAT có chức năng kết nối thông tin từ các cơ sở đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
 
Thông qua hệ thống này, tổng cục có thể theo dõi, khai thác dữ liệu để phục vụ công tác quản lý đào tạo lái xe; kiểm tra tính chính xác của các thông tin về giáo viên, xe tập lái. Để đáp ứng được yêu cầu này đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải chi kinh phí gắn thiết bị giám sát DAT cho các phương tiện. Thiết bị này đã được các cơ sở đầu tư lắp đặt từ giữa tháng 6/2022.
Áp dụng Thông tư 04 sẽ giúp siết chặt quy trình đào tạo, hạn chế tiêu cực, gian dối.
Áp dụng Thông tư 04 sẽ giúp siết chặt quy trình đào tạo, hạn chế tiêu cực, gian dối.
Hiện mỗi năm, Trường trung cấp Nghề Bình Minh đào tạo lái xe cho hơn 1.000 học viên. Thực hiện theo đúng quy định mới của Thông tư 04, nhà trường đã lắp đặt thiết bị giám sát DAT cho 104 xe, tiêu tốn một khoản kinh phí gần 1 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Trường Thanh, Phó hiệu trưởng nhà trường, sau khi lắp đặt DAT xong, trường tiếp tục đầu tư lắp đặt thêm các cabin điện tử theo đúng quy định của thông tư mới với khoản kinh phí tối thiểu cũng gần 3 tỷ đồng.
 
“Hiện cả nước chỉ có duy nhất 1 đơn vị cung cấp cabin điện tử đúng quy chuẩn trong khi có hơn 1.000 cơ sở đào tạo lái xe. Vì vậy, không thể có đủ số lượng cabin điện tử cần có để thực hiện theo đúng lộ trình quy định. Trường chúng tôi chỉ mới kịp lắp 2 cabin trước ngày 31/12/2022 do đơn vị sản xuất chưa cung ứng kịp thời”, ông Thanh cho biết thêm.
 
Còn nhiều bất cập
 
Thông tư 04 của Bộ GTVT được áp dụng từ ngày 15/6/2022. Từ đó đến nay, các cơ sở đào tạo lái xe đã áp dụng phần mềm mô phỏng trong giảng dạy, tăng giờ học thực hành trên đường trường và đầu tư cho thiết bị DAT. Thông tư này sẽ giúp siết chặt quy trình đào tạo, hạn chế tiêu cực, gian dối. Chất lượng đào tạo nhờ thế cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện thời gian qua cũng vấp phải những hạn chế và còn lắm bất cập.
 
Theo quy định, học viên bắt buộc phải hoàn thành 24 giờ lái xe thực tế với quãng đường 710km với giấy phép hạng B1 số tự động; còn hạng B1 số cơ khí và B2 phải chạy đủ tối thiếu 40 giờ với quãng đường 810km. Đã đành, việc tăng thời gian luyện tập, học thật, thi thật sẽ nâng hiệu quả đào tạo, tránh tình trạng học sơ sài, đối phó. Tuy nhiên, quá trình này đang dẫn đến nhiều tình huống bi hài cho cả người học lẫn người dạy.
 
Theo đại diện của nhiều cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn thì việc ứng dụng thiết bị DAT vào thực hành cũng xảy ra nhiều vấn đề bất cập. Đường truyền tín hiệu không ổn định, độ phân giải của camera nhận diện học viên chất lượng không cao nên nhiều trường hợp học viên bị mất thời gian… oan.
 
“Nếu đi học vào buổi tối hoặc khi nắng gắt, ánh sáng chiếu trực tiếp vào mặt, thiết bị trên xe sẽ không nhận diện được khuôn mặt học viên. Vậy là coi như thời gian chạy đường đó không được tính. Nhiều người mất cả trăm km cũng vì máy móc dở chứng, đành phải bỏ công chạy cho đủ thời gian, quãng đường quy định để kịp kỳ sát hạch”, học viên Nguyễn Lan Anh (TP. Đồng Hới) chia sẻ.
 
Quay trở lại câu chuyện trang bị hệ thống cabin điện tử, để làm được điều này không chỉ tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ mà các trung tâm đào tạo còn phải tuyển dụng thêm nhân sự cho việc vận hành, theo dõi, giám sát hệ thống và đầu tư thêm cơ sở vật chất, phòng ốc đồng bộ với thiết bị.
 
Đây không phải là bài toán dễ dàng đối với nhiều trung tâm, nhất là trong bối cảnh vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19. Chưa kể, số học viên đăng ký học có dấu hiệu giảm sút do lo ngại việc học và thi bằng lái xe ngày càng khó khăn hơn.
 
Theo quy định, học viên học bằng lái xe ô tô hạng B1, B2 và C, thời gian học lái xe trên cabin điện tử là 3 giờ/khóa học. Học viên học nâng hạng bằng lái xe ô tô sẽ học lái xe trên cabin điện tử 1 giờ. Ông Thanh khẳng định, với những lái xe ô tô học nâng hạng, vốn là những người đã có kinh nghiệm lái xe thực tế thì việc quay lại học trên cabin mô phỏng là điều không mấy cần thiết.
 
Lắp đặt các thiết bị là điều nên làm nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo, tránh việc học hình thức, gian dối. Người học nhờ thế cũng nâng cao được trình độ, kiến thức, kỹ năng tay nghề lái xe khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, khi áp dụng các quy định vào thực tế cần có sự cân nhắc cẩn trọng. Với những thay đổi buộc phải tiêu tốn nhiều kinh phí, công sức và thời gian cần được triển khai thí điểm trước khi đưa vào áp dụng đại trà để tránh tình trạng lãng phí, mua rồi… bỏ không.
Diệu Hương

tin liên quan

Vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

QBĐT) - Thỏa ước lao động tập thể là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động. 

Thống nhất điều chỉnh số lượng thẻ KCB BHYT ban đầu tại các phòng khám đa khoa

(QBĐT) - Chiều 28/12, bác sĩ Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế cho biết, BHXH tỉnh vừa có văn bản gửi Sở Y tế thống nhất dự kiến quy hoạch thẻ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
 

Hướng dẫn tặng quà của Chủ tịch nước nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão

Chiều 27/12, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Công văn số 5374/LĐTBXH-NCC về việc hướng dẫn tặng quà của Chủ tịch nước nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố...