Thực hiện các giải pháp giảm nghèo ở vùng miền núi
(QBĐT) - Những năm qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo, nhất là đối với vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ hộ nghèo ở các địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) vẫn còn cao (chiếm gần 70%)...
Ông Võ Ngọc Thanh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Tính đến cuối năm 2021, dân số vùng ĐBDTTS và miền núi của tỉnh là 10.907 hộ với 45.400 nhân khẩu, sinh sống tập trung chủ yếu tại các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Minh Hóa, Tuyên Hóa và Bố Trạch.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, tính đến tháng 9/2022, toàn tỉnh có 16.684 hộ nghèo (chiếm 6,53%); trong đó hộ nghèo ĐBDTTS là 4.748 hộ, chiếm 28,46% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm gần 70% hộ DTTS. Thời gian qua, việc hỗ trợ, chăm sóc người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBDTTS luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm với nhiều giải pháp thiết thực.
Bên cạnh đó, người nghèo cũng được quan tâm hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi, vốn sinh kế để phát triển sản xuất. Theo số liệu thống kê từ Ban Dân tộc tỉnh, doanh số cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ ĐBDTTS đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg và 54/2012/QĐ-TTg là 15.787 triệu đồng, với 2.959 lượt hộ vay; doanh số cho vay hộ ĐBDTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg là 13.493 triệu đồng, với 910 lượt hộ vay; doanh số cho vay hộ ĐBDTTS theo Quyết định số 2085/2016/QĐ-TTg là 8.521 triệu đồng với 226 lượt hộ vay…
Việc được sử dụng nguồn vốn vay từ chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã giúp các hộ dân ở miền núi, vùng ĐBDTTS chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, vươn lên thoát nghèo cải thiện đời sống.
Tuyên Hóa là một trong những địa bàn miền núi làm tốt công tác giảm nghèo. Huyện đã quan tâm và hỗ trợ cho các hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển kinh tế. Ngoài ra, huyện còn chú trọng đến chính sách hỗ trợ y tế với 2.180 người nghèo được cấp BHYT, trong đó có 460 người là ĐBDTTS.
Huyện cũng đã quan tâm đến công tác giáo dục, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ tiền điện, sinh kế, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt… Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn huyện giảm còn 5,07% so với đầu năm, hộ cận nghèo giảm còn 5,78%.
Gia đình ông Đoàn Xuân Niệm, thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa (Tuyên Hóa) trước đây thuộc diện hộ nghèo. Năm 2004, hộ gia đình ông được bình xét và cho vay theo chương trình hộ nghèo và chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Từ nguồn vốn vay, ông Niệm đầu tư làm hệ thống nước tự chảy và chăn nuôi trâu và bò sinh sản, nhờ đó sau 5 năm, ông đã hoàn trả đầy đủ gốc và lãi vay theo quy định. Đến nay, gia đình ông đã thoát nghèo, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã, huyện.
Nhằm đẩy mạnh công tác giảm nghèo vùng ĐBDTTS, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt làm kinh tế; tổ chức giới thiệu về các mô hình làm ăn kinh tế phù hợp với đặc trưng vùng gò đồi, như: Nuôi dê, lợn, trâu, bò, gà, trồng keo lai, trầm dó, cây ăn quả các loại... cho người dân; đồng thời phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương hỗ trợ bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện kinh tế hộ; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án dành cho người nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBDTTS.
Hiền Phương
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.