Tín dụng chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo

  • 07:52 | Thứ Tư, 26/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, những năm qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH)-Chi nhánh Quảng Bình tổ chức thực hiện hoạt động cho vay vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Thông qua nguồn vốn tín dụng, nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách đã được vay vốn để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững.
 
Anh Hồ Thành Sĩ, phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn) chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây thuộc diện hộ nghèo. Được sự quan tâm của các tổ chức, địa phương, tôi được vay số tiền 100 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm của NHCSXH. Sau khi nhận được số tiền vay, tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 3 con bò. Từ 3 con bò, tôi đã chăm sóc để nhân đàn và bán mỗi năm từ 1-2 con. Nguồn thu nhập từ việc chăn nuôi bò giúp tôi có đồng ra đồng vào để đầu tư mở rộng thêm mô hình chăn nuôi. Thấy đất vườn rộng tôi đã mạnh dạn đào ao để nuôi cá nước ngọt, trung bình mỗi năm cho thu hoạch từ 5-7 tấn cá trắm, mè và rô phi”.
 
Nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, anh Sĩ đã biết đầu tư phát triển kinh tế. Từ hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình anh đã vươn lên thành hộ có thu nhập khá với mức thu nhập hàng năm trên 70 triệu đồng.
 
Trường hợp anh Hồ Thanh Sĩ chỉ là một trong số nhiều trường hợp được vay vốn CSXH để đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo và vươn lên làm giàu trong thời gian qua.
 
Giảm nghèo và giải quyết việc làm là những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương theo đúng định hướng, mục tiêu. Một trong những giải pháp hiệu quả để hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, giúp họ có việc làm, từ đó thoát nghèo đó là thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi. Thông qua các tổ chức chính trị, trong đó có Sở LĐ-TB và XH, nguồn vốn tín dụng được đưa đến người nghèo. 
Nguồn vốn tín dụng giúp nhiều hộ dân đầu tư các mô hình, phát triển kinh tế.
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp nhiều hộ dân đầu tư các mô hình, phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB và XH cho biết: Thực hiện chính sách về tín dụng đối với người nghèo, những năm qua, sở đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát, xác định, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo bảo đảm chính xác, dân chủ, công khai, có sự tham gia của người dân để làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội. Sở cũng đã thường xuyên phối hợp với NHCSXH, các tổ chức chính trị-xã hội trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay vốn.
 
Hàng năm, Sở LĐ-TB và XH phối hợp với NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh giao kế hoạch cho vay giải quyết việc làm đối với các địa phương; đồng thời thực hiện ưu tiên cho vay phù hợp với nhu cầu giải quyết việc làm, nhất là tại các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.
 
Thông qua chính sách tín dụng ưu đãi, đã có nhiều đối tượng lao động yếu thế, như: Lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động khu vực nông thôn... có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng.
 
Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH, trong 20 năm qua, nhờ sự phối hợp giữa sở và NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình, toàn tỉnh đã có 233.652 lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng chính sách với tổng vốn vay hơn 3.141 tỷ đồng; có 49.957 lượt hộ cận nghèo được vay vốn với tổng số vốn vay hơn 2.139 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn tín dụng có 28.964 hộ mới thoát nghèo.
Việc được sử dụng nguồn vốn vay từ chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã dần thay đổi tâm lý trông chờ, ỷ lại, giúp hộ nghèo chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống.
 
Hàng nghìn hộ nghèo nhờ vốn vay ưu đãi đã biết tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, góp phần thoát nghèo bền vững.
 
Bên cạnh đó, chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm cơ hội học tập cho học sinh, sinh viên, giúp các em có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện trang trải các chi phí, sinh hoạt, giúp hộ nghèo giảm bớt sức ép và nỗi lo về điều kiện tài chính chu cấp cho con em trong suốt quá trình học tập.
 
Có thể khẳng định rằng, việc triển khai, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh đã mang đến nhiều kết quả quan trọng, góp phần hỗ trợ để khuyến khích các tổ chức, đơn vị và người lao động tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và hướng tới giảm nghèo bền vững. Trong 20 năm qua, trung bình mỗi năm, Quảng Bình giải quyết việc làm cho 1,6-1,8 vạn người, tỷ lệ giảm nghèo đều đạt hoặc vượt so với kế hoạch của UBND tỉnh giao.
 
Đ.N
 

tin liên quan

Lệ Thuỷ: Một phụ nữ bị nước cuốn trôi

(QBĐT) - Chiều tối 25/10, ông Hồ Văn Núi, Chủ tịch UBND xã Ngân Thuỷ (Lệ Thuỷ) cho biết, trong lúc vượt ngầm 25 trên đường 10 đoạn qua địa bàn xã, một phụ nữ ở địa phương đã bị nước cuốn trôi.

Cấp căn cước công dân gắn chíp cho người Lào quốc tịch Việt Nam

(QBĐT) - Thời gian qua, toàn lực lượng Công an nhân dân đã và đang gấp rút hoàn thành khối lượng công việc đặc biệt lớn chưa từng có tiền lệ qua 2 dự án lớn: Thu thập cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử.

Biểu dương người cao tuổi trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

(QBĐT) - Ngày 25/10, Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh và Công an tỉnh tổ chức hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến người cao tuổi trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giai đoạn 2016-2021.