Nơi tri ân, chốn hội ngộ

  • 07:38 | Thứ Hai, 22/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chúng tôi gọi Trung tâm Điều dưỡng luân phiên người có công tỉnh (TP. Đồng Hới) là nơi tri ân, chốn hội ngộ. Bởi nơi ấy, những cựu chiến binh năm xưa được thế hệ trẻ hôm nay chăm sóc tận tình, chu đáo như bù đắp, tri ân sự hy sinh, mất mát mà năm tháng tuổi trẻ họ đã trải qua. Cũng nơi đây, những người lính năm xưa được gặp gỡ, chia sẻ với đồng đội về thời tóc xanh bi hùng, dù hôm nay, ai trong số họ, mái tóc cũng đã bạc màu quá nửa.
 
Chiều mùa thu, khuôn viên Trung tâm Điều dưỡng luân phiên người có công (NCC) tỉnh rực rỡ nắng. Trong làn gió thổi từ phía biển, nụ cười của những người cựu binh như lấp lánh hơn. Họ ngồi bên nhau chuyện trò, thỉnh thoảng bàn luận về pha bóng vừa được tung lên nơi sân thể thao phía đối diện.
 
Nhìn những nụ cười móm mém, vui tươi, những đôi mắt đã đục màu thời gian, chẳng ai nghĩ họ đều đã đi qua mất mát, đau thương trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh vệ quốc. Khung cảnh đông vui nơi khoảng sân rộng trở thành hình ảnh quen thuộc tại trung tâm này mỗi buổi chiều về. Người chơi thể thao, người vui vẻ chuyện trò. Quá khứ trở về trong những câu chuyện dùng dằng mãi không dứt. 
 
Nơi góc sân nhỏ, ông Đinh Hướng Dương (69 tuổi, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) hào hứng với những câu chuyện kể về chiến trường, về đồng đội cũ. Thỉnh thoảng, ông lại nở nụ cười giòn tươi. Ông là 1 trong hơn 42 đối tượng NCC của TP. Đà Nẵng đến điều dưỡng tại trung tâm vào những ngày tháng 7 lịch sử. Ông bảo, bản thân trở về từ chiến trường Quảng-Đà rồi trở thành thương binh hạng ¼. Mỗi lúc trở gió, vết thương ngày cũ lại hành hạ nhức nhối, nên với ông, mỗi dịp được đi điều dưỡng tại các trung tâm đều giá trị và ý nghĩa vô cùng.
 
Những năm trở lại đây, ông đã có nhiều dịp được đi điều dưỡng tại TP. Đà Nẵng, đây là lần đầu tiên ông đến với Trung tâm Điều dưỡng luân phiên NCC của Quảng Bình. “Trung tâm gần biển nên mát mẻ, dễ chịu. Nhân viên ở đây đều trẻ cả nhưng thái độ lúc nào cũng niềm nở, nhẹ nhàng. Chính ấn tượng tốt đẹp đó mà tôi thấy mình vượt quãng đường hàng trăm km từ Đà Nẵng ra đến đây cũng hoàn toàn xứng đáng”, ông Dương bày tỏ.
Người có công được chăm sóc, phục hồi chức năng tại trung tâm.
Người có công được chăm sóc, phục hồi chức năng tại trung tâm.

125 đối tượng trong 1 tuần, khoảng 3.000 đối tượng NCC trong 1 năm được điều dưỡng tại trung tâm. Những số ấy đủ để hiểu hết sự vất vả, khó khăn của những người trẻ trong công việc. Hôm chúng tôi đến, để các bác có bữa ăn tươm tất, chu đáo nhất, không ai bảo ai, từ giám đốc trung tâm đến nhân viên y tế đều xuống cùng phụ bếp, sửa soạn bàn ăn.

"Các bác khỏe hơn sau mỗi đợt đến đây. Đó là niềm vui của những người làm công tác chăm sóc, điều dưỡng như chúng tôi”, chị Trần Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Y tế phục hồi chức năng đã chia sẻ như thế sau những giờ bận rộn phía bên trong căn phòng rộng với cơ man đủ loại máy móc, thiết bị chăm sóc sức khỏe.

Gắn bó với trung tâm 11 năm cũng là chừng ấy thời gian chị chứng kiến bao đợt đón, tiễn các đoàn NCC đến đây điều dưỡng. Mỗi người, mỗi câu chuyện, mỗi hoàn cảnh nhưng với ai, các nhân viên ở đây cũng dành cho họ những tình cảm, sự chăm sóc đặc biệt. Chị Thủy bảo, các đối tượng đều là người già, thương tật nên việc ăn uống thường khó khăn, tâm tính cũng cần được chiều chuộng, nhẹ nhàng.

Trong thời gian lưu lại trung tâm, không ít người vết thương cũ tái phát, người phát bệnh tuổi già nên việc chăm sóc cũng vất vả hơn. Có lần, một bác thương binh vì vết thương nặng tái phát nên cán bộ, nhân viên ở đây phải đưa đi cấp cứu vào lúc 2-3 giờ sáng.

“Ai cũng có bố mẹ, người thân già cả. Có người cũng có bố là cựu chiến binh nên anh chị em ở đây luôn coi các bác như gia đình. Chưa kể, họ đã hy sinh cả xương máu, tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc nên chúng tôi càng hiểu rõ hơn trách nhiệm của những người trẻ với các bác. Ai cũng hiểu điều đó nên không ai bảo ai, đều cố gắng làm tốt công việc của mình, để cho các bác được chăm sóc tốt nhất trong những ngày lưu lại tại đây”, chị Thủy chân tình chia sẻ.  
 
Theo Giám đốc trung tâm Phạm Khắc Mạnh, đơn vị được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cảnh quan môi trường, lại ở ngay sát bãi biển nên rất thuận lợi cho việc nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe cho NCC. Ngoài các khu nhà ở, phục vụ ăn uống, trung tâm có khu vật lý trị liệu, gồm: Nhà tắm sục khí, phòng vật lý trị liệu, phòng xông đá muối. “Mỗi đợt điều dưỡng thường kéo dài 6 ngày, mỗi tháng có 4 đợt. Các đối tượng NCC sẽ được tham gia nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe.
 
Ngoài ra, trung tâm cũng tổ chức các đợt đi tham quan đến một điểm di tích lịch sử trên địa bàn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Đặc biệt, vào chiều thứ 4 hàng tuần, lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng tổ chức gặp mặt, trò chuyện tri ân đối tượng NCC đang điều dưỡng luân phiên tại trung tâm”, anh Mạnh cho biết thêm.
 
Háo hức ngày gặp mặt và bùi ngùi trong giờ phút chia tay, đó là cảm giác chung của tất cả những dịp đón đoàn NCC đến tại trung tâm. Với những người đã từng đi qua khói lửa chiến tranh, hiểu sâu sắc những mất mát, sống còn, họ càng trân trọng hơn những phút giây ngày gặp gỡ. Với nhiều người, đến đây không chỉ để được chăm sóc mà hơn cả là được gặp lại những đồng đội xưa cũ. Đã có những cuộc hội ngộ, có nụ cười xen lẫn nước mắt của những cựu chiến binh sau đằng đẵng nửa thế kỷ đi qua nhiều dâu bể.
 
Đã là lần thứ 3 đến với trung tâm, nhưng với ông Đỗ Minh Long (77 tuổi, xã Vĩnh Ninh, Quảng Ninh), mỗi lần đến là một lần háo hức. Ông bảo: “Vui nhất là gặp được những người đồng đội từng chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị trong những năm tháng ác liệt nhất. Người xa lạ cũng vì rứa mà thành thân quen. Nên lần mô đến đây, tui cũng cố gắng bắt chuyện với nhiều anh em, nghe họ kể chuyện chiến đấu, về cuộc sống hiện tại. Tự nhiên vì rứa mà vui vẻ, yêu đời hơn”.
 
Diệu Hương

tin liên quan

Đôi khi thấy "may"!

(QBĐT) - Dừng xe chờ đèn đỏ, bỗng chị V. nghe tiếng phanh "két" của chiếc xe phía sau, suýt nữa hai xe đã đụng nhau.

Phủ xanh ruộng hoang, gây quỹ yêu thương

(QBĐT) - Bằng tấm lòng yêu thương, sự sáng tạo của chị em phụ nữ (PN), những thửa ruộng hoang hóa, cằn cỗi đã được nhiều chi hội trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bố Trạch phủ xanh bởi những cánh đồng lúa, sắn tươi tốt. Lợi nhuận có được nhờ những mô hình phát huy công sức tập thể đó, chị em đã gây quỹ hỗ trợ hội viên nghèo, khó khăn, giúp đỡ trẻ em tàn tật, mồ côi…

"Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập"

(QBĐT) - Đó là chủ đề của hội nghị trực tuyến toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, diễn ra vào sáng nay, 20/8.