"Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập"
(QBĐT) - Đó là chủ đề của hội nghị trực tuyến toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, diễn ra vào sáng nay, 20/8. Tham dự hội nghị tại điểm cầu TP. Hà Nội có đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình, dự hội nghị có đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ An Phong, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các trường cao đẳng nghề trên địa bàn.
Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay, cả nước có trên 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó có 429 trường cao đẳng, trung cấp được lựa chọn để đào tạo các ngành, nghề trọng điểm tại 144 ngành, nghề trọng điểm ở các cấp độ. Số lượng tuyển sinh giai đoạn 2011-2020 đạt 19,67 triệu người.
Chất lượng và hiệu quả GDNN từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động (TTLĐ). Khoảng 80% người được đào tạo có việc làm phù hợp ngành nghề và trình độ đào tạo hoặc tự tạo việc làm, tham gia hầu hết ở các lĩnh vực của nền kinh tế.
Thời gian qua, Chính phủ cũng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển TTLĐ, các chính sách, giải pháp hỗ trợ người LĐ, người sử dụng LĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội. Hiện nay, TTLĐ Việt Nam đang phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả trong lực lượng LĐ và việc làm.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng LĐ là 51,4 triệu người, tăng 400.000 người so với cùng kỳ năm trước; trong đó 50,288 triệu LĐ có việc làm, tăng 417.000 người so với năm trước. Tỷ lệ LĐ có việc làm phi chính thức giảm. Chuyển dịch cơ cấu LĐ theo ngành trở lại chiều hướng tích cực.
Tỷ trọng LĐ trong nông, lâm nghiệp, thủy sản và du lịch giảm nhẹ, trong khi đó, tỷ trọng LĐ khu vực công nghiệp và xây dựng tăng. Thu nhập bình quân của LĐ 6 tháng đầu năm 2022 là 6,5 triệu đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm.
Tuy nhiên, TTLĐ Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế, như: Chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu TTLĐ; trình độ và kỹ năng của lực lượng LĐ mặc dù được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu của TTLĐ và so với các nước trên thế giới, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm chất lượng và năng suất; chuyển dịch cơ cấu LĐ trên thị trường còn chậm cả về ngành nghề, địa bàn, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chất lượng việc làm còn thấp, tính dễ bị tổn thương của việc làm còn cao…
Tại hội nghị, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp, các cơ sở GDNN và địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm phát triển TTLĐ, như: Có các quy định, hướng dẫn về đào tạo nội bộ cho doanh nghiệp, từ đó ban hành quy chế công nhận các văn bằng, chứng chỉ khi đào tạo tại doanh nghiệp; tăng nhanh quy mô tuyển sinh đào tạo nghề để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực có kỹ năng nghề; rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực; nghiên cứu chính sách về chế độ tiền lương phù hợp với từng đối tượng LĐ…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, TTLĐ đã có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến TTLĐ, bộc lộ rõ hơn những điểm yếu của thị trường trong suốt thời gian qua.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra một số nhóm nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới, như: Nâng cao nhận thức về TTLĐ, tuân thủ quy luật của cung cầu, cạnh tranh; tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để TTLĐ phát triển toàn diện; cụ thể hóa các quy định phù hợp với TTLĐ Việt Nam và thế giới; thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm phát triển TTLĐ, nâng cao năng lực canh tranh; phát triển các hệ thống dịch vụ việc làm, hệ thống đào tạo nghề cho người LĐ để nâng cao thu nhập; nắm bắt nhu cầu thị trường và định hướng thị trường đi đúng hướng, phát triển lành mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu cần tập trung xây dựng hệ thống quản trị hiện đại, minh bạch; đẩy mạnh đầu tư hệ thống số hóa, kết nối TTLĐ; xây dựng các chính sách hiệu quả, khả thi để tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân; quan tâm đến việc dịch chuyển LĐ giữa các vùng, địa phương, tạo việc làm ở khu vực nông thôn, miền núi để người dân hạn chế ly hương; đổi mới toàn diện, tăng quy mô tuyển sinh đào tạo nghề nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế-xã hội.
Diệu Hương
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.