"4 tại chỗ và 3 sẵn sàng" phòng, chống thiên tai

  • 07:30 | Thứ Hai, 15/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình hình thiên tai trong năm 2022 sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, thậm chí là cực đoan do chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH). Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, ngay trước mùa mưa bão năm nay, huyện Minh Hóa đã khẩn trương xây dựng các phương án, kế hoạch nhằm chủ động phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra…
 
Địa hình bị chia cắt mạnh bởi nhiều đồi núi, khe suối, nên vào mùa mưa bão, huyện Minh Hóa luôn đối diện với nguy cơ xảy ra lũ lụt, lũ ống, lũ quét, lốc xoáy, sạt lở đất, đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân.
 
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Minh Hóa hiện có khoảng 32 công trình hồ đập lớn, nhỏ (trong đó có 4 đập chứa nước lớn, gồm: Ba Nương, Khe Sụ, Khe Cái, Eo Hụ) nên khi có nước lũ chảy mạnh và dâng nhanh, rất dễ bị tràn đập gây ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cho những vùng lân cận…
 
Để chủ động phòng, chống thiên tai, ngay từ đầu mùa mưa bão năm 2022, huyện Minh Hóa đã sớm kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự (PCTT và TKCN kiêm PTDS) huyện và bổ sung quy chế hoạt động, kế hoạch ứng phó thiên tai ở các cơ quan, ban, ngành, địa phương trên địa bàn.
 
Nét mới trong thực hiện công tác PCTT và TKCN năm 2022 ở huyện Minh Hóa đó là toàn bộ 15 xã, thị trấn đều thành lập được các đội xung kích PCTT và TKCN cấp xã, thị trấn (mỗi đội đều có từ 60-90 thành viên). Chính nhờ lực lượng PCTT và TKCN cấp xã, thị trấn được tăng cường về thành viên nên phạm vi hoạt động cũng được mở rộng hơn và phát huy hiệu quả ngay tại cơ sở.
 
Đúc rút kinh nghiệm từ các năm trước, công tác PCTT và TKCN tại địa bàn huyện vẫn tập trung xây dựng nhiều phương án ứng phó hiệu quả với từng loại hình, cấp độ thiên tai, như: Bão mạnh, siêu bão, lũ lụt, sạt lở đất… đối với từng địa bàn cụ thể.
 
Đặc biệt, huyện còn chủ động "khoanh vùng" để xây dựng phương án phòng tránh thiên tai cho các địa bàn trọng điểm về ngập lụt, gồm các xã: Tân Hóa, Minh Hóa, Thượng Hóa; các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, gồm các thôn: Tân Xuân, Minh Xuân (xã Xuân Hóa), Yên Bình, Tiền Phong, Yên Hòa, Yên Vân (xã Hóa Tiến) và các bản Rôông, Ca Rét, Hưng, Lòm (xã Trọng Hóa), Bãi Dinh, Ka Định, Ka Vi, Ba Loóc, Ôốc, Y Leng (xã Dân Hóa); khu vực dễ xảy ra sạt lở đất ở một số nơi thuộc các xã Trung Hóa, Hóa Sơn, Hóa Tiến, Hồng Hóa, Trọng Hóa, Dân Hóa và thị trấn Quy Đạt.
Nhà phao chống lũ của người dân xã Tân Hóa.
Nhà phao chống lũ của người dân xã Tân Hóa.
Ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết: "Được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền, đơn vị, nhà hảo tâm, đến nay, toàn xã Tân Hóa đã xây dựng được 620 nhà phao chống lũ (trị giá mỗi nhà phao từ 25 triệu đồng trở lên), đạt 100% kế hoạch đề ra. Như vậy, bước vào mùa mưa bão năm nay, toàn bộ các hộ dân sống ở "rốn lũ" Tân Hóa đều có thể an tâm hơn khi nước lũ ngập sâu và ngâm lâu. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTT và TKCN, xã đã tuyển chọn các thành viên tham gia vào đội xung kích PCTT và TKCN của xã cơ bản đáp ứng các tiêu chí, như: Có sức khỏe tốt, nhiệt tình với công việc, biết bơi giỏi, có chứng chỉ điều khiển phương tiện đường thủy, am hiểu về sơ cứu người bị nạn…"
 
Tương tự xã Tân Hóa, chính nhờ sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền, đơn vị, nhà hảo tâm, đến nay khoảng 70% nhà dân sống trong vùng thường xuyên bị ngập sâu ở "rốn lũ" xã Minh Hóa cũng xây dựng được nhà phao tránh lũ khá an toàn. Đội xung kích PCTT và TKCN xã Minh Hóa cũng mới được thành lập với hơn 60 thành viên rất nhiệt tình, trách nhiệm, có sức khỏe tốt, biết bơi giỏi và luôn sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có tình huống thiên tai xảy ra.
 
Ông Đinh Minh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: "Quan điểm, mục tiêu chỉ đạo trong công tác PCTT và TKCN ở địa bàn huyện trong mùa mưa bão năm nay, đó là huy động cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả công tác phòng ngừa nhằm ứng phó và khắc phục thiệt hại một cách nhanh nhất, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra. Lấy sự an toàn của người dân làm thước đo cho kết quả các hoạt động của công tác PCTT và TKCN; tập trung triển khai thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ và 3 sẵn sàng" và nguyên tắc "Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả". Ngoài ra, huyện Minh Hóa còn đẩy mạnh thực hiện tốt công tác cảnh báo về diễn biến thời tiết, từ đó thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng dân cư các biện pháp phòng tránh, ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả…"
 
Những năm gần đây, huyện Minh Hóa luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và người dân trước tác động của BĐKH, ô nhiễm môi trường; chủ động điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, lĩnh vực, đơn vị phù hợp với yêu cầu ứng phó BĐKH trong từng giai đoạn cụ thể; hạn chế tối đa các dự án, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, sử dụng công nghệ lạc hậu gây lãng phí tài nguyên (đặc biệt là nước), phát thải chất ô nhiễm tác động xấu tới môi trường…
Văn Minh

tin liên quan

Thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị thiếu nhi 3 nước Việt-Lào-Campuchia

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng mong rằng các em thiếu nhi luôn giữ gìn và phát triển tình cảm chân thành, nồng ấm, tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam, về TP.HCM thân thiện, mến khách.
 

Thủ tướng yêu cầu xem xét nội dung báo chí phản ánh về bảo hiểm y tế

Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội xem xét nội dung báo Báo Tuổi trẻ phản ánh "Bảo hiểm y tế đang "treo" hơn 1.600 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh," để có giải pháp xử lý theo quy định.
 

Dự báo thời tiết từ ngày 14-23/8: Nhiều khu vực có mưa dông

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp đi qua khu vực Bắc Bộ, cùng với vùng hội gió lên đến 5000m nên ngày 14/8, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông rải rác, từ đêm 14/8 cục bộ có mưa to.