Tuyên Hóa: Tiềm ẩn tai nạn từ đường ngang, lối mở
(QBĐT) - Hàng chục lối mở, đường ngang dân sinh băng qua đường sắt trái phép đang tồn tại ở hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Tuyên Hóa. Đây không chỉ là mối đe dọa an toàn giao thông (ATGT) đường sắt, mà còn là hiểm họa khó lường với tính mạng và tài sản của người dân. Thế nhưng, có một thực tế là nhu cầu đi lại của người dân cũng không thể ngăn cấm.
“Không có sự lựa chọn nào khác”?
Xã Kim Hóa (Tuyên Hóa) có 17,2km đường sắt Bắc-Nam ngang qua địa bàn 7/8 thôn. Xã Kim Hóa cũng là địa phương có tuyến đường sắt đi qua dài nhất trên địa bàn huyện Tuyên Hóa. Phần lớn các khu vực dân cư ở đây đều sinh sống dọc hai bên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Việc đi lại để sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của người dân đều phải băng đường sắt. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết những lối mở, đường ngang đều rất nhỏ hẹp, khuất tầm nhìn và có độ dốc lớn nên nguy cơ mất an toàn đối với người và phương tiện ngang qua đường sắt rất lớn.
Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hóa Vũ Trường Thanh cho biết: "Trong số 17 lối mở, đường ngang dân sinh, thì có đến 14 tuyến, điểm do người dân tự mở để đi lại. Mặc dù biết đó là vi phạm và nguy hiểm, nhưng người dân không có sự lựa chọn nào khác”.
Không những thế, khi mật độ dân số ngày càng tăng, nhu cầu, lưu lượng người và phương tiện đi lại qua các lối mở đường ngang cũng tăng lên. Theo thống kê, nếu như năm 2016, trên địa bàn xã Kim Hóa chỉ có 14 lối mở, đường ngang dân sinh, thì đến nay đã tăng lên 17.
“Đó là một thực tế đang xảy ra trên địa bàn. Bởi, hầu hết các lối mở, đường ngang dân sinh hợp pháp đều đã có từ lâu, không thể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi đó, nhu cầu đi lại sinh hoạt, học tập, sản xuất của người dân thì khó có thể cấm được. Chính quyền địa phương và ngành Đường sắt cũng đã phối hợp dẹp bỏ một số điểm, lối mở trái phép do người dân tự mở. Còn về việc xây dựng các tuyến đường gom để hạn chế các điểm, lối mở nhỏ lẻ này, địa phương không đủ nguồn lực để đầu tư, do địa hình và dân cư phân bố nhỏ lẻ”, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hóa Vũ Trường Thanh cho biết thêm.
Tương tự, tại xã Thạch Hóa, mặc dù chỉ có 5km đường sắt đi qua, nhưng cũng có đến 9 lối mở, đường ngang dân sinh đi qua đường sắt. Và tất cả đều là đường ngang tự mở.
Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa Trần Văn Bằng cho biết: "Trên địa bàn xã có hơn 1/3 dân cư thuộc 3 thôn (Đồng Tâm, Hà Nam, Hà Trang) sống ở phía Đông đường sắt Bắc-Nam. Người dân ở các khu vực này muốn đi ra ngoài đều phải băng qua đường sắt. Địa hình và phân bố dân cư như vậy, nên chính quyền địa phương và ngành Đường sắt cũng không thể cấm đường được. Để giảm bớt số lượng các đường ngang, lối mở này, địa phương đã xây dựng các tuyến đường gom kết nối giữa các xóm. Nhưng, có khu vực dân cư kết nối được, có khu vực không thể nối tuyến vì bị địa hình khe, suối chia cắt. Hiện tại, để tạo điều kiện cho người và phương tiện đi lại, địa phương và ngành Đường sắt chỉ cho phép xe ô tô và các phương tiện cơ giới đi qua 3 lối mở. Các tuyến còn lại, chỉ giới hạn cho người và xe máy đi qua”.
Xây dựng các tuyến đường gom dân sinh
Huyện Tuyên Hóa có tuyến đường sắt Bắc-Nam đi qua 10 xã, thị trấn, với chiều dài 65,8km. Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện có 11 đường ngang, (trong đó có 6 đường ngang có người gác, 5 đường ngang có cảnh báo tự động) và 41 đường ngang, lối mở “tự phát” ở các khu vực dân cư. Đây chính là những “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường sắt, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Bởi, những lối mở nhỏ lẻ này đều nằm trong khu vực dân cư, nơi có nhiều người qua lại, nhưng không có tín hiệu cảnh báo mỗi khi tàu đến.
Thiếu tá Phan Quốc Phương Minh, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông-Trật tự (Công an huyện Tuyên Hóa) cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do dân cư trên địa bàn sống chủ yếu dọc theo hai bên đường sắt. Hơn nữa, mật độ dân cư ngày nhiều, nhu cầu đi ngang qua đường sắt ngày càng lớn, trong khi hầu hết các khu dân cư này chưa có các tuyến đường gom. Vì vậy, vẫn có tình trạng một số người dân, khu vực dân cư tự ý mở đường ngang để đi lại, vận chuyển hàng hóa mà không được ngành Đường sắt cho phép, đe dọa trực tiếp đến an toàn chạy tàu.
Một nguyên nhân khác cần được nói đến, đó là chính quyền ở một số địa phương có đường sắt đi qua chưa quan tâm đến việc quản lý hành lang ATGT đường sắt, do đó, các hành vi vi phạm bị phát hiện muộn. Cùng với đó là việc cưỡng chế, xử lý gặp rất nhiều khó khăn, vì liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Về lâu dài, nếu không có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong công tác quản lý hành lang ATGT đường sắt.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật và nhận thức về luật giao thông của người dân còn chưa cao. Người dân sống gần đường sắt thường có thói quen chăn thả gia súc hoặc tập kết hàng hóa, gỗ keo, tràm hai bên đường sắt gây nguy hiểm đến an toàn chạy tàu.
“Vì vậy, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, chính quyền các địa phương dọc tuyến đường sắt cần phối hợp với ngành Đường sắt quy hoạch, xây dựng các tuyến đường gom dân sinh phù hợp với địa hình, khu vực dân cư, để hạn chế các đường ngang, lối mở “tự phát” qua đường sắt”, thiếu tá Phan Quốc Phương Minh cho hay.
Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa chỉ xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng, làm 1 người chết. Tuy nhiên, các tuyến đường ngang, lối mở được đánh giá là nơi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt. Mới đây, ngày 12/2/2022, trên tuyến đường sắt Bắc-Nam, đoạn qua địa phận thôn Kinh Châu, xã Châu Hóa, tàu hàng mang số hiệu VNR D18E-606 chạy hướng Nam-Bắc đã va chạm xe ô tô của anh T.Đ.Ch. (SN 1957, ngụ quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng), do người điều khiển băng qua đường sắt thiếu quan sát. Vụ va chạm khiến ô tô bị kéo lê hàng chục mét, biến dạng và bẹp dúm. Rất may không có thiệt hại về người.
|
Dương Công Hợp
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.