CHÀO MỪNG NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM 27/2

Gương sáng ngành Y

  • 14:22 | Thứ Bảy, 26/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vừa qua, Quảng Bình có 4 bác sỹ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Thầy thuốc Nhân dân" và "Thầy thuốc Ưu tú" vì đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân. Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Báo Quảng Bình trân trọng giới thiệu những tấm gương sáng của ngành Y tế tỉnh nhà.
 
30 năm “lặng lẽ dâng cho đời”
 
Tin bác sỹ CKII Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế được trao tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân trở thành niềm hạnh phúc không chỉ riêng cá nhân bác sỹ mà là niềm vui chung của ngành Y tế Quảng Bình.
 
Thành quả ấy là sự ghi nhận xứng đáng cho suốt hơn 30 năm ông lặng lẽ cống hiến cho nghề y và là “quả ngọt” cho những tháng ngày người bác sỹ ấy miệt mài cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh nhà.
 
Sau khi tốt nghiệp, tháng 11/1991, bác sỹ Dương Thanh Bình trở thành bác sỹ điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch. Kể từ đó đến nay, khi đã trở thành thủ lĩnh của ngành Y tế Quảng Bình, bác sỹ Dương Thanh Bình vẫn ngày ngày miệt mài trên hành trình không mệt mỏi của mình.
 
Là một bác sỹ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân hay một lãnh đạo bệnh viện, thủ lĩnh ngành, dù ở vị trí nào ông vẫn một lòng vì bệnh nhân và tâm huyết với sự phát triển của ngành Y tế. 
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong gắn danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân cho bác sỹ Dương Thanh Bình.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong gắn danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân cho bác sỹ Dương Thanh Bình.
Trong những năm tháng làm nghề, có lẽ, trên cương vị lãnh đạo Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVNCBĐH) mang đến cho ông nhiều trải nghiệm về nghề nhất. Và cũng chính những năm tháng ấy, tài năng, tâm huyết và sự phấn đấu không ngừng của một người bác sỹ trong ông được thể hiện rõ nét nhất.
 
Hơn 10 năm giữ cương vị giám đốc bệnh viện, bác sỹ Dương Thanh Bình đã góp phần mang đến những đổi thay đáng kể cho Bệnh viện HNVNCBĐH. Sau khi được sự đồng ý của Bộ Y tế, năm 2009, bệnh viện đã chủ động xây dựng một loạt đề án và dự án cải tạo, nâng cấp, đầu tư trang thiết bị y tế, từ đó đã mở ra cho Bệnh viện HNVNCBĐH hướng phát triển toàn diện và có hiệu quả.
 
Năm 2013, bệnh viện được Bộ Y tế công nhận và xếp hạng bệnh viện đa khoa hạng I với chỉ tiêu kế hoạch 620 giường bệnh. Đến năm 2019, đã nâng tổng số giường lên tới 1.127 giường bệnh.
 
Hơn ai hết, bác sỹ Dương Thanh Bình hiểu rằng trọng trách của một bệnh viện đa khoa hạng I chính là hiệu quả công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trên cương vị lãnh đạo bệnh viện, ông đã chỉ đạo ứng dụng, triển khai nhiều kỹ thuật cao trong điều trị, như: Phẫu thuật thay khớp háng, nội soi khớp gối, cột sống, các bệnh lý về can thiệp mạch vành, đặt máy tạo nhịp tạm thời, phẫu thuật sọ não...
 
Ngoài ra, bệnh viện còn đưa vào ứng dụng các kỹ thuật mới của ngoại-thận-tiết niệu, tim mạch, ngoại chấn thương chỉnh hình…  Những đột phá này đã nâng hiệu quả, chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện đi vào chiều sâu. Ông cũng đặc biệt chú trọng đến việc cải thiện lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, y bác sỹ, từ đó, xây dựng hình ảnh người thầy thuốc xứng đáng “lương y như từ mẫu” trong mắt bệnh nhân. 
Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 3 là tâm huyết của Thầy thuốc Nhân dân Dương Thanh Bình nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong do mắc Covid-19 đối với bệnh nhân cao tuổi có bệnh nền.
Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 3 là tâm huyết của Thầy thuốc Nhân dân Dương Thanh Bình khi đang là Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới.
Những năm trở lại đây, Bệnh viện HNVNCBĐH đã luôn chú trọng đến việc tăng cường thêm các máy móc mới, hiện đại nhằm bảo đảm chất lượng trong xét nghiệm, nội soi, chẩn đoán hình ảnh và điều trị cho người bệnh.
 
Vì thế, bệnh nhân của Quảng Bình và các địa phương lân cận đã không phải vất vả vượt đường xa đến các bệnh viện ở Huế hay Hà Nội để tiếp cận các thiết bị y tế hiện đại. Để có được sự đổi thay vượt bậc của Bệnh viện HNVNCBĐH như ngày hôm nay, cùng với đội ngũ lãnh đạo bệnh viện, bác sỹ Dương Thanh Bình đã ngày đêm trăn trở để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, mạnh dạn vượt khó để đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại và xây dựng môi trường bệnh viện xanh-sạch-đẹp. Từ đó, mang đến cho người bệnh cảm giác hài lòng, thoải mái nhất khi đến khám, chữa bệnh tại đây.
 
Cuối năm 2021, bác sỹ Dương Thanh Bình được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình. Ông lại tiếp tục miệt mài cống hiến trên hành trình chăm sóc sức khỏe nhân dân.
 
Dẫu trên cương vị nào, Thầy thuốc Nhân dân Dương Thanh Bình vẫn vững tin mang theo bên mình lời thề Hippocrates và “lặng lẽ dâng cho đời” để xứng đáng với màu áo blouse trắng thiêng liêng.
 
Trách nhiệm với nghề
 
Năm 1997, bác sỹ CKII Lê Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Y tế tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội với chuyên ngành bác sỹ đa khoa. Những ngày đầu bước vào nghề, ông được phân công về công tác tại Phòng Quản lý-Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh Quảng Bình.
 
Đến năm 2007, trên cương vị là Trưởng phòng, bác sỹ Tuân đã nỗ lực nghiên cứu đề xuất nhiều chủ trương, chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ. Thời điểm đó, đơn vị thiếu bác sỹ, nên ông vừa làm quản lý, vừa làm công tác chuyên môn, tham gia khám chữa bệnh, trực cấp cứu…, từ đó, đã phát hiện sớm nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, như ung thư gan, ung thư dạ dày…
 
Nhờ được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tích cực nên nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh, kéo dài cuộc sống đã rất cảm kích tấm lòng tận tụy vì người bệnh của bác sỹ Tuân.
 
Trong nhiều năm, đơn vị được Chủ tịch UBND tỉnh tặng thưởng danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc”, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương (BVCSSKCB) tặng bằng khen. Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của người lãnh đạo phòng mẫu mực, trách nhiệm và luôn nỗ lực hết mình với nghề. 
 
Năm 2016, được bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Y tế, trực tiếp chỉ đạo phụ trách lĩnh vực dược, công tác dân số-KHHGĐ…, tuy công việc còn khá mới mẻ nhưng ông đã nhanh chóng tiếp cận tìm các giải pháp, biện pháp trong việc đổi mới công tác quản lý để đạt hiệu quả cao.
 
Riêng trong lĩnh vực dược, bác sỹ Lê Thanh Tuân đã trực tiếp hướng dẫn, triển khai và giám sát chất lượng thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn, chỉ đạo theo dõi việc thu hồi thuốc theo quy định, thực hiện quản lý giá thuốc…, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh với mặt hàng đặc biệt liên quan đến sức khỏe nhân dân. 
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong trao tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú cho các bác sỹ Lê Thanh Tuân, Hồ Văn  Tiến và Đỗ Quốc Tiệp vì đã có nhiều cống hiến cho ngành Y tế.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong trao tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú cho các bác sỹ Lê Thanh Tuân, Hồ Văn Tiến và Đỗ Quốc Tiệp vì đã có nhiều cống hiến cho ngành Y tế.
Trong năm 2017, lần đầu tiên Quảng Bình tổ chức đấu thầu tập trung thuốc toàn tỉnh, dù khối lượng công việc nhiều, phức tạp..., nhưng ông đã đôn đốc, chỉ đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra.
 
Đó thực sự là những ngày vất vả khi ông và những đồng nghiệp của mình đã làm việc bất kể ngoài giờ, ngày nghỉ để bảo đảm đúng thời gian quy định, đúng luật. Từ đó, đã cung cấp thuốc kịp thời cho các cơ sở khám chữa bệnh, tiết kiệm đáng kể ngân sách nhà nước, đặc biệt thống nhất một giá thuốc…
 
Cùng với công việc chuyên môn, bác sỹ Tuân còn chuyên tâm nghiên cứu khoa học với nhiều đề tài thiết thực với cuộc sống, như: “Nghiên cứu đáp ứng điều trị thuốc ức chế chẹn thụ thể Angiotensin II-Irbesartan bằng huyết áp lưu động 24 giờ ở người cao tuổi tăng huyết áp nguyên phát” (đề tài cấp tỉnh); hay đề tài “Nghiên cứu chế biến khẩu phần ăn chứa tinh bột củ mài (Rhizoma dioscorea persimilis) trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân đái đường tuýp II”, ông cùng cộng sự đạt giải nhất Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Thừa Thiên-Huế 2012, giải khuyến khích Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2012 (VIFOTEC).
 
Đặc biệt, khi Quảng Bình bùng phát dịch Covid-19, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ra đời, dù chưa có trong tiền lệ nhưng trên cương vị Giám đốc ông đã sát cánh cùng đội ngũ y bác sỹ vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách chăm sóc tốt cho bệnh nhân F0, góp sức cùng cả tỉnh đẩy lùi dịch bệnh.
 
25 năm gắn bó với ngành Y tế, trên bất cứ cương vị nào ông cũng tận tâm, trách nhiệm và cống hiến hết mình vì công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân-đó là nhận xét của đồng nghiệp khi nói về Thầy thuốc Ưu tú Lê Thanh Tuân.
 
Người thầy thuốc tận tâm vì sức khỏe cộng đồng
 
Đến làn sóng dịch thứ 4, khi Quảng Bình ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng ở xã Dân Hóa (Minh Hóa) và đặc biệt là từ cuối tháng 8/2021 dịch bùng phát mạnh, hình ảnh một bác sỹ như con thoi luôn có mặt kịp thời bất kể ngày đêm, sát cánh cùng đồng nghiệp tại các điểm nóng trong tỉnh để chỉ đạo, hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm, truy vết F1, vận chuyển F0 về các cơ sở điều trị và rồi lại tất tả trở về phòng xét nghiệm trắng đêm theo dõi, truy tìm SARS-CoV-2 để có kết quả nhanh nhất cho Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh kịp ứng phó với dịch bệnh… đã để lại dấu ấn khó quên trong lòng nhân dân và đồng nghiệp-đó chính là Thầy thuốc Ưu tú, bác sỹ CKII Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình. 
Sinh ra và lớn lên ở làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch), tiếp nối sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân của bố, Thầy thuốc Ưu tú Đỗ Quốc Tiệp đã miệt mài, tận tâm trên hành trình ấy.
 
32 năm cống hiến cho ngành Y tế, là chừng ấy thời gian bác sỹ Tiệp gắn bó với lĩnh vực y tế dự phòng, đem hết tâm sức và trí tuệ, tận tụy phục vụ nhân dân. Trong hành trang của mình, ông đã trực tiếp thực hiện công việc chuyên môn ở nhiều lĩnh vực: Phòng chống dịch, kiểm dịch y tế, tiêm chủng mở rộng, xét nghiệm, thực hiện nhiều dự án sức khỏe cộng đồng…
 
Và không thể không kể đến những lần ông đã cùng đồng nghiệp triển khai thực hiện công tác giám sát phát hiện sớm các ca bệnh, xử lý ổ dịch kịp thời và khống chế thành công một số bệnh dịch nguy hiểmm như: Dịch tả, sởi, sốt rét, sốt xuất huyết, chân-tay-miệng; tham mưu các phương án phòng chống các bệnh dịch mới nổi: SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, Ebola...
 
Đặc biệt, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trên cương vị là Giám đốc CDC Quảng Bình, ông đã cùng tập thể đơn vị tham mưu kịp thời cho ngành Y tế và tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, giữ vững địa bàn không có ca nhiễm Covid-19 qua 3 làn sóng dịch.
 
Đến làn sóng thứ 4, Quảng Bình bắt đầu bùng phát dịch, là người đứng đứng mũi chịu sào, bác sỹ Tiệp đã cùng tập thể CDC tham mưu xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch theo các cấp độ, đề xuất các biện pháp, giải pháp phòng chống dịch theo diễn biến tình hình thực tế của tỉnh.
 
Cùng với đó, CDC đã trực tiếp thực hiện hàng chục nghìn mẫu xét nghiệm mỗi ngày để kịp thời bóc tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng…, góp phần không nhỏ cùng cả tỉnh sớm khống chế dịch bệnh. Dẫu vậy, ông không bao giờ tự nhận công lao về mình mà với ông, đó là nỗ lực chung của cả một tập thể, có được từ sự động viên, hỗ trợ của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. 
Giai đoạn cao điểm dịch bùng phát, bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp nhiều đêm trắng cùng đồng nghiệp xét nghiệm truy tìm SARS-CoV-2.
Giai đoạn cao điểm dịch bùng phát, bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp nhiều đêm trắng cùng đồng nghiệp xét nghiệm truy tìm SARS-CoV-2 để có kết quả kịp thời cho Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 tỉnh ứng phó với dịch bệnh.
Bác sỹ Tiệp chia sẻ, đợt dịch nào cán bộ y tế dự phòng cũng vất vả… nhưng chưa có dịch bệnh nào vất vả và căng thẳng như chống dịch Covid-19 thời gian qua.
 
"Giai đoạn dịch bùng phát mạnh, cán bộ, nhân viên của CDC phải làm việc xuyên ngày đêm, “3 tại chỗ” ở cơ quan hơn 1 tháng ròng, trắng đêm làm xét nghiệm và sẵn sàng lên đường hỗ trợ cơ sở lấy mẫu, truy vết, vận chuyển F0, F1 về các khu cách ly, điều trị bất kể thời gian nào…
 
Thời điểm đó, Quảng Bình nắng như đổ lửa, nhưng nhân viên y tế vẫn phải khoác lên mình những bộ đồ bảo hộ kín mít trong 5-7 giờ đồng hồ liên tục để thực hiện nhiệm vụ... Nhưng từ trong gian khó, qua tôi luyện thực tiễn đã hình thành nên một đội ngũ y tế dự phòng làm việc bài bản, trách nhiệm và khoa học…, góp phần vào thành công chung để Quảng Bình vững tin chuyển trạng thái “bình thường mới”", bác sỹ Tiệp tự hào khi nói về đồng nghiệp của mình.
 
Hiện tại, sau Tết Nguyên đán, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ca bệnh tăng từng ngày, bác sỹ Tiệp và lực lượng tuyến đầu vẫn miệt mài trên hành trình vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân sớm bao phủ vắc-xin cộng đồng để trẻ em được đến trường, nhân dân yên tâm phát triển sản xuất, phục hồi kinh tế, ổn định cuộc sống sau 2 năm gian khó vì đại dịch.
 
“Có được thành tích hôm nay… đều nhờ cả vào tập thể”
 
Đó là tâm sự của bác sỹ CKI Hồ Văn Tiến, Giám đốc Bệnh đa khoa huyện Quảng Ninh khi được trao tặng danh hiệu "Thầy thuốc Ưu tú".
 
Năm 1993 tốt nghiệp ra trường, cũng như bao sinh viên y khoa thời bấy giờ nuôi khát vọng trở về cống hiến cho quê hương, bác sỹ Hồ Văn Tiến về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Quảng Ninh.
 
Ông chia sẻ, bước vào nghề những năm đầu thập niên 90, đất nước còn nhiều khó khăn, Quảng Bình sau những năm đầu tái lập tỉnh lại càng khó khăn, vất vả, ngành Y tế hoạt động theo mô hình trung tâm y tế bao gồm cả khám, chữa bệnh và y tế dự phòng.
 
“Những người thầy thuốc mới ra trường như chúng tôi còn khá nhiều bỡ ngỡ, nhưng với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ chúng tôi đã cùng với lớp đàn anh đi trước nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
 
Đơn vị đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học vào công tác điều trị; huy động mọi nguồn lực để cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất; đi đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai ở các xã miền núi, biên giới như Trường Sơn, Trường Xuân, giúp đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều xây dựng nếp sống mới và biết cách phòng chống dịch bệnh”, bác sỹ Tiến cho biết thêm.
Thầy thuốc Ưu tú Hồ Văn Tiến là một trong những người tiên phong đầu tiên tiêm mũi vắc xin phòng Covid-19 ở địa bàn hyện Quảng Ninh để tạo niềm tin tưởng cho ngườ dân trên địa bàn tự ngyện tham gia tiêm chủng sớm tạo miễn dịch cộng đồng.
Thầy thuốc Ưu tú Hồ Văn Tiến là một trong những người tiên phong tiêm mũi vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên ở địa bàn hyện Quảng Ninh để tạo niềm tin tưởng cho người dân trên địa bàn tự nguyện tham gia tiêm chủng sớm tạo miễn dịch cộng đồng.
Năm 2014, bác sỹ Tiến được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm cùng tập thể xây dựng kế hoạch phát triển bệnh viện, với việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin; tích cực hưởng ứng và triển khai thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế trong đào tạo, chuyển giao gói kỹ thuật tuyến trên của Bệnh viện HNVNCBĐH, Dự án Bắc Trung bộ.
 
Nhờ đó, trong những năm qua, bệnh viện đã tiếp nhận được nhiều dịch vụ kỹ thuật và áp dụng vào công tác điều trị, tạo được niềm tin của nhân dân trên địa bàn đối với bệnh viện.
 
Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bác sỹ Tiến là người luôn đề cao công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng thành tựu khoa học phục vụ chuyên môn. Ông đã có nhiều đề tài, sáng kiến đưa vào ứng dụng trong công tác khám chữa bệnh đem lại hiệu quả cao trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
 
Với cương vị là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ bệnh viện, ông đã xây dựng được mô hình “bữa ăn tình thương” tại bệnh viện cho bệnh nhân nghèo, bà con dân tộc Bru-Vân Kiều và người lang thang cơ nhỡ từ nguồn kinh phí tự vận động quyên góp của các tổ chức, đoàn thể, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Trong 3 năm qua, mô hình này đã hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng trên 300 triệu đồng.
 
Ngoài ra, ông còn tham gia tích cực vào phong trào hiến máu tình nguyện, chỉ đạo chi đoàn thanh niên thành lập câu lạc bộ “Ngân hàng máu sống” tại bệnh viện để sẵn sàng hiến máu cho những ca bệnh cấp cứu bất cứ lúc nào và thực tế đã mang lại hiệu quả thiết thực.
 
7 năm qua, ông cùng đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh đã hiến được trên 90 đơn vị máu cho nhiều bệnh nhân phẫu thuật cấp cứu sản khoa, bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng… Nhiều bệnh nhân được cứu sống từ những nỗ lực không mệt mỏi đó.
Nội Hà
 
 
 
 

tin liên quan

Ghi nhận thêm 1.351 F0

(QBĐT) - Trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 25/2/2022 đến 6 giờ ngày 26/2/2022), Quảng Bình ghi nhận thêm 1.351 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.042 ca cộng đồng;u theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.
 

"Lửa thử vàng, gian nan thử sức", góp phần đẩy lùi dịch bệnh

(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2022), phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với Thầy thuốc Nhân dân Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế:

Có thể xác định mắc COVID-19 qua triệu chứng dù kết quả PCR âm tính

Trong giai đoạn đầu bùng phát COVID-19, có những bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng bệnh nhưng nhiều lần có kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Các nhà khoa học đã đi tìm lời giải cho hiện tượng này.