Ánh sáng phía cuối đường hầm

  • 08:09 | Thứ Bảy, 26/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nơi khoảng sân rộng, cô gái Dương Thị Hồng Thanh (32 tuổi) hướng mắt nhìn chăm chú vào những người khách lạ. Ánh mắt lấp lánh, nụ cười tươi như nắng. Ít ai biết, hơn một năm trước, Thanh và chị gái của mình vốn là đối tượng tâm thần nặng, bị nhốt trong một căn phòng chật hẹp chưa đến 10m2 suốt một thời gian dài.
 
Để có được những đổi thay kỳ diệu ấy, Thanh và rất nhiều đối tượng tâm thần khác đã nhận được sự chăm sóc, điều trị đặc biệt từ những cán bộ, y bác sỹ Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh. Họ chính là ánh sáng phía cuối đường hầm của những phận người tưởng chỉ biết tới lui trong bóng tối cuộc đời.
Được sự hỗ trợ của các cán bộ trung tâm, các bệnh nhân tâm thần tham gia trồng rau xanh, tăng gia sản xuất.
Được sự hỗ trợ của các cán bộ trung tâm, các bệnh nhân tâm thần tham gia trồng rau xanh, tăng gia sản xuất.

 Hiểm nguy rình rập

Chúng tôi đến Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần một ngày đầu năm mới. Nhận thấy khách lạ, những dáng người thất thểu bám theo sau. Người cười nhạt, kẻ thẫn thờ. Trên những gương mặt không cảm xúc, chẳng biết họ đang nghĩ ngợi điều gì? Với những người bệnh tâm thần nơi đây, mỗi ngày đều như nhau, không có ý niệm về thời gian, về không gian, càng không biết vui hay buồn.
 
Thỉnh thoảng, trong khoảng không gian lặng lẽ ấy, vang lên đôi ba tiếng hét từ căn phòng phía cuối dãy nhà vọng lại. Đặng Thị Ngọc Ánh (30 tuổi, quê ở Đức Ninh, TP. Đồng Hới), điều dưỡng tại trung tâm trấn an chúng tôi: “Chị Mẹt đó, lại đến giờ lên cơn”. Với những cán bộ, y bác sỹ tại trung tâm như Ánh, “giờ lên cơn” được nhắc đến nghe nhẹ nhõm thế nhưng đó là cả một nỗi ám ảnh dù lâu dần, mọi chuyện diễn ra như cơm bữa.
 
Ánh bảo, trừ những lúc lên cơn, phần lớn những người bệnh tâm thần nơi đây đều lành như cỏ. Người tỉnh táo hơn chút thì đi lao động, tập thể thao. Người bệnh nặng hơn thì quẩn quanh trong góc phòng, rồi lặng lẽ ngồi nơi mái hiên nhìn ra cổng. Nhưng những lúc lên cơn, họ dữ tợn và sẵn sàng lao đến tấn công bất cứ ai xuất hiện trước mặt mình.
 
Chuyện những cán bộ của trung tâm bị đánh, cào cấu là rất đỗi bình thường. Với Ánh, dù chỉ làm việc ở đây vài năm nhưng cô không nhớ mình đã bao nhiêu lần bị người bệnh tấn công. Chấp nhận vào làm việc ở trung tâm nghĩa là đã sẵn sàng tinh thần cho những cuộc tấn công không xác định nhưng sau những lần như thế, các cán bộ như Ánh không khỏi sốc, có lúc là hoảng loạn.
Các các bộ trung tâm hỗ trợ bệnh nhân tâm thần phục hồi chức năng.
Các các bộ trung tâm hỗ trợ bệnh nhân tâm thần phục hồi chức năng.

Anh Ngô Văn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần cho biết, hiện nơi đây đang chăm sóc, điều trị cho 133 bệnh nhân tâm thần. Trước khi vào đây, đa phần họ đều mắc bệnh nặng, chưa từng được dùng thuốc. Có những người bị xích trong suốt hơn 10 năm. Họ hoang dại và dữ tợn khó lường.

“Vào trung tâm, từ chuyện ngủ bằng giường, ăn bằng thìa đều phải tập. Có những người khi lên cơn rất dễ bị kích động. Nên những lúc muốn can thiệp, cho uống thuốc hay tiêm đều phải cần đến 5, 6 cán bộ giữ tay chân họ lại. Cán bộ ở đây, nếu không đủ bản lĩnh thì rất khó trụ được với nghề khi mà công việc vất vả, hiểm nguy luôn rình rập”, anh Hóa tâm sự.
 
Thầm lặng và yêu thương
 
Cuối năm 2020, hai chị em Dương Thị Hồng Thanh và Dương Thanh Bình (xã Tây Trạch, Bố Trạch) được đón về Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh.
 
Từ đây, cuộc đời của hai chị em bước sang một trang mới sau hơn 10 năm bị nhốt trong căn phòng chật hẹp, thiếu thốn đủ bề. Và người mẹ già còm cõi ngày ngày phải chăm sóc hai đứa con điên loạn trong suốt một thập kỷ đã không còn những tháng ngày khốn khổ.
 
Hơn một năm qua, nhờ sự chăm sóc chu đáo và hết lòng của những cán bộ nơi đây, hai cô gái đã tỉnh táo, có thể vanh vách giới thiệu tên, tuổi và nhắc về mẹ bằng ánh mắt lấp lánh trông mong. Như những người bệnh khác, Thanh gọi các các bộ như Ánh bằng cách gọi trìu mến là cô, là thầy. Nhưng phải khi chứng kiến được công việc lặng thầm và đầy yêu thương của những cán bộ nơi đây mới hiểu rằng họ hơn cả một người cô, người thầy.
 
Trực tiếp chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân tâm thần là 18 cán bộ thuộc Phòng Y tế, phục hồi chức năng. Thật ngạc nhiên khi phần đông trong số họ đều là những người trẻ. Ngày ngày, họ đối diện với những công việc mà chẳng phải ai cũng làm được bằng sức trẻ, sự chịu khó và cả cái tâm thiện lương.
 
Cùng với việc điều trị, cấp phát thuốc, chăm sóc bữa ăn hàng ngày, cán bộ nơi đây còn hỗ trợ đối tượng tâm thần phục hồi chức năng, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao. Với những người tỉnh táo hơn sẽ được tổ chức tham gia chăn nuôi, trồng rau xanh tăng gia sản xuất.
Chăm sóc người bệnh như người nhà.
Chăm sóc người bệnh như người nhà.

Trong số các bệnh nhân tại trung tâm, có 15 người không nơi nương tựa. Với họ, trung tâm chính là nhà, các thầy, các cô chính là gia đình, là người thân duy nhất. Bởi vậy, ốm đau, nằm viện hay chăm lo chuyện hậu sự cho những trường hợp đặc biệt này đều là việc của những cán bộ tại trung tâm.

Có lúc họ phải túc trực chăm sóc cho các bệnh nhân ở bệnh viện suốt cả tháng trời. Điều dưỡng Đặng Văn Hùng (Đức Ninh, TP. Đồng Hới) chân tình bảo, công việc ban đầu thật sự khó khăn nhưng lâu dần cũng thành quen bởi các bệnh nhân tâm thần ai cũng đều đáng thương. Người bệnh lên cơn nguy hiểm đã đành, với những trường hợp còn mắc thêm bệnh truyền nhiễm còn là một thách thức rất lớn cho những người trực tiếp chăm sóc và điều trị.
 
Mức hỗ trợ hàng tháng cho các bệnh nhân tâm thần còn khá thấp nên để chăm lo tốt hơn bữa ăn của họ, các cán bộ của trung tâm lập ra Quỹ Hũ gạo tình thương. Quỹ được gom góp nên từ việc trích những đồng lương ít ỏi của anh chị em cán bộ hoặc từ số tiền tăng gia sản xuất.
 
“Việc mai táng, nằm viện và hương khói cho những trường hợp không nơi nương tựa cũng trích từ quỹ này. Người thân của các đối tượng không có tiền để vào thăm con cháu, chúng tôi cũng trích quỹ ra để hỗ trợ. Anh chị em không ai bảo ai, tự nguyện đóng góp như thể đó là việc của chính gia đình mình”, anh Hóa tâm sự thêm.
 
Từ khi trung tâm đi vào hoạt động cuối năm 2017 đến nay, đã có 11 trường hợp lành bệnh và tái hòa nhập cộng đồng. Với các cán bộ như Ánh, như Hùng hay những cán bộ lặng thầm nơi chốn này, đó là niềm hạnh phúc lớn lao, đủ sức xoa dịu đi những khó khăn của công việc nặng nề mà họ đang gánh vác. Vậy nên, ngày nối ngày trôi đi, họ vẫn miệt mài với công việc đặc biệt của mình mà không một lời đòi hỏi, chẳng cần được đền ơn.
 
Diệu Hương
 
 

tin liên quan

F0 điều trị tại nhà cần thủ tục gì để được trợ cấp ốm đau

(QBĐT) - Chế độ ốm đau là chính sách hỗ trợ nghỉ ốm dành cho người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều trường hợp người lao động (NLĐ) là F0 điều trị tại nhà và họ cần làm gì để được hưởng chế độ nghỉ ốm? Phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh xung quanh vấn đề này.

Xử lý tình trạng đổ trộm rác thải hai bên tuyến đường tránh Đồng Hới

(QBĐT) - Tình trạng đổ trộm rác thải từ công trình xây dựng khi ở hai bên tuyến đường tránh TP. Đồng Hới đã diễn ra lâu nay và từng được báo chí phản ánh.
 

Vì thành phố xanh-sạch-đẹp

(QBĐT) - Thời gian qua, Ban Quản lý (BQL) Dịch vụ công ích thành phố đã nỗ lực vận hành, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, vì một thành phố xanh-sạch-đẹp.