Mùa "ăn dâu" trên dãy Hoành Sơn

  • 08:35 | Chủ Nhật, 06/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hàng năm, khoảng từ cuối tháng chạp đến hết tháng 2 âm lịch, trái dâu rừng (nhiều nơi gọi là thanh mai) chín rộ trên dãy Hoành Sơn, cũng là lúc người dân các xã Quảng Kim, Quảng Hợp, Quảng Châu (Quảng Trạch) lại rủ nhau đi hái thứ “lộc trời” không phải bỏ công trồng trọt, chăm sóc này. Năm nay, thời tiết thuận lợi, dâu rừng sai trái và bán được giá nên nhiều người “ăn dâu” đã kiếm được tiền triệu mỗi ngày….
 
Thu tiền triệu mỗi ngày
 
Thời điểm này, núi rừng dãy Hoành Sơn mây mù luôn giăng kín. Để hái được những trái dâu rừng to, căng mọng, những người đi “ăn dâu” phải thức dậy trước tiếng gà gáy đầu tiên, rồi vượt bao dặm đường rừng để tiếp cận với rừng dâu sớm nhất.
 
Chị Phạm Thị Liệu (35 tuổi, ở xã Quảng Kim), làm nghề phụ thợ hồ, nhưng nhiều năm qua, cứ đến mùa dâu chín, chị lại gác lại công việc, thường xuyên có mặt trong “biệt đội” đi “ăn dâu” trên dãy Hoành Sơn. Với kinh nghiệm nhiều năm “ăn dâu”, chị Liệu cho biết, trước đây, trên dãy Hoành Sơn, cây dâu rừng mọc nhiều lắm, chỉ vào sát bìa rừng là đã nhìn thấy.
 
Những năm gần đây, nhiều diện tích rừng dưới chân dãy Hoành Sơn đã được người dân khai phá để trồng keo tràm, nên cây dâu rừng cũng ít dần. Bây giờ muốn hái được nhiều quả dâu rừng, người đi “ăn dâu” phải vào sâu trong rừng, leo lên tận những đỉnh núi cao...
 Người dân đi “ăn dâu” trên dãy Hoành Sơn.
Người dân đi “ăn dâu” trên dãy Hoành Sơn.

“Cây dâu có khi mọc thành rừng, nhưng cũng có khi nó mọc xen với những loại cây rừng khác. Với những người “ăn dâu” có kinh nghiệm, mỗi lần gặp một vạt dâu lớn, họ sẽ tìm cách ghi nhớ thật kỹ vị trí để lần sau, mùa sau tìm lại mà hái.

Người “ăn dâu” cũng cần phải tinh mắt, nhanh nhẹn, kiên nhẫn thì mới phát hiện và hái được nhiều trái dâu hơn. Trên cây dâu có trái chín nhưng cũng vẫn còn nhiều trái xanh, vì vậy, người “ăn dâu” cần cẩn thận hái những trái chín, không làm những trái xanh bị rụng để lần sau còn có mà hái…”, chị Liệu chia sẻ.

Theo lời chị Liệu, năm nay, thời tiết thuận lợi, không gặp phải sương muối nên cây dâu rừng rất sai trái, chín đẹp. Với một người có kinh nghiệm như chị Liệu, mỗi ngày luồn rừng “ăn dâu”, cũng thu được từ 20-30 lon dâu (lon chế từ vỏ hộp sữa đặc, một loại dụng cụ người dân thường dùng để đong gạo-PV).
 
Trước Tết, dâu rừng được bán với giá 50 nghìn đồng/lon, nên mỗi ngày chị Liệu cũng có thu nhập tiền triệu. Hiện tại, giá dâu rừng đã giảm còn khoảng 25-30 nghìn đồng/lon, nhưng đang thời điểm dâu rừng chín rộ và năm nay dâu được mùa nên nhiều người “ăn dâu” vẫn có thu nhập cao nhờ thứ “lộc trời” này…
 
Mùa dâu, nhớ ký ức tuổi thơ
 
Theo người dân các xã Quảng Kim, Quảng Hợp, Quảng Phú…, mỗi năm núi rừng dãy Hoành Sơn có 4 mùa quả: Móc, sim, dâu, muồng. Người dân trong vùng đặt tên từng mùa theo 4 thứ quả ấy và mỗi mùa quả đều mang về cho người dân nguồn thu nhập đáng kể. Đặc biệt, với quả dâu rừng, những ai đã từng lớn lên ở vùng đất này, chắc hẳn sẽ không thể nào quên được ký ức tuổi thơ của những mùa theo mẹ, theo chị đi “ăn dâu” trên dãy Hoành Sơn.
 Một ngày “ăn dâu”, nhóm của chị Phạm Thị Liệu (xã Quảng Kim) thu được gần 30 lon dâu.
Một ngày “ăn dâu”, nhóm của chị Phạm Thị Liệu (xã Quảng Kim) thu được gần 30 lon dâu.

Ông Từ Ngọc Oai, quê xã Quảng Kim, hiện đang sinh sống ở TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) chia sẻ: “Sống ở chốn thị thành, nhưng chỉ cần bắt gặp đâu đó trên báo, trên tivi hình ảnh quả dâu rừng, là tôi lại nhớ quay quắt về những mùa dâu in đậm trong ký ức tuổi thơ ở quê nhà. Ngày trước, trên dãy Hoành Sơn dâu mọc nhiều lắm. Đến mùa dâu rừng chín, lũ trẻ chúng tôi lại hẹn hò, cùng nhau lên rừng để “ăn dâu”. Từng quả dâu tròn căng, chín tím tứa ra vị chua ngọt, chỉ cần nhìn thấy, chưa kịp ăn đã chảy cả nước miếng…”.

Theo người dân sống dưới chân dãy Hoành Sơn, trước đây, mỗi mùa dâu chín, nhiều người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em thường đi hái dâu về để ăn tươi vì đây là món “khoái khẩu” mà họ yêu thích. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người tìm mua trái dâu rừng về ngâm, ủ rượu và chế biến thành những thức uống “đặc sản”.
 
Với những người xa quê, trái dâu rừng trở thành nỗi nhớ. Mỗi năm cứ đến mùa dâu chín, họ lại điện thoại về nhờ người thân mua trái dâu gửi vào. Và có lẽ, cũng vì vậy mà dâu rừng ngày càng có giá trị và bán được giá cao.
 
Chị Từ Thị Thu Thân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quảng Kim cho biết: “Hiện nay, trái dâu rừng có giá giao động từ 25-50 nghìn đồng/lon và chỉ cần đưa ra khỏi rừng là có thương lái chờ sẵn, mua ngay tại cửa rừng mà không phải mất công mang ra chợ bán như trước đây. Vì thế, mặc dù dâu rừng ngày càng khan hiếm, phải đi xa, vào sâu trong rừng mới có nhưng đến mùa dâu chín, vẫn thu hút hàng trăm người ở các xã quanh vùng lên dãy Hoành Sơn để “ăn dâu”…".
 
Cây dâu rừng (có nơi gọi là thanh mai) có tên khoa học là Myrica sp. Trong cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS Đỗ Tất Lợi có ghi về quả dâu rừng được dùng làm thuốc đầu tiên trong Khai Tống bản thảo sau đến Bản thảo cương mục.
 
Tài liệu cổ ghi loại quả này có vị chua, ngọt, tính bình, có tác dụng lý khí, tán ứ, thanh thấp nhiệt. Quả phơi khô được dùng để chữa rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, lỵ, các bệnh về da bằng cách dùng vỏ khô sắc với nước uống trong ngày. Thân hoặc vỏ, rễ được dùng sắc nước rửa, chữa lở ngứa. Hạt của loại quả này còn dùng chữa chứng ra mồ hôi chân…
 
Ngoài ra, trái dâu rừng còn có chức năng giải nhiệt, tốt cho tiêu hóa, máu não và mắt, tăng khả năng miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tiểu đường, chống lão hóa tốt.
 
Phan Phương
 
 
 

tin liên quan

"Nghiện"... test!

(QBĐT) - Thấy chồng vừa đi làm về đã định lôi kit test nhanh Covid-19 ra test, chị H. cau mày:

Khởi công xây dựng "Mái ấm tình thương" cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn

(QBĐT) - Ngày 4/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Tuyên Hóa phối hợp với Hội LHPN xã Hương Hóa tổ chức lễ khởi công xây dựng "Mái ấm tình thương" cho chị Cao Thị Hương (SN 1977) ở thôn Tân Sơn, xã Hương Hóa. 

Kêu gọi trên 9,1 tỷ đồng giúp đỡ trẻ mồ côi

(QBĐT) - Tối 4/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp "Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương".