Gia tăng số trẻ mắc Covid-19 ở độ tuổi 6-11

  • 17:14 | Thứ Năm, 03/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn Quảng Bình tăng nhanh và có xu hướng gia tăng ca mắc Covid-19 ở trẻ em. Theo đánh giá của Sở Y tế, trẻ em mắc Covid-19 phần lớn là không triệu chứng hoặc ở thể nhẹ, trung bình, chưa có trường hợp diễn tiến nặng.
 
Sau Tết Nguyên đán, số trẻ mắc Covid-19 gia tăng
 
Sau Tết, số ca mắc ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều tăng nhanh. Đặc biệt là ở các địa bàn: Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Trạch, Ba Đồn, Lệ Thủy... Theo số liệu thống kê của Sở Y tế, từ ngày 1/1 đến 28/2/2022, toàn tỉnh có 18.371 ca mắc Covid-19 mới, trong đó, trẻ em có 4.944 ca. Cụ thể: Trẻ từ 0-5 tuổi có 1.204 ca, từ 6-11 tuổi có 2.484 ca, từ 12-17 tuổi có 1.256 ca.
 
Tuần đầu tiên trong tổng số ca mắc mới, trẻ em chiếm khoảng 13% đến nay đã tăng lên trên 20% do sau kỳ nghỉ Tết, học sinh đi học trực tiếp trở lại và tập trung nhiều ở độ tuổi từ 6-11. Nhưng đa phần trẻ mắc Covid-19 đều ở thể nhẹ, trung bình và không triệu chứng, được cách ly điều trị tại nhà và một số ít được chuyển đến bệnh viện điều trị triệu chứng. 
Trẻ mắc Covid-19 ở Quảng Bình gia tăng ở độ tuổi 6-11.
Trẻ mắc Covid-19 ở Quảng Bình gia tăng ở độ tuổi 6-11.
Theo bác sỹ Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế, thời gian qua, sở luôn theo dõi sát diễn tiến số ca mắc Covid-19, nhất là đối với trẻ em. Sở đã chỉ đạo các đơn vị y tế sẵn sàng thu dung, điều trị trẻ em mắc Covid-19 cũng như tăng cường hướng dẫn chăm sóc tại nhà, theo dõi trẻ thường xuyên để kịp thời chuyển viện điều trị với các trường hợp có triệu chứng nặng.
 
Đồng thời, Sở Y tế cũng đã phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo hướng dẫn cho cho hệ thống y tế học đường, giáo viên phát hiện và xử lý khi có F0 trong lớp học, giúp ngành giáo dục chủ động triển khai công tác dạy và học phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay. 
 
Một trong những địa phương có số ca mắc Covid-19 tăng mạnh từ Tết Nguyên đán đến nay, bác sỹ Uông Đình Thái, Phó Giám đốc, Phụ trách Trung tâm Y tế huyện Quảng Trạch cho biết: “Từ ngày 1/1 đến 28/2/2022, toàn huyện có 3.028 ca mắc Covid-19, trong đó có 694 trẻ em (từ 0-5 tuổi: 131 ca, từ 6-11 tuổi: 347 ca và từ 12-17 tuổi: 216 ca). Tất cả đều được cách ly, điều trị tại nhà, chỉ có 1 trường hợp bé 3 tháng tuổi trong quá trình theo dõi thấy có dấu hiệu hơi khó thở, chúng tôi đã cho chuyển ngay đến bệnh viện điều trị, hiện cháu bé sức khỏe đã ổn định”. 
 
Bác sỹ Uông Đình Thái thông tin thêm, đội ngũ y tế cơ sở của Quảng Trạch đã có kinh nghiệm theo dõi, điều trị F0 tại nhà, tuy nhiên sau Tết, số F0 là trẻ em có xu hướng tăng, trung tâm đã chỉ đạo các trạm y tế tăng cường theo dõi sát đối tượng này.
 
Song song, từ hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế trong chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, đơn vị đã soạn thành tài liệu dễ nhớ và in sẵn cho các trạm y tế trực tiếp phát cho các gia đình có F0 là trẻ em để phối hợp cùng cán bộ y tế chăm sóc tốt hơn cho trẻ tại nhà. Đến nay, hầu hết trẻ F0 tại Quảng Trạch đều ở thể nhẹ và không triệu chứng, chưa có trường hợp diễn tiến nặng. 
Chỉ khi học sinh được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ, thì việc đến trường học trực tiếp không còn là vấn đề đáng lo ngại.
Chỉ khi học sinh được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ, thì việc đến trường học trực tiếp không còn là vấn đề đáng lo ngại.
Bác sỹ Nguyễn Viết Thái, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình chia sẻ, từ Tết đến nay, bệnh viện đã thu dung điều trị cho 487 F0 có triệu chứng trung bình trở lên, trong đó có 53 trường hợp là trẻ em (tăng hơn nhiều so với thời gian trước đó). Đội ngũ y bác sỹ đã quan tâm chăm sóc nâng cao thể trạng và tập trung điều trị triệu chứng cho trẻ. Trung bình mỗi trường hợp điều trị khoảng 8 ngày là được xuất viện về nhà, chưa có trường hợp F0 là trẻ em diễn biến nặng phải chuyển lên tuyến trên.
 
Tuyệt đối không cho trẻ uống thuốc kháng vi rút khi chưa có chỉ định của bác sỹ 
 
Theo bác sỹ Dương Thanh Bình, thời gian gần đây việc lây nhiễm Covid-19 gia tăng ở trẻ em. Đa số trẻ mắc Covid-19 đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, trung bình. Hầu hết trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp trên với sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi, tiêu chảy… thường tự hồi phục sau khoảng 1-2 tuần, chưa có trường hợp trẻ có diễn tiến nặng.
 
Vì vậy, sở đã chỉ đạo y tế cơ sở tăng cường điều trị tại nhà đối với các trường hợp không triệu chứng và mức độ nhẹ, không có các yếu tố nguy cơ diễn tiến nặng nhằm giảm tải cho hệ thống y tế; đồng thời, việc chăm sóc điều trị tại nhà giúp trẻ được chăm sóc tốt từ gia đình, ít ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ và hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo từ bệnh viện.
 
"Khi điều trị cho trẻ mắc Covid-19 tại nhà, ngoài việc cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt cao trên 38,5oC, cha mẹ cần cho trẻ uống nước thường, nước điện giải, tránh tình trạng mất nước ở trẻ, mở cửa thông thoáng. Nếu trẻ ho có thể sử dụng các loại siro ho thảo dược để giảm triệu chứng, tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng vi rút khi chưa có chỉ định của bác sỹ điều trị...", bác sỹ Dương Thanh Bình lưu ý.
Ngành Y tế đề nghị các bậc phụ huynh tích cực phối hợp với cơ sở y tế để cho trẻ được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ.
Ngành Y tế đề nghị các bậc phụ huynh tích cực phối hợp với cơ sở y tế để cho trẻ được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ.
Đặc biệt, cha mẹ, người trông trẻ phải theo dõi diễn biến cơ thể của trẻ liên tục bằng cách đo nhiệt độ, nếu trẻ có biểu hiện bất thường phải gọi ngay cho cán bộ y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc, điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm, nhất là với những trẻ có bệnh nền.
 
Bác sỹ Dương Thanh Bình nhấn mạnh, sau Tết Nguyên đán, khi số ca nhiễm mới tăng cao, ghi nhận nhiều ca cộng đồng... nhân lực y tế gặp rất nhiều khó khăn, nhiều cán bộ, nhân viên y tế quá tải công việc. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực chuyên sâu của các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã còn nhiều hạn chế, bất cập... nên nguy cơ quá tải khi số lượng bệnh nhân nặng tăng nhanh...
 
Vì vậy, ngành y tế rất mong mỗi một người dân không chủ quan, lơ là, chủ động thực hiện nghiêm túc các quy định phòng dịch, 5K dù đã được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19; tích cực phối hợp với ngành y tế để được tiêm vắc-xin đầy đủ hoặc chăm sóc y tế nếu bị nhiễm SARS-CoV-2, góp phần cùng cả tỉnh thích ứng an toàn, linh hoạt để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ trẻ em trước đại dịch. 
 
Theo Bác sỹ Dương Thanh Bình, một số thuốc cần có tại nhà:
- Thuốc hạ sốt: Paracetamol loại viên 500mg dành cho người lớn và loại gói 80mg hoặc 150mg dành cho trẻ em.
- Nước muối sinh lý NaCl 0.9%: 1 chai 0,5 lít để súc họng và lọ xịt để xịt mũi cho trẻ (mỗi người 1 chai xịt, không dùng chung).
- Gói dung dịch điện giải Oresol: pha cho bé uống khi sốt và tiêu chảy, một trong những nguyên nhân khiến bé sốt cao, đàm mũi đặc, nghẹt mũi nặng, mệt mỏi nhiều…đó là bố mẹ không bù đủ nước cho con.
- Tăng đề kháng: vitamin D3, kẽm, vitamin. Vitamin D3 thì 400 IU cho trẻ <12 tháng, 800 IU cho trẻ >12 tháng. Vitamin C thì trẻ em khoảng 50-75mg/ngày, người lớn 90-120mg/ngày.
- Nên dự trữ: mật ong, gừng, sả, chanh… để pha với nước ấm cho trẻ uống khi đau họng.
Đặc biệt, không nên mua các loại thuốc được quảng cáo là ngừa Covid-19...
 
Nội Hà
 
 

tin liên quan

Bộ Y tế thông tin về tăng thời hạn sử dụng vaccine Abdala phòng COVID-19

Bộ Y tế thông tin về việc đồng ý tăng hạn dùng của vaccine Abdala từ 6 tháng lên 9 tháng.

Bác sỹ mũ nồi xanh Việt Nam thực hiện thành công chuỗi ca phẫu thuật

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã thực hiện thành công liên tiếp 4 ca phẫu thuật cho những bệnh nhân là cán bộ, nhân viên Liên hợp quốc người Nam Sudan.
 

Kỳ vọng về vaccine mới vừa chống cúm mùa vừa phòng COVID-19

Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã quan tâm đến việc sản xuất một loại vaccine có thể vừa phòng chống virus SARS-CoV-2 vừa phòng chống các chủng của virus corona.