Hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

  • 14:07 | Thứ Hai, 14/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng các chương trình, dự án, huyện Minh Hóa đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ sinh kế nhằm giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội…
 
Thành lập các tổ hợp tác để… xóa nghèo
 
Điểm đầu tiên mà chúng tôi đến là mô hình tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò của người Sách (dân tộc Chứt) ở bản Lương Năng, xã Hóa Sơn. Đây là 1 trong 4 mô hình THT chăn nuôi bò của ĐBDTTS vừa mới được thành lập tại huyện Minh Hóa và đi vào hoạt động khá hiệu quả, gồm: Lương Năng (xã Hóa Sơn), Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa), K.Ai (xã Dân Hóa), Dộ-Tà Vờng (xã Trọng Hóa).
 
Ông Cao Minh Chiến, Trưởng bản Lương Năng, xã Hóa Sơn phấn khởi khoe: "Thời tiết đang ấm dần lên, đồng cỏ xung quanh ngày càng tốt tươi nên đàn bò lai Sind béo lên rất nhanh. Mấy tháng gần đây, những đợt rét đậm, rét hại kéo dài làm đàn bò gầy đi so với trước. Nhờ có thức ăn đầy đủ, chuồng trại kín gió nên không con nào bị chết rét cả…". 
Khu chuồng trại THT chăn nuôi bò bản Lương Năng, xã Hóa Sơn được xây dựng cách xa khu vực dân cư để tránh ô nhiễm môi trường.
Khu chuồng trại THT chăn nuôi bò bản Lương Năng, xã Hóa Sơn được xây dựng cách xa khu vực dân cư để tránh ô nhiễm môi trường.
Rồi ông Chiến kể tiếp: "Nhằm giúp cho đồng bào cải thiện cuộc sống, cuối năm 2020, có 10 hộ dân ở bản Lương Năng được Nhà nước hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ để xây chuồng và hỗ trợ 120 triệu đồng mua 12 con bò lai Sind gồm 10 bò cái sinh sản và 2 bò đực (Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng/con, số tiền còn lại do người dân đối ứng khoảng 4 triệu đồng/con) để thành lập THT chăn nuôi bò Lương Năng.
 
Kể từ khi đi vào hoạt động cho tới nay, toàn bộ 10 thành viên của THT đã thống nhất luân phiên chăm sóc, canh giữ đàn bò với thời gian 1 tuần/hộ. Ngoài ra, THT còn quy định mỗi hộ phải đóng góp thêm 1 bao cỏ/ngày để bò ăn bổ sung vào ban đêm; mỗi ngày, cử 3 thành viên lên núi chặt cây chuối rừng về băm nhỏ, trộn chung với bột cám để đàn bò được ăn no hơn. Có thêm việc làm nên bà con vui lắm. Chúng tôi đã bàn bạc với nhau, khi nào đàn bò sinh sản số lượng nhiều gấp đôi, gấp ba so với hiện nay thì mới tính đến chuyện bán đi một ít con. Nếu chưa thực sự cần thiết thì cứ để vậy nhằm tăng thêm cơ hội việc làm cho các thành viên...".
 
Để tạo sinh kế, giúp nhiều hộ ĐBDTTS có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, huyện Minh Hóa còn xây dựng thêm 9 mô hình THT trồng bưởi da xanh tại xã Hóa Hợp và Dân Hóa.
 
Ông Đinh Viết Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp cho biết: "Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội dân tộc Chứt, thời gian qua, UBND huyện Minh Hóa đã phân bổ cho xã Hóa Hợp 2,1 tỷ đồng để xây dựng 7 THT trồng bưởi da xanh (hỗ trợ 20-34 triệu đồng/mô hình và mỗi THT không quá 300 triệu đồng). Hiện nay, xã Hóa Hợp đã thành lập được 7 THT trồng bưởi da xanh với 59 thành viên tham gia. Toàn bộ kinh phí hỗ trợ đều được dùng vào việc tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi da xanh, mua cây giống, máy bơm, cọc rào, dây thép gai, ống nước, kéo cắt tỉa cây, phân bón... Nhờ được hỗ trợ gần như toàn bộ chi phí để xây dựng mô hình, đồng thời, UBND xã Hóa Hợp còn đứng ra ký hợp đồng với một doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra nên mô hình THT trồng bưởi da xanh ở địa phương kỳ vọng sẽ thắng lợi…".
 
Chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số
 
Với đặc thù trên 95% ĐBDTTS sống phụ thuộc vào nghề nông, điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi, trình độ dân trí thấp so với mặt bằng chung toàn huyện, tập quán sản xuất còn nhiều lạc hậu… nên hộ nghèo trong ĐBDTTS ở huyện Minh Hóa hiện chiếm tỷ lệ rất cao. Với phương châm "các dân tộc đều bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển", những năm qua, huyện Minh Hóa đã tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho ĐBDTTS.
 
Ông Lê Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Minh Hóa cho biết: Bên cạnh việc phát huy hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình 30a, Chương trình 135 của Chính phủ và lồng ghép thêm một số nguồn vốn khác để đầu tư cho vùng ĐBDTTS, những năm gần đây, huyện Minh Hóa còn triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020", Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc "Phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025".
 
Cụ thể, đối với thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg, huyện Minh Hóa đã đầu tư trên 1,5 tỷ đồng nhằm hỗ trợ nước sinh hoạt cho các hộ DTTS nghèo. Đối với thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg, huyện đã hỗ trợ phát triển sản xuất, như: Cấp giống ngô, lạc, vật tư, phân bón phục vụ sản xuất đông-xuân cho khoảng 1.100 hộ DTTS, kinh phí trên 1,2 tỷ đồng; cấp giống cây keo, vật tư, phân bón cho 76 hộ gia đình, với kinh phí trên 850 triệu đồng; cấp giống bò cái lai Sind sinh sản cho 490 hộ gia đình, trị giá khoảng 5 tỷ đồng; hỗ trợ trên 1,7 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo chuồng trại cho 487 hộ; mở 26 lớp tập huấn cho các hộ đồng bào Chứt tại 6 xã với kinh phí gần 850 triệu đồng; hỗ trợ trên 3,5 tỷ đồng để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa…
Huyện Minh Hóa hiện có 3.135 hộ, 13.136 nhân khẩu thuộc DTTS (chiếm 22,2% dân số toàn huyện), sống phân bố tại 41 thôn, bản của 4 xã biên giới (Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa), 3 xã vùng rẻo cao (Hóa Hợp, Hóa Tiến, Hóa Phúc) và xen ghép tại một số địa phương khác.
 
Văn Minh

tin liên quan

Sôi nổi các hoạt động ngày cao điểm "Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới"

(QBĐT) - Ngày 13/3, 100% các cơ sở đoàn trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt tổ chức các hoạt động thiết thực, linh hoạt, sáng tạo hưởng ứng ngày cao điểm "Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới" năm 2022.

Nhiều hoạt động an sinh xã hội tại chương trình "Tháng ba biên giới"

(QBĐT) - Chiều 13/3, Tỉnh đoàn phối hợp với Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức chương trình "Tháng ba biên giới" tại bản K-Ai, xã Dân Hóa (Minh Hóa).

Tuổi trẻ Minh Hóa ra quân tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới năm 2022

(QBĐT) - Hưởng ứng các hoạt động Tháng Thanh niên năm 2022, ngày 13/3, tại thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa), Huyện đoàn Minh Hóa tổ chức "Lễ phát động ra quân ngày cao điểm tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới năm 2022".