Ấm no phía đại ngàn…
(QBĐT) - Bản Hà Lẹc cách trung tâm xã Kim Thủy (Lệ Thủy) hơn 4km, mấy năm trước, để vào được Hà Lẹc phải rất vất vả vì cách trở, khó đi. Nay, đến Hà Lẹc thuận lợi hơn vì đường giao thông đã được đầu tư xây dựng. Đến bản vào một ngày mưa phùn lất phất sau Tết Nguyên đán, mới biết rằng, dẫu còn bao bộn bề lo toan, khó khăn, nhưng người dân nơi đây đã biết vươn lên, chủ động trong phát triển kinh tế. Và, điều đó được hiển hiện qua những cánh rừng tràm trải dài trên khắp các triền núi, những mảnh vườn tươm tất và những ngôi nhà sàn khang trang…
Đồng hành với chúng tôi vào Hà Lẹc là Trưởng phòng Dân tộc huyện Lệ Thủy Phạm Đức Hóa. Trong suốt hành trình vào bản, anh Hóa bộc bạch rằng: “So với các bản khác của xã Kim Thủy, cuộc sống của người dân Hà Lẹc tương đối ổn định hơn, do đã biết chủ động, thay đổi cung cách phát triển kinh tế. Nhưng để Hà Lẹc có những bước đột phá mới, vẫn cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, ngành…”.
Câu chuyện với anh Hóa bỗng ngắt quãng giữa chừng, khi xe chúng tôi vừa chạm đến con dốc vào bản Hà Lẹc. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi ghé vào ngôi nhà sàn to và khang trang nhất, nhì ở bản. Thấy có khách, Trưởng bản Hà Lẹc Hồ Nhiều đứng trên nhà sàn nói vọng xuống: “Các anh đợi tí, miềng đang thống kê chính xác lại số lượng người dân ở bản nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ trong dịp Tết vừa qua và xem qua danh sách các hộ có nhận đất trồng rừng để làm báo cáo cho chính quyền…”.
Sau khi xong việc, Hồ Nhiều tiếp chúng tôi bằng cái bắt tay và nụ cười niềm nở. Mở đầu câu chuyện, Trưởng bản Hà Lẹc cho hay: Bản có 60 hộ với 190 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều. Trước đây, cuộc sống của dân bản dựa vào rừng nên gặp không ít khó khăn. Hai năm nay, con đường vào bản đã được bê tông hóa, bà con đi lại thuận lợi hơn. Nhờ đó, dân bản được giao lưu, tiếp cận với những cách thức phát triển kinh tế hiệu quả trong xã, trong vùng, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều đổi thay ở đây…
“Vẫn còn 36 hộ nghèo, nhưng nhiều nhà trong bản đã có cuộc sống khá hơn, nhờ biết trồng rừng, phát triển chăn nuôi, cải tạo vườn nhà để có thêm thu nhập. Mời nhà báo đi với miềng để biết bà con phát triển kinh tế ra sao, sau khi không sống dựa vào rừng nữa…”, vừa nói Hồ Nhiều vừa kéo chúng tôi đi về những cánh rừng phía xa.
Nhà Hồ Mãi (SN 1977) nằm sát cạnh con suối Hà Lẹc. Mấy năm gần đây, nguồn thu của gia đình anh Mãi đã không còn dựa vào những cánh rừng giữa đại ngàn nữa. “Công cuộc đổi đời” của gia đình Mãi được bắt đầu từ những cánh rừng keo phía triền núi, chăn nuôi trâu, cải tạo vườn tạp để trồng cây bản địa với thu nhập hàng năm ngót nghét hơn 70 triệu đồng.
Hồ Mãi bảo với chúng tôi rằng: “Trước đây, cuộc sống gia đình miềng chủ yếu dựa vào rừng, rồi rừng được quản lý chặt khi được thành lập Khu dự trữ thiên nhiên. Lúc đầu, gia đình miềng mất phương hướng vì không có kế sinh nhai hàng ngày. Thế rồi, được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ cho đàn dê sinh sản để phát triển kinh tế gia đình. Qua bao năm gây dựng, hiện gia đình miềng trồng được 4ha rừng, nuôi 9 con dê, 7 con trâu, trồng thêm nhiều loại cây bản địa để tăng thêm thu nhập. Cuộc sống vậy là ổn…”.
Chị Hồ Sự, vợ anh Mãi ngồi bên góp thêm câu chuyện: Trước đây, phụ nữ Hà Lẹc hàng ngày chỉ quanh quẩn trong bản, xuống suối kiếm con ốc, con cá về lo từng bữa ăn cho gia đình. Giờ thì họ đã chủ động đi làm thêm, cải tạo vườn tạp trồng cà, cải, kiệu, ớt bản địa để bán cho thương lái. Không ít hộ từ bán cà bản địa, có vụ thu về được hơn 5 triệu đồng…
“Nhiều năm qua, đời sống của bà con đã thay đổi, đó là những tín hiệu đáng mừng. Có được kết quả đó là do bà con đã biết nắm bắt lợi thế, thay đổi cung cách làm ăn để phát triển kinh tế, nhất là không an phận, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Hiện, Hà Lẹc có hơn 100ha rừng trồng, tổng đàn trâu, dê hơn 200 con. Từ những con số này để biết, tương lai phía trước, dân bản còn tiến xa trong hành trình vượt khó, vươn lên thoát nghèo…”, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thủy Hồ Văn Thắng quả quyết.
“Để Hà Lẹc phát triển vững vàng hơn nữa, các cấp, ngành cần hỗ trợ nhiều mô hình sản xuất phù hợp, đặc biệt là đưa các giống cây bản địa vào trồng để vừa phát triển kinh tế vừa bảo tồn sản vật địa phương. Hơn nữa, cần tập trung đào tạo nghề cho lao động địa phương, hướng dẫn, động viên con em trong bản đi xuất khẩu lao động để có thu nhập…”, Trưởng phòng Dân tộc huyện Lệ Thủy Phạm Đức Hóa cho biết.
|
Ngọc Hải
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.