"Ấm" hơn nẻo về

  • 07:58 | Thứ Hai, 17/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vì mưu sinh, họ phải chọn cuộc sống ly hương nơi đất khách. Nhưng dịch Covid-19 tràn qua, những đứa con xa quê buộc lòng phải trở về quê nhà. Không nghề nghiệp, chẳng thu nhập, cuộc sống của họ bấp bênh và bế tắc hơn bao giờ hết.
 
Một dự án phi lợi nhuận đã được thực hiện trong những ngày cuối năm là một phần trong các nỗ lực nhằm tăng cường sức chống chịu cùng khả năng phục hồi kinh tế-xã hội để họ-những người lao động di cư bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có được một cái Tết đủ đầy, sung túc hơn.
 
Để ai cũng có Tết
 
Làn sóng dịch Covid-19 thứ tư tràn qua khiến cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Những nhà máy buộc phải đóng cửa. Công nhân, người lao động lao đao trước đại dịch, buộc lòng phải trở về nương tựa quê hương. Đã có khoảng 10.000 lao động từ các tỉnh, thành phố khác trở về Quảng Bình sau những cuộc di cư xuôi ngược đó. Thế nhưng, về quê làm gì để mưu sinh-trở thành nỗi trăn trở của hàng nghìn lao động. Đó cũng chính là áp lực và thách thức không nhỏ về kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
 
Thông qua khoản viện trợ khẩn cấp, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) hướng tới tăng cường khả năng ứng phó với đại dịch Covid-19 tại tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Bình, đồng thời cung cấp các gói hỗ trợ khẩn cấp cho những người di cư trở về quê. Những ngày đầu năm 2022, các cán bộ của IOM cùng Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã tổ chức nhiều buổi tư vấn định hướng về di cư an toàn và cơ hội việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch. Các buổi tư vấn được tổ chức ở những địa phương có đông người lao động trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam. Trong những buổi gặp gỡ, người lao động đã được nghe nhiều ý kiến tư vấn tâm huyết để giúp họ có được những định hướng nghề nghiệp trước mắt, giảm bớt trăn trở, áp lực mưu sinh ngay tại quê nhà.
 
Cùng với định hướng, tư vấn nghề nghiệp, dự án đã có các gói hỗ trợ khẩn cấp cho các đối tượng trở về từ vùng dịch đang gặp khó khăn, chưa có việc làm và thu nhập thấp. Gói hỗ trợ này ưu tiên cho những lao động chưa được nhận hỗ trợ từ các gói chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP hoặc chưa nhận khoản hỗ trợ từ Ủy ban MTTQVN tỉnh trong đợt dịch vừa qua. Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người. Quà rà soát, sẽ có 1.020 lao động từ 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh được nhận hỗ trợ lần này. Trong đó, đông nhất là huyện Quảng Trạch với 235 người, Lệ Thủy 180 người, Quảng Ninh 85 người, Tuyên Hóa 90 người, Minh Hóa 100 người, TX. Ba Đồn 115 người, Bố Trạch 85 người và TP. Đồng Hới 15 người.
 
Theo bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, trong kế hoạch, việc hỗ trợ này sẽ được triển khai từ 20/11/2021 đến 25/2/2022. “Tuy nhiên, vì hiểu được những khó khăn mà người lao động đang trải qua, nhất là khi Tết Nhâm Dần 2022 đang cận kề, chúng tôi gấp rút trao các gói hỗ trợ và bảo đảm hoàn thành trước Tết Nguyên đán để góp phần giúp người lao động có được một cái Tết an vui”, bà Lan cho biết.
 
Trên chiếc xe máy cũ, chị Bùi Thị Tuyết (xã Tây Trạch, Bố Trạch) cùng chồng vượt quãng đường hơn 1.000km rời khỏi Bình Dương về quê hương. Bởi khi ấy, dịch bệnh bùng phát, mọi cánh cửa mưu sinh nơi đất khách dường như đã đóng khép lại nhưng áp lực kinh tế vẫn đè nặng lên vai đôi vợ chồng trẻ. Về quê, không nghề nghiệp ổn định, cuộc sống của họ thêm muôn vàn khó khăn. Tham gia lớp hướng nghiệp và nhận thêm khoản trợ cấp 1 triệu đồng, chị Tuyết xúc động chia sẻ: “Dù chưa biết sẽ bắt đầu cụ thể như thế nào nhưng sau khi được tư vấn, hỗ trợ, vợ chồng tôi cũng thấy đỡ áp lực hơn và có thể lạc quan nghĩ về con đường phía trước”.
Tư vấn định hướng về di cư an toàn và việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch.
Tư vấn định hướng về di cư an toàn và việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch.

 Giảm áp lực cho lực lượng tuyến đầu

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Quảng Bình đã có hơn 4.600 ca nhiễm Covid-19. Việc người lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về ồ ạt trong suốt thời gian qua cũng tạo ra những áp lực vô cùng lớn cho công tác cách ly, phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu.
 
Với sự hỗ trợ tài chính từ KOICA, IOM đã cung cấp các trang thiết bị y tế hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho các lực lượng này của Quảng Bình. Ngoài các đồ dùng thiết yếu, IOM còn hỗ trợ các thiết bị y tế phục vụ công tác chống dịch, như: Máy đo nồng độ oxy trong máu SP02, phòng rửa tay lưu động ngoài trời… với tổng trị giá hơn 900 triệu đồng. IOM đã trực tiếp trao tận tay các trang thiết bị y tế cho các khu cách ly y tế thuộc Sở LĐ-TB-XH, cùng Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh.
 
“Đợt tái bùng phát dịch lần này đã đặt ra một thách thức lớn, đặc biệt là cho các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Bình, trong công tác kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh cũng như tiếp nhận hàng nghìn người trở về một cách an toàn. Chúng tôi hiểu được những áp lực mà chính quyền, các sở, ban, ngành liên quan của Quảng Bình và cũng đánh giá được những vất vả của người lao động trở về quê trong việc mưu sinh, tìm kiếm cơ hội việc làm. Chính vì vậy, thông qua sự hỗ trợ của KOICA, IOM mong muốn tăng cường năng lực của các địa phương trong việc ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19 và bảo vệ người di cư trong tình trạng dễ bị tổn thương. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Quảng Bình trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh này”, bà Yun Doyen, Trưởng bộ phận Dự án và quan hệ đối tác, IOM khẳng định.
 
Tết Nguyên đán 2022 sắp sửa đến gần. Trở về quê sau những vất vả nơi đất khách, những người lao động nghèo vẫn trăn trở cho con đường mưu sinh phía trước. Nhưng, một khi được hỗ trợ, sẻ chia và định hướng, nẻo đường hồi hương của họ sẽ “ấm” hơn và vơi bớt đi những chông chênh.
Diệu Hương
 
 
 
 
 
 
 
 
 

tin liên quan

Mang xuân về bản

(QBĐT) - Không chỉ là một hoạt động đầy ý nghĩa với sự chung tay, góp sức của những tấm lòng hảo tâm, "Phiên chợ 0 đồng" thực sự là ngày hội của bà con nơi bản làng biên giới xã Lâm Thủy (Lệ Thủy). Ngắm những nụ cười hân hoan của con trẻ, gương mặt rạng ngời của mẹ cha khi xuống chợ và đào mai trong nắng, cảm giác mùa xuân đã thật sự về!

Trao trên 160 suất quà Tết cho các đối tượng yếu thế trong xã hội

(QBĐT) - Ngày 16/1, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)-Chi nhánh Quảng Bình đã tổ chức chương trình "Ấm tình mùa xuân" tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để trao quà Tết cho các đối tượng thiếu may mắn nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Đoàn khối CCQ tỉnh tổ chức chương trình "Xuân biên giới" năm 2022

(QBĐT) - Trong 2 ngày 15 và 16/1, Đoàn Khối các cơ quan (CCQ) tỉnh phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, huyện Minh Hóa và các đơn vị đồng hành tổ chức chương trình "Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản" năm 2022 tại Đồn Biên phòng Ra Mai, xã Trọng Hóa (Minh Hóa).