Trao yêu thương, nhận hạnh phúc
(QBĐT) - “Vẫn biết mình chỉ là hạt cát bé nhỏ trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, nhưng những ngày tham gia chống dịch là những trang nhật ký ý nghĩa, là hành trang quý giá cho sự trưởng thành của những người trẻ như chúng tôi”. Đó là tâm sự chung của những y bác sỹ, tình nguyện viên trẻ đã từng tham gia và “chia lửa” cùng tuyến đầu.
Hạnh phúc khi được sẻ chia
“Thực ra, khi xung phong vào TP. Hồ Chí Minh, mọi người cũng chưa hình dung hết công việc và tình hình thực tế nơi tâm dịch. Nhưng vào đến tâm dịch rồi, nhìn bệnh nhân, nghĩ đến gia đình họ, các y bác sỹ ai cũng sẵn sàng cống hiến, chiến đấu hết mình, chỉ mong nhanh hết dịch”, bác sỹ nội trú Hoàng Minh Hùng, Phó đoàn cán bộ Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CB ĐH) vào hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ với chúng tôi như vậy sau những ngày anh cùng đoàn công tác trở về từ TP. Hồ Chí Minh.
Với Hoàng Minh Hùng, hành trình thiện nguyện bắt đầu từ rất sớm, khi anh còn là sinh viên. Vinh dự là một trong số ít đảng viên được kết nạp tại A Roàng, A Lưới, Thừa Thiên-Huế khi còn ngồi trên giảng đường đại học, với Hùng, thiện nguyện là để được góp một chút sức mình vào cuộc sống, cho đi yêu thương để lan tỏa lòng tốt trong cộng đồng.
Tốt nghiệp và về nhận công tác tại Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện HNVN-CB ĐH, ngay khi có lời kêu gọi của Bộ Y tế về hỗ trợ nhân lực cho TP. Hồ Chí Minh chống dịch, Hoàng Minh Hùng đã lập tức làm đơn tình nguyện vào Nam. Hùng bảo, may mắn đầu tiên là khi chia sẻ về quyết định của mình, anh nhận được sự đồng ý và hậu thuẫn rất lớn từ gia đình nên hoàn toàn yên tâm lên đường cùng các đồng nghiệp.
Nơi bác sỹ Hoàng Minh Hùng và đoàn công tác làm nhiệm vụ là Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19, Bệnh viện Trung ương Huế (Bệnh viện dã chiến số 14). Đây là tuyến cuối trong bậc thang điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh với chức năng thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh nặng, nguy kịch và hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh trong khu vực được phân công. Giành giật sự sống cho từng bệnh nhân với cường độ làm việc căng thẳng suốt 12 giờ đồng hồ/ngày, với bác sỹ Hoàng Minh Hùng và các thành viên trong đoàn tình nguyện, hạnh phúc, động lực để “chiến đấu” là khi bệnh nhân qua được cơn nguy kịch, có tiến triển tốt được chuyển dần qua thoát hồi sức và ra viện.
Cũng như bác sỹ Hoàng Minh Hùng, từ nhiều tháng nay, anh Trương Thiện Linh (thị trấn Quán Hàu, Quảng Ninh) đã tình nguyện cùng lực lượng y tế huyện Quảng Ninh "chia lửa" cùng tuyến đầu chống dịch. Trương Thiện Linh chia sẻ, anh hiện đang là sinh viên năm thứ 4, Khoa Luật, Trường đại học Khoa học Huế. Dịp 30-4, Linh về quê nghỉ lễ rồi “kẹt” luôn, không thể vào lại trường vì bùng phát dịch Covid-19.
Thời điểm Quảng Bình ghi nhận ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên trong cộng đồng, công tác truy vết các trường hợp liên quan đến F0, F1, xét nghiệm trên diện rộng các vùng nguy cơ yêu cầu được triển khai khẩn trương, đòi hỏi sự huy động lớn về nhân lực y tế. Ngay khi nắm bắt thông tin kêu gọi tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch thông qua Huyện đoàn Quảng Ninh, Trương Thiện Linh đã viết đơn tình nguyện đăng ký tham gia vào các tổ phản ứng nhanh, chung sức cùng lực lượng y tế huyện Quảng Ninh khẩn trương test nhanh trên diện rộng.
Tham gia chống dịch, Linh và các bạn trong đội sẵn sàng làm bất cứ việc gì được giao phó, từ gác chốt, chuẩn bị các khu cách ly, kêu gọi hỗ trợ lương thực, hỗ trợ test nhanh, tiêm vắc-xin… "Tôi sử dụng 100% sức lực, tham gia chống dịch hết mình đến khi nào hết dịch... thì thôi", Trương Thiện Linh cười hiền.
Hẹn gặp nhau khi dịch bệnh được đẩy lùi
Anh Đặng Đại Bàng, Bí thư Tỉnh đoàn chia sẻ: Thiết thực hỗ trợ người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, Tỉnh đoàn đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình ý nghĩa như: “San sẻ yêu thương-Vượt qua đại dịch”, kêu gọi hỗ trợ tiền mặt và nhiều nhu yếu phẩm để trao tặng bữa ăn sáng tại các điểm cách ly tập trung ở TP. Hồ Chí Minh.
Các cấp bộ đoàn như: Huyện đoàn Quảng Trạch tổ chức chương trình vẽ tranh trên đá; Huyện đoàn Lệ Thủy tổ chức hoạt động rửa xe gây quỹ ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19; Huyện đoàn Minh Hóa tổ chức chương trình “Ly nước nghĩa tình-Hướng về TP. Hồ Chí Minh"..., góp sức trẻ vào cuộc chiến chống dịch...
Toàn tỉnh thành lập 340 đội hình thanh niên với 2.040 tình nguyện viên tham gia các hoạt động hỗ trợ, phòng chống dịch. Hàng trăm đoàn viên, thanh niên các đơn vị Đoàn Khối các cơ quan tỉnh, Đoàn trường đại học Quảng Bình, Thành đoàn Đồng Hới, Huyện đoàn Quảng Ninh tham gia hỗ trợ tiếp nhận cuộc gọi đường dây nóng để kịp thời giúp đỡ bà con, học sinh, sinh viên tại các tỉnh, thành phố phía Nam bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.
Chị Đậu Thị Thanh Trà, Chi đoàn Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Quảng Bình chia sẻ: Được tham gia chuẩn bị các suất ăn cho khu cách ly tập trung và đặc biệt là tham gia trực Tổng đài 18008073, chung tay hỗ trợ đón công dân về quê là trải nghiệm không thể quên trong khoảng thời gian chị tham gia tình nguyện.
Chị Trà tâm sự, khi có các cuộc gọi cần hỗ trợ, các thành viên trực tiếp tiếp nhận, xử lý thông tin. Nhiều hôm xung phong trực đêm đến 24 giờ, chị đã kết nối được nhiều trường hợp người Quảng Bình ở miền Nam; trong số họ, phần đông đang ở trong các khu cách ly, khu phong tỏa và rất nhiều người là lao động ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
Cẩn thận nắm thông tin và giải thích cặn kẽ cho bà con, chị Trà và các tình nguyện viên trực tổng đài đã kết nối cho rất nhiều trường hợp được hỗ trợ an sinh xã hội và bà con Quảng Bình có nguyện vọng về quê. Và với chị Đậu Thị Thanh Trà, hạnh phúc là từ những cuộc điện thoại nơi tâm dịch, chị có thêm nhiều người bạn mới. Họ hẹn gặp nhau khi dịch Covid-19 được đẩy lùi...
Mỗi một việc làm từ lực lượng tình nguyện viên, dù lớn, dù nhỏ cũng sẽ góp phần lan tỏa những hình ảnh đẹp, câu chuyện đẹp đến cộng đồng. Qua mỗi hành trình thiện nguyện, sự sẻ chia từ tấm lòng sẽ được nhận lại niềm vui, niềm hạnh phúc. |
Thanh Hải
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.