Đợi mãi anh không về

  • 09:18 | Thứ Hai, 01/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - A1-B2 vào nhà này và nhà này!
 
- A2-B3 vào nhà này, nhà này và nhà này nữa!
 
Đó là những câu lệnh quen thuộc của các cán bộ trạm giao liên. Những âm thanh rõ ràng, dứt khoát, xen lẫn với tiếng bước chân rầm rập của bộ đội, tiếng chó sủa râm ran, ánh đèn pin loang loáng, vẫn xảy ra hàng đêm trên mỗi đường làng, ngõ xóm quê tôi ngày ấy.
 
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, một trạm giao liên được thiết lập tại xã Quảng Thuận (Quảng Trạch), nơi có con phà Gianh vừa đi qua những ngày đầy đạn bom và máu. Đây là trạm giao liên bình yên cuối cùng của miền Bắc có Quốc lộ 1 đi qua. Để rồi sau đó, những đoàn quân ngày đêm lặng lẽ, rẽ vào con đường 20, dọc theo đường Hồ Chí Minh huyền thoại, tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
 
Quê tôi bấy giờ nghèo lắm. Đa số nhà tranh vách đất, chõng tre. Chỉ được dăm ba ngôi nhà ngói, giường gỗ của ngày xưa để lại, nhà tôi may mắn là một trong số đó. Tuy nhiên, diện tích ngôi nhà cũng chỉ khoảng 50m2, đủ để tám người sinh sống trong không gian chật hẹp. Tuy vậy, ai cũng luôn sẵn sàng nhường những chiếc giường, chõng tre cho bộ đội, còn mình trải chiếu xuống nền nhà.
 
Những đoàn quân lặng lẽ đến rồi lại đi khi màn đêm buông xuống. Thường là họ nghỉ lại một ngày đêm, nhưng cũng có khi đến rồi đi trong đêm. Người dân quê tôi, ngày lo kế sinh nhai, đêm lại tất bật thao thức cùng bộ đội. Thời gian gặp nhau tuy rất ngắn, nhưng luôn có những hình ảnh đẹp của tình quân dân. Và đã có những mối tình vội vã xảy ra. Dẫu biết trước, nhưng những thôn nữ ấy vẫn sẵn sàng hiến dâng cho tình yêu một đi không trở lại. Để rồi, sau giải phóng miền Nam, có những cuộc đợi chờ trong nước mắt. Không chỉ là cuộc đợi chờ đôi lứa, mà còn có cả sự đợi chờ thơ trẻ như tôi.
 
Lúc này, tôi đang học lớp một. Đêm nào cũng vậy, sau khi ôn bài xong, tôi lại ngồi nghe đài cùng ba và ngóng chờ bộ đội. Ngày nào cũng có bộ đội ở, nhưng hễ vắng một lúc là tôi thấy nhớ. Với tôi, không cần biết tên, chỉ cần thấy, gọi “Chú bộ đội” là trào dâng cảm xúc. Có những đêm chờ đến khuya, vẫn chưa thấy bộ đội về, tôi phải đi ngủ trong thắc thỏm.
 
Thế nhưng, khi những âm thanh quen thuộc rộ lên, tôi đã bừng tỉnh, sẵn sàng cùng gia đình đón bộ đội. Sẵn sàng trải chiếu nằm xuống đất, chứ không cần bắt ba phải bế xuống như các em. Thường là xảy ra một cuộc “tranh cãi” giữa bộ đội và gia đình, bởi ai cũng “muốn” nằm giữa đất. Tuy nhiên, “phần thắng” vẫn thuộc về nước mắt của những bà mẹ, khi họ vừa khóc vừa nói rằng: “Đây là bữa được nằm giường, chõng cuối cùng của các con, em ở miền Bắc”.
Minh họa: Minh Quý
                                                                                          Minh họa: Minh Quý
Có đêm bộ đội về đông quá, nhà tôi phải đón cả tiểu đội 12 người. Bà tôi do lưng còng, nên chưa bao giờ được phép nhường giường cho bộ đội. Nhưng đêm ấy thì không. Bà tôi nói: “Xin các con hãy cho mạ được một lần góp công đánh giặc”. Chú tiểu đội trưởng đã ôm bà khóc, hôn lên vầng trán nhăn nheo.
 
Có lẽ với tôi, cũng chỉ là những kỷ niệm như thế, nếu không có một sự kiện đặc biệt. Hai giờ sáng 30 Tết Giáp Dần (1974), một đơn vị bộ đội đến và phong thanh rằng, được ở lại ăn Tết cùng dân. Tôi bán tín bán nghi đầy hồi hộp. Nhưng rồi, bộ đội ở lại đón giao thừa thật.
 
Ba tôi thường không nổ pháo giao thừa mà để dành sáng mồng một. Nhưng hôm nay thì phá lệ vì có bộ đội. Sau tiếng pháo râm ran xóm làng, các chú bộ đội dọn kẹo, bích quy mời cả nhà ăn Tết. Tôi chú ý đến một chú rất trẻ. Chú ít nói và ăn cũng rất ít, thỉnh thoảng đi ra ngoài một lúc, trở vào mắt đỏ hoe. Một lần tôi rón rén đi theo và kịp nghe chú thổn thức: “Mẹ ơi, con nhớ mẹ quá!” rồi lau nước mắt quay vào.
 
Hành động của chú làm cả nhà tôi quan tâm. Chú tiểu đội trưởng biết ý giới thiệu: “Thưa với gia đình, đây là đồng chí Thắng, chưa đầy 17 tuổi, nhưng viết đơn bằng máu xin được đi Bê đánh giặc”. Bà tôi ôm chú Thắng khóc, vỗ vỗ vào lưng: “Mẹ đây, mẹ đây!”. Còn tôi nằng nặc xin được ngủ cùng chú Thắng. Đêm hôm đó, chúng tôi trải chiếu một góc nhà và không ngủ. Chú Thắng năn nỉ, đừng gọi bằng chú nữa, hãy gọi bằng anh đi! Anh Thắng kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của gia đình mình. Giọng anh rất khó nghe, thỉnh thoảng tôi phải hỏi lại.
 
Anh Thắng quê ở Hải Hậu, Nam Định. Anh nói, làng anh làm nghề biển, người dân vùng biển nói khó nghe hơn vùng làm ruộng. Anh mồ côi cha trong một chuyến đi biển mất tích. Anh là con trai duy nhất với ba chị gái. Các chị đã có gia đình riêng. Làng anh, nhà nào cũng có con trai đi bộ đội, có nhà hai, ba người. Chỉ nhà anh là chưa có. Anh biết, dù có đủ tuổi, thì cũng không ai cho đi bộ đội. Bởi vậy, rất nhiều đêm anh tâm sự với mẹ, mong mẹ cho đi đánh giặc. Anh hứa với mẹ là sẽ trở về nguyên vẹn.
 
Rồi anh làm đơn, ký tên bằng máu. Sau bao nhiêu lần lên huyện xuống xã, cuối cùng anh cũng được chấp thuận. Anh Thắng cho tôi xem lá đơn của mình, tôi chất vấn sao không thấy máu? Anh giải thích, đây là bản nháp, chỉ có hai bản ký bằng máu, một bản gửi chính quyền, một mẹ anh giữ. Tờ đơn viết dài, nhưng đến nay tôi vẫn nhớ một câu: “…“Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” không chỉ là nhiệm vụ riêng của người trên 18 tuổi…”.
 
Thật vui khi nghe nói bộ đội ở lại hết Tết mới đi. Suốt cả ngày mồng một, mặc ai chơi đâu, làm gì, tôi với anh Thắng cứ quanh quẩn bên nhau. Anh tặng tôi một quyển sổ mới. Anh Thắng rất có năng khiếu, anh viết lên sổ mấy chữ KỶ NIỆM SÔNG GIANH 1974 bằng chữ bóng lồng rất đẹp. Rồi anh viết tặng tôi rất nhiều bài hát, nào là: “Bức thư viết dở”, “Đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần” rồi “Bài ca về đường 9”. Anh còn tập hát cho tôi: “Đường 9 ơi đường 9, bên kia bờ Vĩnh Linh, hậu phương lớn, đang hướng về tiền tuyến. Vững tin ngày chiến thắng không xa, cùng hát lên bài ca, đường 9 anh hùng…”. Anh tặng tôi cái tờ đơn tình nguyện, bảo tôi cất giữ cùng quyển sổ thật kỹ và hãy đợi anh, anh sẽ trở về chép thêm nhiều bài hát. Thỉnh thoảng, anh bất ngờ úp mặt khóc, rồi lại rắn rỏi ngay. Anh dặn tôi, không được nói với ai là anh nhớ mẹ.
 
Sáng mồng 2 Tết, tôi tỉnh dậy, không thấy anh Thắng ngủ với mình nữa. Tôi òa khóc nức nở, chạy tìm anh hết bờ sang bụi. Bà tôi ôm tôi nói: “Chú Thắng đi khi bốn giờ sáng. Chú Thắng nói để cho cháu ngủ, kẻo cháu khóc, chú không đi nổi”. Tôi ai oán một lúc rồi chợt tỉnh, anh Thắng còn bận đi đánh giặc, nên không trách nữa. Tôi thương anh Thắng vô cùng.
 
Sau Tết Ất Mão (1975), tin chiến thắng miền Nam dồn dập. Cái “Đài Tiếng nói Việt Nam” nho nhỏ của ba tôi mở hết công suất cả ngày. Đài ba pin mà có khi gộp cả sáu viên pin chảy nước mới nghe được. Xóm làng tập trung nghe hồ hởi vỗ tay, có khi lại sụt sịt khóc. Tin chiến thắng Buôn Ma Thuột, Huế-Đà Nẵng, Long Khánh, Đồng Nai nức lòng mọi người.
 
Giữa lúc đó, có một chú thương binh ra Bắc, ghé thăm nhà bên hồi trước chú ở. Tôi càng khao khát được gặp lại anh Thắng. Tôi chen vào hỏi: “Chú có gặp anh Thắng của cháu không?”. Chú vuốt tóc tôi: “Yên tâm, anh Thắng của cháu ít bữa nữa sẽ về như chú”.
Ngày 30/4 thống nhất Tổ quốc. Nam-Bắc ruột thịt gặp nhau. Bộ đội về làng kẻ còn khóc người mất. Trạm giao liên đã giải thể từ lâu. Nhưng tôi ngày ngày ôm quyển sổ ra tận bờ đê ngóng chờ anh Thắng. Anh đã hứa rồi mà, sao không về được. Đứa bé mười tuổi trong tôi tin như thế…
 
Cho đến hôm nay, đứa bé ấy đã vào tuổi sáu mươi. Quyển sổ và tờ đơn đã bị mất trong một trận lũ lớn. Nhưng nỗi nhớ anh Thắng với lời hứa sẽ về, vẫn còn tươi mới. Gần năm mươi năm, đợi mãi anh không về? Nhưng tôi tin, anh vẫn còn đâu đó giữa hồn thiêng sông núi!
 
     Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

Trong "ánh chớp lửa đạn"

(QBĐT) - "Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn" là cuốn sách ảnh của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng do NXB Thông tấn ấn hành.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(QBĐT) - Nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Minh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. 

Hội làng truyền thống dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

(QBĐT) - Trong 2 ngày 28-29/4 (tức mồng 9 và 10/3 âm lịch), làng Thổ Ngọa và Thuận Bài, phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn tổ chức lễ hội làng truyền thống nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương của dân tộc.