"Hồi sinh" làng hát Kiều Quảng Kim

  • 07:37 | Thứ Bảy, 29/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dưới chân dãy Hoành Sơn hùng vĩ, có một xã bao đời nay vẫn còn lưu giữ nghệ thuật truyền thống hát Kiều. Mặc dù số lượng người còn biết hát Kiều không nhiều, nhưng nỗ lực gìn giữ bộ môn nghệ thuật này của người dân cùng chính quyền xã Quảng Kim (Quảng Trạch) đang là tín hiệu mừng để “hồi sinh” di sản văn hóa phi vật thể này.
 
Nói đến hát Kiều, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên và đặt câu hỏi cho sự ra đời của loại hình nghệ thuật đặc biệt này trên vùng đất Quảng Kim. Nếu nhìn ra các địa phương lân cận trong tỉnh, hát Kiều không phải là loại hình nghệ thuật phổ biến ở vùng đất Quảng Trạch và Quảng Bình. Bởi vậy mà sự ra đời của loại hình nghệ thuật này ở xã Quảng Kim như sự bí ẩn, gây tò mò với nhiều người.
 
Theo những cao niên trong làng, hát Kiều Quảng Kim đã có từ rất lâu đời. Khi các cụ lớn lên vào khoảng năm 1930-1937 thì đã có hát Kiều. Các cụ cũng được ông bà, cha mẹ kể lại, hát Kiều đã xuất hiện thời gian trước đó, được mọi người lưu truyền từ thế hệ này sang các thế hệ khác.
 
Trước đây, xã có một câu lạc bộ (CLB) hát Kiều với 25 thành viên, gồm các cụ cao niên có cùng sở thích hát Kiều trong làng. CLB này do ông Đặng Văn Đôn và ông Từ Xuân Ấn lập ra. Sau thời gian hoạt động, do các cụ tuổi đã cao nên sinh hoạt của CLB không còn được tiếp tục duy trì như trước. Bẵng đi thời gian dài, tưởng chừng loại hình nghệ thuật này sẽ dần bị mai một và rơi vào quên lãng bởi thế hệ kế cận không nhiều người biết và đam mê về nó. Tuy nhiên, năm 2022, một CLB hát Kiều Quảng Kim mới được ra đời. CLB gồm có 6 thành viên và do ông Từ Ngọc Hoàng tập hợp. Đây đều là những người có niềm đam mê và mong muốn bảo tồn loại hình nghệ thuật hát Kiều.
 
Ông Từ Ngọc Hoàng năm nay 61 tuổi, là cán bộ Mặt trận xã đã về hưu. Nói về sự bén duyên với hát Kiều, ông Hoàng kể: “Lúc tôi mới lên 8 lên 10, phong trào hát Kiều trong làng lúc đó đang sôi nổi và thịnh hành. Làng có đoàn hát thường xuyên biểu diễn vào các tối. Khi có biểu diễn hát Kiều, lũ trẻ chúng tôi thường rủ nhau đi xem đến tận tối khuya. Những lời hát, trang phục và các nhân vật trong hát Kiều đã trở thành ký ức, niềm đam mê của tôi từ những ngày đó. Lớn lên, do chiến tranh, phong trào hát Kiều của làng dần tạm lắng. Số người biết về hát Kiều cũng dần ít đi”.
Hát Kiều Quảng Kim đang được người dân nỗ lực bảo tồn.
Hát Kiều Quảng Kim đang được người dân nỗ lực bảo tồn.

Hiện tại, các cao niên của làng biết về hát Kiều như cụ Đôn cũng bước qua tuổi 90. Lo lắng nghệ thuật hát Kiều sẽ bị mai một và thất truyền, sau khi nghỉ hưu, có nhiều thời gian, ông Hoàng đã cần mẫn sưu tầm các tài liệu hát Kiều ở các cụ cao niên trong làng. May mắn, những tài liệu về hát Kiều đều được các cụ giữ gìn cẩn thận.

Khi đã sưu tầm được các lời hát, ông tiếp tục kêu gọi những người có chung niềm đam mê về hát Kiều để tập hợp lại thành CLB hát Kiều Quảng Kim. “CLB tập hợp đủ thành phần, mọi ngành nghề. Có cả những người là nông dân, trưởng thôn và cán bộ Mặt trận xã. Dù công việc bận rộn nhưng mọi người đều chăm chỉ, nhiệt tình tham gia luyện tập”, ông Hoàng chia sẻ.

Mặc dù chỉ học qua cách biểu diễn của những thế hệ đi trước, nhưng với niềm đam mê với nghệ thuật hát Kiều, những thành viên trong CLB hát Kiều Quảng Kim đã bắt kịp nhanh và hăng say tập luyện.
 
Chị Hoàng Thị Thành, công chức Văn hóa-Xã hội, UBND xã Quảng Kim cho biết: Trải qua một thời gian dài, hát Kiều của địa phương đang có nguy cơ bị lãng quên. Để không làm mai một nét văn hóa độc đáo này, thời gian qua, chính quyền xã đã có kế hoạch khôi phục nghệ thuật hát Kiều. Xã đã vận động, khuyến khích những người có niềm đam mê, hiểu biết về hát Kiều thành lập CLB để thường xuyên biểu diễn cho người dân hiểu hơn về giá trị di sản văn hóa phi vật thể này.
 
Vừa qua, hát Kiều Quảng Kim đã được Sở Văn hóa-Thể thao và Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) thẩm định xem xét công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là tín hiệu mừng đối với người dân Quảng Kim khi giá trị văn hóa nghệ thuật hát Kiều có cơ hội được bảo tồn và phát huy.
 
Cuộc sống người dân bên mái Hoành Sơn dẫu còn bộn bề vất vả, khó khăn nhưng vẫn không ngăn được niềm đam mê nghệ thuật hát Kiều của mỗi thế hệ người dân Quảng Kim. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử nhưng khát khao giữ gìn văn hóa truyền thống hát Kiều vẫn luôn được người dân Quảng Kim ý thức và gìn giữ. Bởi họ hiểu rằng lưu giữ hát Kiều là lưu giữ linh hồn, cốt cách của người dân Quảng Kim.
 
“Mong muốn của thế hệ chúng tôi bây giờ là các thành viên trong CLB sẽ có sức khỏe để thường xuyên duy trì và tổ chức các buổi biểu diễn để tuyên truyền cho thế hệ trẻ về loại hình nghệ thuật đặc biệt hát Kiều Quảng Kim. Hy vọng, hát Kiều sẽ được thế hệ trẻ đón nhận yêu thích và kế cận để tiếp tục bảo tồn và không bị mai một, biến mất”, ông Từ Ngọc Hoàng, Chủ nhiệm CLB hát Kiều Quảng Kim tâm sự.
Đ.N

tin liên quan

Quảng Bình vọng về đất Tổ

(QBĐT) - "Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng 3", câu ca dao từ ngàn xưa ấy đã in sâu trong tiềm thức của mỗi người dân đất Việt. Đất Tổ luôn trở thành nơi mong đến chốn mong về của con Lạc cháu Hồng mỗi lần đất trời giao hòa, bước vào tháng ba linh thiêng. Các thế hệ người dân Quảng Bình luôn vọng nhớ về đất Tổ, nơi khai sinh ra nước Việt,  với niềm tin chân thành, sâu lắng nhất...

TP. Đồng Hới: Nét văn hóa đặc trưng lễ hội chèo cạn-múa bông

(QBĐT) - Tối 28/4, tại Quảng trường biển Bảo Ninh, TP. Đồng Hới tổ chức lễ hội chèo cạn-múa bông, đây là một trong những nội dung chuỗi hoạt động "Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới năm 2023".

TP. Đồng Hới: Tưng bừng lễ hội đường phố

(QBĐT) - Chiều tối 28/4, TP. Đồng Hới tổ chức lễ hội đường phố với màn diễu hành và nhiều tiết mục nghệ thuật độc đáo.