Chào mừng Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội rằm tháng ba Minh Hóa năm 2023

Tháng ba... đi trẩy hội rằm!

  • 07:39 | Thứ Bảy, 29/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cũng như bao hội truyền thống khác, Hội rằm tháng ba Minh Hóa đã trở thành “hồn cốt” của mỗi người dân Minh Hóa. Cứ vào dịp tháng ba âm lịch, người Minh Hóa dù ở đâu, làm gì khắp mọi miền Tổ quốc đều hò hẹn nhau về quê trẩy hội. “Thà rằng đau ốm mà nằm/Không ai mà bỏ chợ rằm tháng ba”.
 
Từ TP. Hồ Chí Minh, anh Cao Văn Dương (xã Trung Hóa, Minh Hóa), giảng viên Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng cho biết: Ở TP. Hồ Chí Minh hiện tại có khoảng 200 con em gốc người Minh Hóa đang sinh sống, học tập, công tác. Mỗi dịp rằm tháng ba cận kề lại, anh em lại tổ chức gặp mặt, hò hẹn nhau cùng về quê trẩy hội. Ai không về được thì hướng đến cội nguồn bằng một bữa cơm sum vầy, cũng đầy đủ các món ăn truyền thống từ quê nhà gửi vào, có bồi, cá khe, ốc đực, rau tớn...
 
Anh Đinh Đức Long (xã Xuân Hóa, Minh Hóa), phóng viên báo điện tử Dân Trí thường trú tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Những ngày đầu tháng ba âm lịch, mẹ tôi không ít lần điện thoại thúc giục: “Rằm ni con có về không? Năm ni, hội rằm tổ chức to lắm!”. Nghe mẹ nói, những ký ức tuổi thơ lại dội về. Tuổi thơ tôi cũng như bao người dân Minh Hóa, cứ mong tháng ba mau đến. Là mùa con ong đi lấy mật, mùa ốc đực sinh sôi, mùa của những trái vải vườn chín đỏ và mùa của lễ hội, của đôi lứa tình tự. Nhớ lắm mâm cơm rằm tháng ba, đại gia đình quây quần bên nhau cùng làm mâm cơm rằm dâng lên ông bà, tổ tiên với những món ăn dân dã, riêng có của người Nguồn Minh Hóa: Bồi, ốc đực, rau tớn, măng rừng, thịt kho giả cầy...”.
 
Gần 10 năm lập nghiệp xa nhà, anh Đinh Đức Long ít có dịp trở về vui Hội rằm tháng ba. “Cứ nghe bạn bè, người thân náo nức hẹn nhau về hội rằm, người cứ nôn nao. Lòng hẹn lòng một ngày gần nhất sẽ về. Về để tận hưởng điệu hò thuốc “Hôi lên... là hôi lên!”, cầm trên tay miếng bồi, con ốc đực và tận hưởng cái mùi cỏ cháy của những trận bóng đá, bóng chuyền trong mùa lễ hội...”, anh Long bày tỏ.
Các trò chơi dân gian tại hội rằm tháng Ba
Các trò chơi dân gian tại Hội rằm tháng na.
Chị Cao Thị Hoài Nam (thị trấn Quy Đạt, Minh Hóa), hiện tại là giáo viên Trường mầm non Đồng Phú (TP. Đồng Hới) kể: “Ngày còn nhỏ, mỗi dịp rằm tháng ba về, lũ trẻ con chúng tôi vô cùng sung sướng, hạnh phúc. Gia đình tôi có bốn chị em gái, kinh tế thuần nông, cuộc sống còn khó khăn thiếu thốn trăm bề nên được bố mẹ cho tiền tiêu vặt là một điều rất hiếm với chị em chúng tôi. Thế nhưng, mỗi dịp hội rằm, bố luôn cho mỗi người mười nghìn đồng. Thời đó, mười nghìn đồng là cả một “gia tài”, có thể mua được bao nhiêu món ăn ngon mình thích tại chợ Quy Đạt”.
 
Giờ đây, bốn chị em Cao Thị Hoài Nam mỗi người mỗi ngã trên con đường lập thân, lập nghiệp, nhưng cứ đến rằm tháng ba lại trở về đoàn viên với bố mẹ. Về để hưởng cái không khí nhộn nhịp, rộn ràng mùa lễ hội. Về để được nghe điệu hò thuốc: “Hôi lên... là hôi lên...”. Về quây quần bên mâm cơm cùng bố mẹ với những món ăn dân dã đậm chất người Nguồn. Vì với người Minh Hóa, rằm tháng ba còn là “Tết sum vầy”, “Tết đoàn viên”.
 
Ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa kể: Về nguồn gốc Hội rằm tháng ba Minh Hóa gắn liền với sự tích lèn ông Ngoi, thác Bụt mà bất kỳ một người dân Minh Hóa nào đều thuộc nằm lòng. Theo thời gian, Hội rằm tháng ba phát triển rộng ra cả về quy mô và không gian văn hóa gắn liền với bản sắc văn hóa, các trò chơi dân gian, câu hát, điệu hò đặc trưng của người Nguồn.
 
Mỗi dịp vào lễ hội, người Minh Hóa lại mời gọi tha thiết như thế này, thì ai nỡ lòng không tham gia trẩy hội: “Ai lên Minh Hóa quê mình/Chè xanh, mật ngọt, thắm tình quê hương”. Hay như câu cửa miệng của người Minh Hóa: “Thà rằng đau ốm mà nằm/Không ai mà bỏ chợ rằm tháng ba”, “Chợ tình đôi lứa cùng nhau/Xe duyên chồng vợ tình sâu mặn nồng”...
 
“Cũng chính vì những nét đặc trưng “riêng có” của Hội rằm tháng ba Minh Hóa mà giờ đây cứ đến hẹn, người Minh Hóa bốn phương lại trở về. Ai không về được thì nao nao chạnh lòng: “Tháng ba nhớ hội chợ rằm/Nhớ câu đúm ví đêm nằm không yên/Nhớ câu hò thuốc hôi lên/Nhớ hồ Yên Phú, giếng Tiên, Giăng Màn/Thác Mơ, thác Bụt, Tú Làn/Bạn quen đến hẹn ngập tràn niềm vui”, ông Đinh Xuân Đình chia sẻ.
 
Thanh Long
 
Chương trình Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội rằm tháng ba Minh Hóa 
(Từ ngày 29/4-4/5/2023)
 
1. Ngày 29/4 (ngày 10/3 âm lịch):
 
+ Từ 7 giờ: Chung kết bóng đá nam; bóng chuyền hơi nữ.
 
2. Ngày 30/4 (ngày 11/3 âm lịch):
 
+ Từ 7 giờ: Thi kéo co và đẩy gậy.
 
3. Ngày 1/5 (ngày 12/3 âm lịch):
 
+ Từ 7 giờ: Khai mạc, thi đấu bóng chuyền nam, nữ.
 
+Từ 22 giờ: Chương trình “Vui trẩy hội”.
 
4. Ngày 2/5 (ngày 13/3 âm lịch):
 
+ Từ 7 giờ: Thi đấu bóng chuyền nam, nữ và cờ thẻ.
 
+ Từ 14 giờ: Các hoạt động ẩm thực, quảng bá du lịch và thả diều.
 
5. Ngày 3/5 (ngày 14/3 âm lịch):
 
+ Từ 7 giờ: Thi đấu bóng chuyền nam, nữ; thi đánh đu, bắn nỏ, cà kheo.
 
+ Từ 8 giờ: Lễ dâng hương tại thác Bụt.
 
+ Từ 16 giờ 30 phút: Gặp mặt thân mật đại biểu về tham dự lễ hội.
 
+ Từ 20 giờ: Chương trình khai hội và biểu diễn nghệ thuật (truyền hình trực tiếp trên sóng QBTV).
 
+ Từ 22 giờ: Đêm lửa trại.
 
6. Ngày 4/5 (ngày 15/3 âm lịch):
 
+ Từ 7 giờ: Chung kết bóng chuyền nam; Hội rằm truyền thống tại chợ Quy Đạt.

 

tin liên quan

Quảng Bình vọng về đất Tổ

(QBĐT) - "Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng 3", câu ca dao từ ngàn xưa ấy đã in sâu trong tiềm thức của mỗi người dân đất Việt. Đất Tổ luôn trở thành nơi mong đến chốn mong về của con Lạc cháu Hồng mỗi lần đất trời giao hòa, bước vào tháng ba linh thiêng. Các thế hệ người dân Quảng Bình luôn vọng nhớ về đất Tổ, nơi khai sinh ra nước Việt,  với niềm tin chân thành, sâu lắng nhất...

"Hồi sinh" làng hát Kiều Quảng Kim

(QBĐT) - Dưới chân dãy Hoành Sơn hùng vĩ, có một xã bao đời nay vẫn còn lưu giữ nghệ thuật truyền thống hát Kiều. 

TP. Đồng Hới: Tưng bừng lễ hội đường phố

(QBĐT) - Chiều tối 28/4, TP. Đồng Hới tổ chức lễ hội đường phố với màn diễu hành và nhiều tiết mục nghệ thuật độc đáo.