Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Trong "ánh chớp lửa đạn"

  • 06:27 | Chủ Nhật, 30/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn” là cuốn sách ảnh của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA), liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng do NXB Thông tấn ấn hành. Trong cuốn sách ảnh này, nhiều tên đất, tên người trên vùng đất lửa Quảng Bình cũng đã được tác giả “kể lại” bằng những khoảnh khắc lịch sử chân thật, khốc liệt nhưng rất đỗi hào hùng về một giai đoạn lịch sử không thể nào quên của dân tộc.
 
"Những cô gái biển giữ làng"
 
Trong cuốn sách ảnh “Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn”, những người biên soạn đã “ưu ái” dành nguyên 4 trang để dựng một phóng sự ảnh (PSA) kể về cuộc sống, chiến đấu của Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng. “Những cô gái giữ biển giữ làng” cũng là PSA duy nhất của tập sách ảnh này. Đây là những bức ảnh chân thật, sinh động, được nhà báo, NSNA Lương Nghĩa Dũng thực hiện năm 1967 ngay trên trận địa pháo 85 ly nòng dài của Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy.
 
Lời dẫn của PSA viết: “Đại đội dân quân nữ pháo binh Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) thành lập tháng 2/1967 từ 31 cô gái miền biển. Người trẻ nhất mới 17 tuổi, cao nhất 25 tuổi. Những cô gái vốn quen với ruộng đồng và chài lưới được học sử dụng những khẩu pháo hạng nặng để đánh tàu chiến, tàu biệt kích Mỹ thường xuyên xâm nhập, bảo vệ biển trời, làng xóm quê hương. Ngay từ trận đầu nổ súng, 3 lần khai hỏa là 3 lần tàu chiến Mỹ bốc cháy. Đối đầu với quân xâm lược, những cô gái hiền lành mang những cái tên bình dị như The, Gái, Sam, Đính… đã hóa thân thành những nữ anh hùng như truyền thống người Việt Nam “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh””.
 
PSA gồm 6 bức ảnh, trong đó có 3 bức ảnh “đặc tả” chân dung của những nữ chiến sĩ pháo binh đang chiến đấu trên trận địa. Đó là 3 “cô gái”: Ngô Thị The, phụ trách đại đội, cũng là người chỉ huy trận đánh đầu tiên bắn cháy tàu chiến Mỹ; Trần Thị Đính, pháo thủ số 3, người lao đạn nhanh nhất của đơn vị và Ngô Thị Hồng Sam, chiến sĩ quan trắc với dòng tâm sự: “Lúc đầu nhìn vào ống kính cứ loa lóa thế nào ấy; giờ thì chẳng chiếc tàu địch nào thoát khỏi mắt em!”.
 
Cũng trong PSA này, có một bức ảnh tập thể của những chiến sĩ nữ pháo binh Ngư Thủy đang họp bàn phương án chiến đấu. Dưới căn hầm dã chiến trên cát trắng của quê hương là những gương mặt thanh nữ cương nghị, rạng ngời khí chất anh hùng.
 
Ảnh “đinh” của phóng sự ảnh là bức ảnh: Nữ pháo binh Ngư Thủy, ghi lại khoảnh khắc các nữ pháo binh đang vươn nòng pháo 85 ly nhắm thẳng tàu chiến Mỹ nã đạn (đây cũng là 1 trong 5 bức ảnh trong bộ ảnh “Những khoảnh khắc để lại” của nhà báo, NSNA, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật-P.V).
 
Bức ảnh cuối cùng là cảnh một cột khói đen bốc cao trên biển với dòng chú thích: “Tàu chiến Mỹ do các nữ pháo binh Ngư Thủy bắn cháy trên vùng biển Quảng Bình. Đây cũng là hình ảnh duy nhất về tàu chiến Mỹ bốc cháy trên vùng vịnh Bắc Bộ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam”.
Những nữ pháo binh Ngư Thủy xúc động khi được xem lại một thời tuổi trẻ hào hùng của mình.
Những nữ pháo binh Ngư Thủy xúc động khi được xem lại một thời tuổi trẻ hào hùng của mình.
Tìm người, địa danh trong ảnh
 
“Bao nhiêu người có mặt trong những bức ảnh này sống qua cuộc chiến cho đến ngày hòa bình? Chắc không nhiều lắm! Nhưng có một điều, người chụp ảnh đã nằm lại chiến trường khi mới đi được nửa cuộc chiến”. Đó là những dòng ghi trên trang bìa của cuốn sách ảnh “Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn”.
 
56 năm sau ngày những bức ảnh trong PSA “Những cô gái giữ biển giữ làng” ra đời, tôi mang theo cuốn sách ảnh “Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn” trở lại xã Ngư Thủy để tìm gặp các cô gái anh hùng có mặt trong bộ ảnh này. Người chúng tôi tìm gặp đầu tiên là bà Trần Thị Hoanh, nguyên Đại đội trưởng Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy năm 1972 (trước đó là Đại đội trưởng Ngô Thị The), hiện đang bán một sạp bách hóa nhỏ ở cổng chợ Ngư Thủy.
 
Cầm cuốn sách ảnh trên tay, bà Hoanh chậm rãi lật từng trang và khi đến trang PSA “Những cô gái giữ biển giữ làng” thì dừng lại rất lâu. Và rồi, không kìm nén được cảm xúc, những giọt nước mắt xúc động đã lăn dài trên khuôn mặt của bà.
 
Hỏi về những người đồng đội, bà Hoanh cho biết, từ khi thành lập (năm 1967) cho đến khi giải thể (1976), Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy có tất cả 91 người. Đến thời điểm này, đã mất 17 người, còn sống 74 người. Trong đó, “3 cô gái” Ngô Thị The, Trần Thị Đính và Ngô Thị Hồng Sam thì hiện giờ chỉ có bà Sam còn khỏe mạnh, bà The bị tai biến nằm một chỗ từ 2 năm nay, còn bà Đính thì vừa mất năm ngoái.
 
Theo chân bà Hoanh, tôi đến thăm nhà bà Sam, ngôi nhà nằm sát bên khu tượng đài Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng. Cũng như những người đồng đội của mình, khi hết chiến tranh, bà Sam trở về với cuộc đời thường, tần tảo chắt chiu trên cát để mưu sinh. Cuộc sống khó khăn cùng với thời gian đã biến cô gái 20 tuổi ngày nào giờ đã là một bà lão U80, tóc bạc, da mồi. Cũng như bà Hoanh, khi nhìn thấy mình trong bức ảnh, bà Sam đã không cầm được nước mắt vì xúc động. Bà Sam bảo, xem những bức ảnh trong cuốn sách này, bà như được gặp lại một thời tuổi trẻ hào hùng của mình.
 
Trong cuốn sách ảnh “Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn”, ngoài PSA “Những cô gái giữ biển giữ làng” còn rất nhiều bức ảnh ghi lại cảnh chiến đấu của quân và dân tại các trọng điểm trên vùng đất lửa Quảng Bình trong những tháng chiến tranh ác liệt nhất. Đó là trận địa pháo cao xạ của Đại đội 3, Đoàn Sông Gianh (Bố Trạch); là trọng điểm bến phà Long Đại (Quảng Ninh); đó là những “tọa độ lửa” trên tuyến đường Trường Sơn… Những bức ảnh đều toát lên tinh thần quyết chiến quyết thắng của dân tộc ta, đặc biệt là các chiến sĩ ngoài mặt trận, tất cả vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Tôi quen thân với nhà báo, phóng viên ảnh Lương Xuân Trường, con trai của nhà báo, NSNA, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng. Trong những lần vào công tác ở Quảng Bình, Quảng Trị, anh hay rủ tôi tìm về những địa danh mà bố anh đã đi qua. “Bố cho tôi thừa kế nghề ảnh của ông. Mảnh đất Quảng Bình, Quảng Trị là một trong những chiến trường ác liệt nhất mà bố đã “chiến đấu” và hy sinh. Vậy nên, mỗi lần đặt chân đến mảnh đất này, tôi như cảm nhận được hình bóng của bố hình như vẫn hiển hiện đâu đây!”, anh Trường tâm sự.
 
Nhà báo, NSNA, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng (1935-1972) quê ở xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Ông là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam, nổi tiếng với nhiều bức ảnh xuất sắc về chiến tranh Việt Nam. Ông hy sinh năm 1972, trong chiến dịch giải phóng TX. Quảng Trị. Năm 2017, nhà báo, NSNA, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, với cụm tác phẩm: “Những khoảnh khắc để lại” (gồm 5 ảnh: “Lửa vây máy bay Mỹ”, “Nữ pháo binh Ngư Thủy”, “Đưa xe tăng vào trận”, “Xốc tới”, “Đánh chiếm cứ điểm 365”).
Phan Phương

tin liên quan

Về Ba Đồn xem hội vật đầu xuân

(QBĐT) - Diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm, hội vật TX. Ba Đồn độc đáo với những giá trị truyền thống và nhân văn đặc sắc, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân địa phương. 

Xuân về nơi biên cương

(QBĐT) - Khi những nhánh cây rừng đâm chồi, nảy lộc cũng là lúc báo hiệu Tết đến, xuân về. 

Chuyện kể dưới bóng rừng "thường xanh" - Bài 2: "Khu rừng hy vọng"

(QBĐT) - Đó là cái tên trìu mến mà những nhà khoa học gọi Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong. Đến thời điểm này, Động Châu-Khe Nước Trong đã từng bước trở thành địa chỉ du lịch thú vị của nhiều du khách bởi những khám phá, trải nghiệm mới mẻ. Không chỉ thắp lên niềm tin trong hành trình bảo tồn, phát huy bền vững những giá trị của Động Châu-Khe Nước Trong, đây còn là điểm kết nối quan trọng trong "bản đồ" du lịch phía Nam của tỉnh, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế mũi nhọn đồng thời mang lại khởi sắc mới cho đời sống người dân trong khu vực.