Thu hồi đất sản xuất nhưng "quên" đền bù cho dân?
(QBĐT) - Báo Quảng Bình nhận được phản ánh của nhiều hộ dân ở phường Ba Đồn (TX. Ba Đồn) về việc chính quyền địa phương thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi làm đất ở, cam kết sau khi bán đấu giá được đất sẽ đền bù, nhưng đằng đẵng gần 17 năm chờ đợi, người dân vẫn chưa được đền bù, hỗ trợ thỏa đáng.
Theo phản ánh, phần diện tích đất bị thu hồi là đất sản xuất nông nghiệp (người dân địa phương gọi là xứ đồng cây nổ-ruộng cửa đình) đối diện đình làng Phan Long, khu phố 1, phường Ba Đồn hiện nay, được các thành viên của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ba Đồn trước đây (nay đã giải thể) khai hoang, phục hóa sau năm 1975 để trồng lúa, hoa màu và vẫn thực hiện nghĩa vụ đóng thuế hàng năm cho địa phương.
Năm 2005, Chủ tịch UBND thị trấn Ba Đồn (nay là phường Ba Đồn) Nguyễn Văn Liên ra quyết định thu hồi phần diện tích đất sản xuất này để chuyển đổi làm đất ở, đồng thời cam kết sau khi bán đấu giá được đất sẽ đền bù cho các hộ dân có quyền lợi liên quan. Tuy nhiên, 17 năm trôi qua, người dân vẫn chưa được nhận đền bù, hỗ trợ.
Đến năm 2021, chính quyền địa phương quy hoạch một phần khu vực diện tích đất này để làm công trình phúc lợi xã hội là dự án "công viên lễ hội đình làng Phan Long Ba Đồn". Cùng thời điểm này, ông Nguyễn Thanh Toạn (SN 1959, trú tại khu phố 1, phường Ba Đồn, TX. Ba Đồn) đứng đơn đại diện cho 17 hộ dân thành viên của HTX Nông nghiệp Ba Đồn có phần đất sản xuất ở xứ đồng cây nổ bị thu hồi, kiến nghị chính quyền địa phương có giải pháp đền bù, hỗ trợ thỏa đáng cho người dân.
Ông Toạn trình bày, phần đất bị thu hồi liên quan đến 17 hộ dân và có diện tích hơn 16.000m2. Hộ nhiều cũng gần 3.000m2 và ít khoảng 500m2 bao gồm cả đất nhận khoán nông nghiệp và đất khai hoang phục hóa. Thời điểm năm 2005, sau khi thu hồi đất, chính quyền địa phương cũng đã xây dựng các tuyến đường giao thông trong khu vực để phục vụ nhu cầu của khu dân cư.
Theo ông Toạn, đến hiện tại, ngoài một phần đất bị thu hồi đang để trống, được quy hoạch để xây dựng công viên lễ hội đình làng Phan Long Ba Đồn thì những phần diện tích còn lại đều đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều hộ đã xây nhà kiên cố và đã ở ổn định nhiều năm nay.
Một số thành viên trong HTX cũng xác nhận phần diện tích đất bị thu hồi được canh tác ổn định từ sau năm 1975 và đến năm 2005 mới bị thu hồi. Ông Nguyễn Thanh Long, (SN 1966, ở khu phố 1, phường Ba Đồn) cho biết, phần diện tích đất bị thu hồi của gia đình là hơn 2.800m2, được mẹ ông là bà Nguyễn Thị Nhỏ canh tác sau đó chuyển qua cho ông.
Sau khi nhận được đơn kiến nghị, UBND phường Ba Đồn đã nhiều lần tổ chức các buổi làm việc với các hộ dân liên quan để tìm hướng giải quyết. Nhiều ý kiến của người dân đã được ghi nhận, trong đó một số hộ dân đề nghị làm rõ địa phương đã tiến hành đấu giá đất tại khu vực xứ đồng cây nổ sau khi thu hồi đất. Thế nhưng, sự việc vẫn kéo dài cho đến nay.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Việt Châu, Chủ tịch UBND phường Ba Đồn cho biết, tại các buổi làm việc, mặc dù các hộ dân liên quan đều khẳng định diện tích đất bị thu hồi được khai hoang, nhận khoán sử dụng ổn định hàng chục năm trước nhưng không có giấy tờ pháp lý liên quan để chứng minh nguồn gốc sử dụng đất như yêu cầu để thực hiện đền bù nếu có đấu đất.
Cũng theo ông Châu, công trình xây dựng công viên lễ hội đình làng Phan Long Ba Đồn đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị của địa phương và được người dân ủng hộ. UBND phường sẽ cân đối các nguồn hỗ trợ để bảo đảm quyền lợi cao nhất cho các hộ dân có đất bị thu hồi trước đây nằm trong khuôn viên dự án.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, phần diện tích đất được quy hoạch để xây dựng công viên lễ hội đình làng Phan Long Ba Đồn là hơn 3.000m2 và thuộc phần đất bị thu hồi của 8/17 hộ dân thời điểm năm 2005. Câu hỏi đặt ra là hiện trạng phần đất bị thu hồi của 9 hộ dân còn lại nằm ở đâu? Trong khi ghi nhận tại thực địa, khu vực đất sản xuất của các hộ dân này đã hình thành các cụm dân cư với nhà ở kiên cố. Nếu chính quyền địa phương chưa tiến hành đấu giá đất ở khu vực này, thì những hộ dân ở đây đã xây nhà trái phép hàng loạt? Còn nếu đã tiến hành đấu giá đất thì phải chăng chính quyền địa phương (giai đoạn trước) đã "quên" đền bù, hỗ trợ cho người dân?
X.Phú
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.