Bố Trạch: Phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng, chống sốt xuất huyết
(QBĐT) - Để chủ động phòng và khống chế dịch sốt xuất huyết (SXH) Dengue, không để dịch lớn xảy ra trong những tháng tiếp theo của năm 2023, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Bố Trạch bắt đầu triển khai chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã trọng điểm, ổ dịch cũ và các xã có nguy cơ có các chỉ số vectơ vượt ngưỡng cảnh báo.
Theo bác sĩ Đỗ Xuân Tính, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật (TTYT huyện Bố Trạch), trong tháng 4 này, trung tâm sẽ triển khai phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại 7 xã, thị trấn, gồm: Trung Trạch, Đại Trạch, Đức Trạch, Vạn Trạch, Đồng Trạch, thị trấn Hoàn Lão, thị trấn Phong Nha, với gần 15.500 hộ dân và hơn 63.000 nhân khẩu sinh sống.
Những ngày đầu tháng 4, TTYT huyện phối hợp với các trạm y tế, chính quyền địa phương và các đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tổng vệ sinh môi trường, thau rửa dụng cụ chứa nước, diệt loăng quăng/bọ gậy, che đậy thức ăn, nước uống, đồ dùng trước khi phun hóa chất diệt muỗi.
Đặc biệt, qua điều tra giám sát dịch tễ, giám sát vectơ SXH tại xã Vạn Trạch đã ghi nhận 1 bệnh nhân mắc SXH điều trị tại Bệnh viện đa khoa Bố Trạch. Các chỉ số Vector giám sát: DI 0,5; BI 25, cho thấy nguy cơ cao bùng phát thành dịch. Để chủ động kiểm soát, giảm tỷ lệ ca mắc SXH, trong các ngày từ 10-15/4/2023, TTYT huyện tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng, chống SXH tại xã Vạn Trạch.
Theo đó, 12 thôn, chợ và các cơ quan, trường học trên địa bàn xã Vạn Trạch sẽ được phun hóa chất bảo vệ. Đây là địa phương đầu tiên của huyện Bố Trạch được chọn triển khai chiến dịch này trong năm 2023.
Được biết, trong năm 2022, cùng với Lệ Thủy, Bố Trạch là một trong hai địa phương “nóng” về tình hình dịch bệnh SXH Dengue. Toàn huyện đã xảy ra 17 ổ dịch nhỏ với tổng số 1.788 ca mắc, không có ca tử vong.
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 93 ca mắc SXH, thì Bố Trạch và TP. Đồng Hới là 2 địa phương có số ca mắc SXH nhiều nhất, trong đó Bố Trạch 19 ca, Đồng Hới 23 ca. Đến ngày 11/4, Minh Hóa là địa phương duy nhất của tỉnh chưa ghi nhận ca mắc SXH trong năm 2023.
Trước đó, UBND tỉnh đã có Công văn số 492/UBND-NCVX về việc chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh SXH, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo và huy động các phòng, ban, tổ chức chính trị-xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy bảo đảm tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch bệnh và nguy cơ có dịch bệnh phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các biện pháp xử lý.
Đồng thời, giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan triển khai giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch bệnh SXH theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các cơ sở y tế bảo đảm đầy đủ thuốc, trang thiết bị, nhân lực điều trị; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân và chuyển tuyến kịp thời.
Sở Y tế cùng các đơn vị chuyên môn tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Nội Hà
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.