Tăng đột biến ca nhiễm Covid-19, cần tăng cường tiêm vaccine mũi 4

  • 07:29 | Thứ Tư, 12/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Kể từ đầu tháng 4, số ca nhiễm Covid-19 có chiều hướng gia tăng và tăng mạnh lên 183 trường hợp nhiễm mới trong hôm 11/4. Trung bình mấy ngày qua, số ca Covid-19 được báo cáo trên hệ thống đã tăng gấp 5-6 lần so với trung bình 2 tháng gần đây.
Bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đầu tháng 4, số ca Covid-19 có chiều hướng gia tăng. Ngày 11/4, số ca nhiễm mới cả nước tăng vọt lên 183. Tại Hà Nội, trong tuần ghi nhận 67 ca mắc, tăng 44 ca so với tuần trước đó.
 
Điều đáng lưu ý, những người nhập viện đều là người cao tuổi, có bệnh nền như ung thư, đái tháo đường, tim mạch, huyết áp… nhưng không tiêm vaccine mũi 4, thậm chí có người chưa tiêm mũi vaccine nào.
 
Theo thông tin từ Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), số ca mắc Covid-19 tăng cao đột biến, trung bình mỗi ngày có 10-15 trường hợp xét nghiệm dương tính. 10 ngày đầu tháng 4, Bệnh viện Thanh Nhàn ghi nhận số ca nhiễm tăng gấp 3 lần (75 bệnh nhân) so với 3 tháng đầu năm 2023 (25 bệnh nhân).
 
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Phó Trưởng đơn nguyên Truyền nhiễm, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, trong những ngày gần đây, bệnh nhân Covid-19 nhập viện tăng mạnh.
 
Các trường hợp đến khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn do nhiễm Covid-19 phần lớn là những người trẻ, có triệu chứng ho, sốt, đau họng, tự test nhanh thấy dương tính nên vào viện khám. Những bệnh nhân này được kê đơn về điều trị tại nhà. Những trường hợp nặng, suy hô hấp được chỉ định nhập viện.
 
"Nếu những tháng trước chỉ lác đác 1-2 bệnh nhân phải nhập viện nội trú thì hiện tại, có khoảng 10 bệnh nhân. Đa phần các ca này là người cao tuổi có bệnh nền, khi nhập viện đều phải hỗ trợ thở oxy, tình trạng tương đối nặng", bác sĩ Hưng cho hay.
 
Bệnh viện cũng vừa tiếp nhận cụ bà 102 tuổi mắc Covid-19. Tuy nhiên sau khám, bệnh nhân có biểu hiện nhẹ nên được cho về nhà theo dõi, điều trị.
 
Theo bác sĩ Hưng, số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến trở lại có thể do người dân gần đây đã bỏ qua tiêm vaccine phòng Covid-19, đáp ứng miễn dịch trong cộng đồng giảm đi, dịch có xu hướng lây lan trở lại. Nguyên nhân thứ hai là thời tiết nóng, nồm ẩm cũng làm cho dịch tăng lên.
 
Hiện tại, các bệnh nhân đang điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn đều thuộc đối tượng cần tiêm mũi 4 vaccine phòng Covid-19, nhưng hầu hết họ mới chỉ tiêm 2 hoặc 3 mũi, thậm chí có người chưa tiêm mũi nào.
 
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai), từ ngày 7/4 đến ngày 10/4 đã ghi nhận 52 ca mắc Covid-19 đều là cán bộ, giáo viên và học sinh Trường trung học cơ sở Khánh Yên. Ngày 11/4, Chủ tịch UBND Lào Cai đã ban hành văn bản tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
 
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho nhận định, Covid-19 trên thế giới vẫn đang có những làn sóng tăng-giảm bất thường.
 
Tại Việt Nam, số ca nhiễm ghi nhận chưa phải là con số thực tế vì có rất nhiều người nhiễm bệnh giờ không còn test Covid-19, hoặc nếu có test cũng tự điều trị tại nhà, không báo với các trạm y tế xã, phường.
 
Chuyên gia này nhấn mạnh, hiện nay miễn dịch của vaccine phòng Covid-19 giảm và tâm lý của người dân chủ quan cho rằng không còn dịch Covid-19 nên bỏ qua các thói quen phòng bệnh như rửa tay, đeo khẩu trang nên mắc lại. Bên cạnh đó, do miền bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa, là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, trong đó có virus SARS-CoV-2.
 
Do đó, để phòng bệnh, người dân cần duy trì nguyên tắc 2K, không chỉ phòng Covid-19 mà còn phòng các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B.
Với những diễn biến phức tạp của Covid-19, Bộ Y tế vẫn tiếp tục theo dõi, bám sát hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước, quốc tế; tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cửa khẩu, cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm, giải trình tự gene nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt khi các biến thể mới của virus cũng như các biến thể phụ có khả năng gây bệnh nặng, né tránh miễn dịch hay giảm hiệu quả thuốc chữa bệnh.
 
Theo Bộ Y tế, thời gian tới Bộ vẫn tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19; thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất trong trường hợp phát sinh các tình huống mới của dịch.
 
Nếu trong trường hợp tình hình dịch diễn biến ổn định, có thể dự báo và kiểm soát được, các biện pháp phòng, chống dịch sẽ được kịp thời điều chỉnh nhằm chủ động đáp ứng với dịch Covid-19 và bảo đảm sức khỏe người dân.
Theo Trần Lam (NDO) 

tin liên quan

Nhiều tiện ích cho người dân và cơ sở y tế

(QBĐT) - Sau hơn một năm nỗ lực triển khai thực hiện Đề án 06, đến nay tỉnh Quảng Bình đã có 176/176 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong đăng ký khám bệnh, chữa bệnh, mang đến nhiều tiện ích cho người dân và các cơ sở y tế.

Phát hiện hợp chất triển vọng trong điều trị bệnh mù bẩm sinh

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hợp chất nói trên có thể giữ cho các tế bào cảm quang nhạy cảm với ánh sáng tồn tại trong 3 mô hình của bệnh mù bẩm sinh Leber 10 (LCA10).

WHO thông tin về tình hình dịch Marburg

Ngày 29/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã tiếp nhận thông tin về các ca bệnh Marburg mới ở Guinea Xích đạo và kêu gọi chính phủ nước này gửi báo cáo chính thức.