"Đột phá" từ… rừng
(QBĐT) - Những năm gần đây, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều giải pháp, cơ chế chính sách để hỗ trợ, vận động, khuyến khích người dân chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn (RGL). Kỳ vọng, trong tương lai sẽ tạo nên những "đột phá"…
Chú trọng chất lượng, giá trị từ rừng gỗ lớn
(Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn)
Phát triển trồng RGL là nội dung quan trọng trong kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025 và đề án "Phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng RGL tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019-2025", nhằm nâng cao chất lượng và giá trị rừng trồng, tạo nguồn nguyên liệu bền vững cho chế biến và xuất khẩu, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh.
Với nhiều tiềm năng, lợi thế như diện tích đất lâm nghiệp lớn, diện tích rừng trồng trên 130.000ha, đây chính là điều kiện để người dân, doanh nghiệp trong tỉnh phát triển rừng trồng RGL, đáp ứng nhu cầu chế biến gỗ tinh sâu, nâng cao đời sống.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm đẩy mạnh phát triển trồng RGL, như: “Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025", hỗ trợ trồng RGL cho các hộ gia đình với tổng diện tích 1.000ha, kinh phí 7,92 tỷ đồng; “Hỗ trợ thí điểm mô hình trồng rừng phòng tránh thiên tai”, hỗ trợ trồng RGL cho người dân tại xã Trường Sơn (Quảng Ninh) và xã Kim Thủy (Lệ Thủy) với diện tích 200ha, kinh phí 3,13 tỷ đồng...
Tỉnh còn thực hiện hỗ trợ trồng RGL từ kinh phí trồng rừng thay thế (Quỹ bảo vệ và phát triển rừng); chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn; kinh phí từ tiểu dự án 1, dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025…
Hiện, toàn tỉnh đã trồng được gần 4.100ha RGL; trong đó, tập trung nhiều tại địa bàn các huyện: Lệ Thủy (hơn 1.300ha), Quảng Ninh (gần 1.000ha), Tuyên Hóa (trên 550ha). Nhằm xây dựng đầu ra ổn định cho RGL, những năm qua, tỉnh đã xúc tiến kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến gỗ tinh sâu để tạo sự liên kết với người trồng rừng. Các doanh nghiệp chế biến gỗ trong tỉnh còn chủ động xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với chứng chỉ rừng (FSC). Đến nay, toàn tỉnh có trên 6.000ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC và hiện đang tiếp tục đánh giá, cấp chứng chỉ FSC cho thêm khoảng 15.000ha.
Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục triển khai có hiệu quả và hoàn thành theo tiến độ, kế hoạch đề ra của các chương trình, dự án, đề án đang thực hiện về trồng RGL, một số định hướng phát triển trồng RGL tại Quảng Bình cần phải tập trung thực hiện, như: Tập trung rà soát toàn bộ các diện tích đất để hỗ trợ trồng RGL trên đất quy hoạch cho rừng sản xuất giao hộ gia đình, cá nhân theo chỉ đạo của UBND tỉnh; các công ty lâm công nghiệp nhà nước cần tiên phong, đi đầu và tập trung đẩy mạnh hơn nữa để phát triển trồng RGL gắn với phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, phù hợp với chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển đã được phê duyệt; phát huy tốt vai trò mở đường, dẫn dắt, góp phần lan tỏa mô hình trồng RGL đến các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế hộ, cá nhân làm nghề rừng; hướng đến tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính từ việc thực hiện các hoạt động trồng RGL trên địa bàn tỉnh theo tiêu chuẩn quốc tế về tạo tín chỉ carbon, theo tiêu chí rừng được trồng trên đất không có rừng trong 10 năm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; đánh giá diện tích hợp lệ và ước tính tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính từ việc thực hiện các hoạt động chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn trên diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC/PEFC nhằm đạt được mục tiêu kép về chất lượng rừng và tạo tín chỉ carbon...
Gắn với chế biến tinh sâu và thị trường tiêu thụ
(Ông Nguyễn Văn Duẫn, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm)
Quảng Bình có trên 591 nghìn ha rừng trong tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là trên 614 nghìn ha. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 68,7%; trong đó diện tích rừng trồng trên 130.000ha, đây chính là điều kiện thuận lợi để Quảng Bình phát triển kinh tế từ rừng.
Thực tế cho thấy, kinh tế rừng đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân trồng rừng, từ đó giảm áp lực vào rừng tự nhiên. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là rừng trồng gỗ lớn ở các địa phương khi thực hiện đề án "Phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng RGL tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2019-2025” (gọi tắt là đề án RGL) vẫn còn nhiều hạn chế, như: Diện tích đất lâm nghiệp giao cho người dân còn manh mún; giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích chưa cao; đời sống của nhiều hộ dân sống bằng nghề rừng còn khó khăn nên không có điều kiện về kinh tế để đầu tư trồng RGL; nhiều hộ dân vẫn còn tư duy trồng rừng "truyền thống" để mau chóng thu hoạch, kịp thời trang trải chi phí cuộc sống; điều kiện khí hậu ở địa bàn tỉnh khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão lớn, đe dọa gây gãy đổ rừng trồng, ảnh hưởng đến tâm lý của người dân khi tham gia đầu tư trồng RGL.
Để thực hiện đề án RGL từng bước đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về phát triển RGL. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện tốt chính sách khuyến nông-khuyến lâm, làm thay đổi nhận thức của người dân và chủ rừng đối với trồng RGL. Ngoài ra, cần làm tốt công tác hướng dẫn người dân, chủ rừng triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp về tổ chức sản xuất, tuân thủ đúng quy trình sản xuất (về cây giống, kỹ thuật, thâm canh..). Chú trọng thực hiện có hiệu quả giải pháp về đất đai như làm tốt công tác quy hoạch, quy vùng và tham mưu xác định được các vùng trọng điểm, lợi thế về trồng RGL gắn với chế biến tinh sâu và thị trường tiêu thụ và rừng phải được cấp chứng chỉ rừng FSC. Đồng thời tăng cường kiểm tra, hướng dẫn công tác trồng rừng nói chung và trồng RGL nói riêng, nâng cao giá trị gia tăng trên một diện tích rừng trồng theo hướng phát triển bền vững …
Giảm nguy cơ xói mòn và rửa trôi đất, tăng tỷ lệ che phủ rừng
(Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy)
Lệ Thủy là địa phương có điều kiện đất đai, địa hình, khí hậu, thời tiết thuận lợi và nhiều tiềm năng, lợi thế để sản xuất, kinh doanh rừng trồng, đặc biệt là trồng RGL, rừng có chứng chỉ rừng bền vững FSC. Diện tích rừng trồng toàn huyện hơn 29.284ha; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hàng năm đạt trên 190.000m3. Năm 2023, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 165,6 tỷ đồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 64,38%.
Hiện, diện tích trồng RGL ở địa phương có hơn 1.300ha, tập trung nhiều tại các xã Kim Thủy, Thái Thủy, Trường Thủy, Mỹ Thủy, Lâm Thủy, Ngân Thủy… Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025, huyện Lệ Thủy phấn đấu trồng được trên 3.300ha RGL, rừng được trồng bằng giống keo lai nuôi cấy mô có chất lượng cao. Ngoài ra, địa phương cũng có trên 850ha diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ FSC. Việc trồng RGL tại Lệ Thủy bước đầu cho thấy, trên cùng một đơn vị diện tích, RGL cho năng suất vượt trội 3-4 lần so với rừng nguyên liệu. Mặt khác, RGL còn hạn chế được số lần khai thác, giãn tiến độ trồng lại rừng nên giảm được nguy cơ xói mòn và rửa trôi đất, tăng tỷ lệ che phủ rừng.
Theo tính toán, sau 10 năm thì RGL mang lại lợi nhuận 250-300 triệu đồng/ha, trong khi rừng nguyên liệu sau 5 năm cho thu hoạch đạt từ 60-70 triệu đồng/ha. Đối với các diện tích rừng có chứng chỉ rừng bền vững FSC, một số doanh nghiệp chế biến đã ký hợp đồng thu mua với giá trị cao hơn rừng không được cấp chứng chỉ từ 15-25%. Nhờ đó, người dân trong huyện rất phấn khởi tiếp tục mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ rừng bền vững FSC; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu việc đốt rừng sau khi khai thác và nguy cơ xói mòn, rửa trôi đất, ô nhiễm đất, làm giảm ảnh hưởng của thiên tai.
Địa phương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt đề án "Phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng RGL tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2019-2025"; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về hiệu quả của trồng và chuyển hóa rừng trồng sản xuất gỗ lớn; vận động chủ rừng tham gia thực hiện trồng và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; ưu tiên nguồn kinh phí để trồng RGL và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; áp dụng các giống trồng rừng có năng suất sản lượng cao, có khả năng chống chịu, hạn chế sâu bệnh hại rừng, hạn chế rủi ro cho người trồng rừng; kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp có năng lực, nhu cầu thu mua bao tiêu sản phẩm gỗ rừng trồng có chứng chỉ rừng FSC…
Văn Minh (thực hiện)