Về đâu gạo OCOP Quảng Bình? - Bài 2: Thương hiệu bền vững, mở hướng tương lai

  • 07:13 | Thứ Bảy, 06/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Có một thực tế mâu thuẫn hiện nay trong việc tiêu thụ sản phẩm gạo OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) trên địa bàn tỉnh, đó là trong khi các cửa hàng, hệ thống siêu thị luôn rộng cửa chào đón nông sản này, thì các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác lại luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, “đong” từng đơn hàng một. Điều này dẫn đến việc gạo Quảng Bình mất dần ưu thế ngay trên sân nhà. Và tất nhiên, nếu không khẳng định được chỗ đứng trên thị trường địa phương thì sẽ rất khó vươn tới các thị trường tiềm năng khác.
 
 
Có cơ hội, nhưng khó nắm bắt
 
Tại chuỗi cửa hàng nông sản sạch ở TP. Đồng Hới của Công ty TNHH MTV An Nông, sản phẩm gạo OCOP duy nhất “make in Quảng Bình” chính là gạo hữu cơ Sông Gianh của Công ty CP Tổng công ty Sông Gianh, còn các sản phẩm gạo sạch khác của địa phương đều vắng bóng.
 
Chuỗi cửa hàng bày bán chủ yếu gạo ST25 có nguồn gốc chính hãng từ Sóc Trăng, các loại gạo canh tác hữu cơ và hầu hết đều “bán rất chạy”. Bên cạnh chất lượng được bảo đảm, các sản phẩm gạo này đều có thiết kế bao bì bắt mắt, rất tiện lợi cho nhu cầu người tiêu dùng với trọng lượng 1kg, 5kg, 10kg... Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, gạo ST25 của Sóc Trăng được một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lựa chọn làm quà biếu Tết cho cán bộ công nhân viên với số lượng lớn-lỡ một cơ hội cho gạo bản địa.
 
Bà Lê Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH MTV An Nông chia sẻ, chuỗi cửa hàng của công ty rất khắt khe trong việc lựa chọn sản phẩm bày bán, nhất là đối với gạo, thực phẩm “thường xuyên phải có” trong bữa ăn của mỗi gia đình Việt. Các đối tác cung ứng của công ty thường có tên tuổi, uy tín trên thị trường nhiều năm và cung cấp sản phẩm theo đúng chất lượng cam kết. Ở Quảng Bình, công ty chọn duy nhất gạo hữu cơ Sông Gianh của Công ty CP Tổng công ty Sông Gianh bởi uy tín, chất lượng được kiểm định khi canh tác theo hướng hữu cơ, còn đối với các loại gạo sạch khác, có lẽ vẫn cần thời gian để kiểm định và đánh giá chất lượng.
 
“Sau một số dự án nhỏ về trồng lúa sạch “make in Quảng Bình” không thành công do lý do khách quan, công ty đang quyết tâm theo đuổi xây dựng một sản phẩm từ gạo sạch địa phương nên đang thử nghiệm giao cho một cơ sở ở xã Lương Ninh (Quảng Ninh) trồng lúa theo hướng hữu cơ hoàn toàn. Kỳ vọng nếu thành công, công ty sẽ ấp ủ những kế hoạch dài hơi với gạo quê hương”, bà Thủy cho biết thêm.
Lựa chọn mua gạo sạch, gạo hữu cơ ở hệ thống các siêu thị đang dần là thói quen của người tiêu dùng.
Lựa chọn mua gạo sạch, gạo hữu cơ ở hệ thống các siêu thị đang dần là thói quen của người tiêu dùng.
Còn theo ông Dương Thảo, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Quảng Bình, siêu thị luôn tạo điều kiện tối đa cho các sản phẩm OCOP địa phương. Do đó, thời gian qua, nhiều mặt hàng đặc sản mang thương hiệu Quảng Bình đã được bày bán với số lượng lớn và khách hàng yêu thích, như: Các loại nấm, mật ong, chả cá, chả mực… Tuy nhiên, riêng với mặt hàng gạo sạch, gạo hữu cơ bản địa, từ trước đến nay, siêu thị vẫn chưa có cơ hội bán sản phẩm nào. Bởi, chưa có một cơ sở sản xuất gạo trên địa bàn tỉnh đến để quảng bá, giới thiệu và đặt vấn đề cùng tham gia chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm. Quan điểm của siêu thị là nếu bảo đảm các chất lượng cũng như tiêu chí, gạo sạch Quảng Bình sẽ được bày bán bình đẳng như các loại gạo khác trên thị trường. “Trong tương lai, chúng tôi vẫn chờ đợi sản phẩm gạo sạch Quảng Bình đến với siêu thị”, ông Dương Thảo khẳng định.
 
Thực tế trên cho thấy, rõ ràng cơ hội của gạo sạch địa phương để mở rộng thị trường vẫn còn rất lớn, điều quan trọng là phải mạnh dạn đổi mới và theo kịp những đòi hỏi của thị trường. Mới đây, gạo sạch Vĩnh Tuy đã chủ động, kịp thời thay đổi nhãn mác, bao bì hiện đại hơn, từ bao 10kg, giảm xuống loại 5kg để phù hợp hơn với môi trường siêu thị, cửa hàng nông sản sạch.
 
Theo giới thiệu của Liên minh HTX tỉnh, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Trung (HTX Vĩnh Trung) cũng chủ động ký cam kết với cửa hàng giới thiệu nông sản để cung ứng sản phẩm gạo sạch Vĩnh Tuy. Tới đây, HTX cũng sẽ thành lập một tổ xã viên để phụ trách riêng về mảng gạo sạch, qua đó, nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý, điều hành và chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ.
 
Hay gạo sạch Quảng Hòa cũng đang có kế hoạch thay đổi bao bì nhận diện, mua sắm thêm máy móc, trang thiết bị để hiện đại hóa quá trình sản xuất. Gạo sạch Mai Hóa sẽ đổi qua trồng giống lúa HN6 nhằm mang lại năng suất cao hơn, phù hợp với chân đất địa phương hơn, từ đó, kỳ vọng có thể tăng thêm sản lượng cung ứng đầu vào…
 
Nhưng những thay đổi đó liệu có thể bảo đảm một thị trường bền vững cho gạo sạch OCOP quê nhà khi sản xuất vẫn đang còn manh mún, chủ yếu đầu vào được thu mua từ các hộ xã viên, khâu canh tác khó kiểm soát chặt chẽ, quảng bá còn loay hoay, thiếu đột phá…, trong khi yêu cầu của thị trường lại đang ngày càng khắt khe?
 
Chuyển hướng gạo hữu cơ?
 
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh Nguyễn Đức Phùng cho biết, chính quyền địa phương và HTX Vĩnh Trung đã tính đến chuyện chuyển đổi sang trồng theo phương thức hữu cơ thay vì canh tác SRI và VietGAP như hiện nay bởi nhận thức được rằng đây là hướng đi bền vững của tương lai. Xã cũng đã tổ chức một đoàn khảo sát học hỏi tỉnh bạn Quảng Trị để tìm hiểu rõ thêm về lúa hữu cơ và kỳ vọng sẽ triển khai trên địa bàn trong thời gian tới. Nhưng đó chắc hẳn là một thách thức.
 
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ngô Gia Thởi cho biết, Liên minh HTX tỉnh rất nỗ lực trong việc hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác là chủ thể sản phẩm OCOP nói chung, gạo sạch OCOP nói riêng trong việc đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và đặc biệt là kết nối nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Bởi theo như lý giải của ông Đỗ Văn Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Vĩnh Trung, hình thức canh tác hữu cơ có nhiều điểm khác biệt. Trước hết, HTX chưa có ruộng sản xuất riêng, còn phụ thuộc vào các hộ gia đình. Thêm nữa, thay vì gieo sạ, bà con phải chuyển sang cấy lúa, mất nhiều công sức, thời gian hơn. Quá trình chăm sóc sẽ đòi hỏi nhiều tâm huyết và hầu như không có thời gian nông nhàn để bà con có thể làm các việc phụ khác như trồng lúa theo kiểu truyền thống. Và nhất là phải thay đổi cả thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ... Vì vậy, việc cần làm trước hết là đổi thay nhận thức của nông dân, dù vẫn biết đây là việc khó và cần rất nhiều thời gian.

Cùng chung quan điểm, bà Lê Thị Thanh Thủy chia sẻ, phương thức canh tác hữu cơ đang là hướng đi của nông nghiệp thế giới, chúng ta không thể nằm ngoài xu hướng này nếu muốn tăng sức bền, tạo đột phá trong cạnh tranh trên thị trường lúa gạo. Những sản phẩm gạo không rõ nguồn gốc đựng trong các túi nilon với mác “gạo quê” sẽ rất khó có chỗ đứng bền vững. Bởi duy chỉ có sự minh bạch trong quá trình sản xuất và thông tin quảng bá sản phẩm cùng bao bì nhãn mác hấp dẫn mới thực sự thôi thúc người tiêu dùng chọn sản phẩm gạo Quảng Bình trong cái nhìn đầu tiên.
Mai Nhân

tin liên quan

Tuyên Hóa: Trên 60ha ngô chết do nắng nóng

(QBĐT) - Ngày 5/4, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa Phạm Anh Minh cho biết: Những ngày qua, trên địa bàn huyện xuất hiện đợt nắng nóng, nhiệt độ lên cao khiến 62ha ngô vụ đông-xuân của bà con bị chết.

Về đâu gạo OCOP Quảng Bình? - Bài 1: Loay hoay gạo sạch

(QBĐT) - Dạo quanh một vòng các siêu thị lớn, nhỏ và cả những cửa hàng tạp hóa, nông sản sạch "có tiếng" trên địa bàn TP. Đồng Hới, gạo sạch OCOP của tỉnh xuất hiện rất khiêm tốn. Vậy đặc sản này đang về đâu?

Để "đặc sản của rừng" mang lại giá trị kinh tế cao

(QBĐT) - Hiện nay, trên địa bàn TP. Đồng Hới, những vật nuôi được xem là "đặc sản của rừng" như: Dúi, thỏ, chồn, chim trĩ, lợn rừng… được người dân đầu tư theo chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn từ khâu nuôi trồng, đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, phục vụ nhu cầu của thực khách, nhất là khách du lịch, mang lại giá trị kinh tế cao. Từ đó, mở ra cơ hội làm giàu và phát triển bền vững cho người dân thành phố...