Để "đặc sản của rừng" mang lại giá trị kinh tế cao

  • 08:08 | Thứ Sáu, 05/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện nay, trên địa bàn TP. Đồng Hới, những vật nuôi được xem là “đặc sản của rừng” như: Dúi, thỏ, chồn, chim trĩ, lợn rừng… được người dân đầu tư theo chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn từ khâu nuôi trồng, đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, phục vụ nhu cầu của thực khách, nhất là khách du lịch, mang lại giá trị kinh tế cao. Từ đó, mở ra cơ hội làm giàu và phát triển bền vững cho người dân thành phố...
 
“Đặc sản của rừng” ở phố
 
Dẫn chúng tôi dạo quanh trang trại nhỏ, ông Lê Viết Phới (tổ dân phố 6, phường Bắc Lý) giới thiệu những con vật nuôi được xem là “đặc sản của rừng” do ông tự tay chăm sóc mỗi ngày, gồm: Đàn thỏ, chồn, dúi, đà điểu, lợn rừng… Rồi ông khẳng định, cùng với các nguồn lực về lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên…, thì việc ứng dụng khoa học-công nghệ (KH-CN) là vấn đề rất quan trọng, có tác động lớn tới tư duy và việc phát triển kinh tế. Nhờ tham gia các mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN nên gia đình ông tiếp cận và phát triển nuôi các con vật được xem là “đặc sản rừng”.
 
Ông Phới vừa thoăn thoắt dùng rựa bổ mía, vừa cho hay: “Mô hình nuôi dúi ứng dụng công nghệ cao của gia đình do Sở KH-CN hỗ trợ ban đầu có số lượng 70 con giống; trong đó có 30 con làm thương phẩm, 40 con nuôi sinh sản. Sau 6 tháng nuôi thương phẩm, con giống đạt được trọng lượng từ 1,5-2 kg/con. Với 12 tháng thực hiện nuôi dúi sinh sản, từ 30 con dúi mẹ và 10 con dúi bố ban đầu đã sản sinh và phát triển được 180 dúi con. Trong số đó, có thể chọn lọc được số dúi con để làm giống sinh sản tiếp theo”.
Hàng nghìn con chim trĩ được nuôi tại trang trại của anh Phạm Anh Tuân (xã Lộc Ninh).
Hàng nghìn con chim trĩ được nuôi tại trang trại của anh Phạm Anh Tuân (xã Lộc Ninh).
Theo ông Phới, nuôi dúi đơn giản nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Với giá bán 750 nghìn đồng/kg dúi thương phẩm và 1,1 triệu đồng/con giống, sẽ mang lại cho người nuôi nguồn thu nhập tương đối ổn định. Bởi, diện tích nuôi nhỏ, thức ăn của dúi và phương pháp chăm sóc khá đơn giản, chỉ cần người nuôi chăm chỉ, cần mẫn. Mỗi ngày, một con dúi ăn khoảng 1 thìa canh nhỏ một trong các loại gạo, bắp ngô, 1 lát khoai hay sắn. Vì không uống nước nên loài vật này mỗi ngày cũng gặm nhấm hết 1 đốt mía, tre hoặc mây nước. Thỉnh thoảng thả vào một khúc xương khô các loại như heo, bò, trâu…
 
Trong cái hộp nhỏ diện tích chừng 250cm2, con dúi nằm “ngoan ngoãn” gặm nhấm thức ăn và cứ thế lớn dần. Chuồng nuôi dúi cũng không quá cầu kỳ, nhưng bảo đảm thoáng, mát. Dưới những tán cây trong vườn, ông Phới bố trí chuồng trại hợp lý, có thể mở rộng khi cần thiết.
 
Ngoài thu nhập từ dúi, gia đình ông Phới có nguồn thu thêm từ các con vật nuôi, như: Thỏ, chồn, đà điểu, lợn rừng… Với khuôn viên vườn nhà khá rộng, ông Phới cũng bố trí trồng nhiều loại cây ăn quả, như: Mít, ổi, cam, bưởi, chuối, mía và đào ao thả cá… vừa có thu nhập, vừa tạo nguồn thức ăn cho các vật nuôi và môi trường sinh thái hài hòa.
 
Ngược ra phía Bắc thành phố, chúng tôi đến thăm trang trại nuôi chim trĩ của anh Phạm Anh Tuân (ở thôn 6, xã Lộc Ninh) đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và đã tạo được uy tín chất lượng trên thị trường. Hiện, trang trại nuôi chim trĩ quy mô 70 chuồng với gần 300 con chim giống và trên 1.000 con chim thịt thương phẩm. Mỗi tháng, trang trại anh Tuân cung cấp cho thị trường từ 500-600 con chim trĩ giống và chim thịt, hơn 3.000 quả trứng…
 
Từ trang trại đến bàn ăn
 
Mô hình “Từ trang trại đến bàn ăn” (hay còn gọi là mô hình 3F: Feed-Farm-Food) khẳng định được tính ưu việt là sản xuất thực phẩm an toàn khép kín từ khâu nuôi, trồng đến khâu chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Vì vậy, nhiều người dân thành phố ứng dụng thành công vào thực tiễn.
 
Áp dụng mô hình khép kín 3F, nhà hàng với các món ăn chế biến từ chim trĩ có thể phục vụ hàng trăm khách hàng, anh Phạm Anh Tuân đạt doanh thu bình quân trên 3,5 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho trên 20 lao động.
 
“Để phù hợp với xu thế phát triển, từ quy mô ban đầu, trang trại sẽ tăng dần số lượng nuôi và sản phẩm xuất bán ra thị trường. Gia đình đã đầu tư trang thiết bị, hiện đại hóa quy trình sản xuất, như: Xây dựng và mở rộng chuồng lạnh, bảo đảm vệ sinh môi trường để chăm sóc tốt nhất cho đàn chim bố mẹ nhằm tăng sản lượng trứng và bảo quản trứng đạt tiêu chuẩn chất lượng. Bản thân tôi cũng nghiên cứu, học hỏi để nâng cao chất lượng các sản phẩm từ chim trĩ; cung cấp lượng lớn chim trĩ thịt, trứng và chim trĩ nuôi cảnh cho khách khi có nhu cầu, đặc biệt là chế biến thịt chim trĩ thành các món ăn dược liệu phục vụ du khách tại nhà hàng của gia đình. Từ đó, góp thêm một sản phẩm đạt chất lượng cao phục vụ du khách trong quá trình phát triển du lịch của Đồng Hới nói riêng và Quảng Bình nói chung”, chủ trang trại Phạm Anh Tuân chia sẻ.
Thu hoạch trứng đà điểu tại trang trại khép kín “3F”.
Thu hoạch trứng đà điểu tại trang trại khép kín “3F”.
Với những vật nuôi “đặc sản của rừng”, gia đình ông Lê Viết Phới cũng có nhà hàng chế biến các món ăn phục vụ và đã được khá đông thực khách biết đến.
 
Tuy có nhiều lợi thế nhưng mô hình “từ trang trại đến bàn ăn” cũng gặp không ít khó khăn. Theo ông Lê Viết Phới, mô hình 3F vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đơn cử như đối với mô hình có quy mô nhỏ, khâu “bàn ăn” sẽ gặp khó khăn vì sản phẩm hạn chế, thi thoảng không đủ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Vì vậy, có lúc nhà hàng phải phục vụ lượng khách hàng “quá tải”, nhưng có khi thì “vắng teo” cũng là điều dễ hiểu. Bởi, trên thực tế, nguồn “cung không đủ cầu”, số lượng nuôi chưa đủ để cung cấp ra thị trường tiêu dùng vì nhu cầu thực khách khá lớn, trong khi đa số các con vật nuôi với phương pháp chăm sóc hữu cơ thì thường phát triển chậm, thời gian sinh trưởng lại kéo dài...
 
Cùng với đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch, thời gian qua, TP. Đồng Hới nỗ lực xây dựng các sản phẩm, mặt hàng sản xuất chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; đặc biệt, thành phố khuyến khích các cơ sở sản xuất mở rộng quy mô và ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ mới trong sản xuất, nuôi trồng, chế biến bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo mô hình 3F...

“Có thể nói, mô hình “Từ trang trại đến bàn ăn” đã và đang trở thành xu hướng sản xuất, tiêu dùng phổ biến trên địa bàn thành phố. Đây cũng chính là cơ hội trong việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của cơ sở sản xuất đến gần hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là du khách bốn phương. Vì vậy, trong điều kiện lắm thách thức như hiện nay, những doanh nghiệp, cá nhân “dám nghĩ, dám làm”, mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất theo chuỗi khép kín 3F sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Cùng đó, trong định hướng xây dựng và phát triển du lịch bền vững, thành phố sẽ có những chính sách, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển các mặt hàng, sản phẩm theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh, phục vụ nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng của du khách khi đến với Đồng Hới”, Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan trao đổi thêm.

Hương Trà

 

tin liên quan

Công ty CP tập đoàn FLC đứng đầu danh sách nợ tiền thuế tại Quảng Bình

(QBĐT) - Cục Thuế tỉnh vừa ban hành Thông báo số 1029/TB-CTQBI công khai danh sách 49 doanh nghiệp nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước.

Quảng Bình tham gia hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư tại Sạ-vẳn-na-khệt

(QBĐT) - Sáng nay, 4/4, tại tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt diễn ra hội nghị xúc tiến thương mại-đầu tư các tỉnh, thành nước CHXHCN Việt Nam và các tỉnh, thành nước CHDCND Lào năm 2024.

Thành lập 3 tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

(QBĐT) - Thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành quyết định thành lập 3 tổ công tác do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) năm 2024 trên địa bàn.