Quảng Bình tham gia hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư tại Sạ-vẳn-na-khệt
(QBĐT) - Sáng nay, 4/4, tại tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt diễn ra hội nghị xúc tiến thương mại-đầu tư các tỉnh, thành nước CHXHCN Việt Nam và các tỉnh, thành nước CHDCND Lào năm 2024.
Hội nghị do UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sạ-vẳn-na-khệt và các sở, ngành của tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt tổ chức; với sự tham gia của gần 150 đại biểu, trong đó có gần 100 doanh nghiệp và nhà đầu tư của Lào và Việt Nam.
Tham dự về phía Việt Nam có đồng chí Đặng Thị Hải Tâm, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sạ-vẳn-na-khệt; đại diện lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai.
Về phía Quảng Bình, có đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy tham dự hội nghị. Về phía nước bạn Lào, có đồng chí Bun-chôm U-bôn-pạ-sợt, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt; lãnh đạo chính quyền Thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh Hủa Phăn, Chăm-pa-sắc, Bô-ly-khăm-xay, Khăm Muồn, Sả-lạ-văn...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Mạnh Hùng nhấn mạnh, hội nghị là diễn đàn quan trọng tạo cơ hội cho các địa phương Việt Nam và Lào chia sẻ thông tin, đẩy mạnh kết nối, hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch cũng như tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa tỉnh Quảng Bình với các địa phương của Lào.
Thông tin về tiềm năng, thế mạnh của Quảng Bình, đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy nhấn mạnh, tỉnh tập trung kêu gọi hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế, như: Phát triển công nghiệp hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường; công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp phụ trợ; thu hút đầu tư các dự án (DA) năng lượng tái tạo có quy mô lớn, sản xuất hydrogen; các DA đầu tư vào ngành công nghiệp-xây dựng để không ảnh hưởng đến môi trường phát triển du lịch-ngành mũi nhọn của tỉnh.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, Quảng Bình mong muốn thu hút các DA nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu, giá trị gia tăng lớn gắn với tập trung, hạn chế tối đa các tác động của DA đến môi trường; các DA chăn nuôi theo quy mô công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu và chế biến sản phẩm; sản xuất thực phẩm sạch theo chuỗi cung ứng từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ sản phẩm; thu hút các DA chế biến lâm sản xuất khẩu, các DA tạo thành chuỗi liên kết trong sản xuất công nghiệp của tỉnh. Hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế biển (nuôi trồng thủy sản từ biển, khai thác tài nguyên biển, năng lượng, cảng biển.....); bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng thị trường tín chỉ carbon.
Đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, Quảng Bình ưu tiên các DA nghỉ dưỡng cao cấp gắn với thế mạnh du lịch hang động của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, du lịch mạo hiểm, du lịch biển, du lịch sinh thái, các sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử kết hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe,… Thu hút các DA thương mại, dịch vụ vận tải chất lượng cao, dịch vụ logistics tại các khu kinh tế, cụm kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh, có quy mô lớn, hiện đại, có sức lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực khác.
Tỉnh Quảng Bình cũng cam kết tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển hoạt động kinh doanh trên địa bàn, ngoài việc áp dụng mức ưu đãi của Chính phủ Việt Nam về thuế và đất đai, tỉnh Quảng Bình còn có các chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế địa phương, thúc đẩy hoạt động đầu tư-sản xuất, kinh doanh trên toàn tỉnh.
Trước đó, ngày 3/4, tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm Quốc tế Savannakhet, tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt (Savan ITECC) đã diễn ra lễ khai mạc “Triển lãm TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành hữu nghị tại Sạ-vẳn-na-khệt lần thứ 4” và các hoạt động kết nối giao thương, giao lưu văn hóa nghệ thuật.
Không gian triển lãm, trưng bày hàng hóa Việt Nam tại Sạ-vẳn-na-khệt tổ chức đón tiếp khách tham quan từ ngày 3-7/4. Tham gia triển lãm, gian hàng tỉnh Quảng Bình trưng bày hơn 80 mặt hàng là các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp của 20 doanh nghiệp trong tỉnh.
Chương trình được tổ chức nhằm hiện thực hóa mục tiêu phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các hiệp định thương mại song phương, đặc biệt là Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Lào. Đồng thời, tăng cường, thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai nước, tạo thật nhiều cơ hội để doanh nghiệp hai bên kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển.
Hương Lê