Về đâu gạo OCOP Quảng Bình? - Bài 1: Loay hoay gạo sạch
(QBĐT) - Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, năm 2023, sản lượng lúa toàn tỉnh đạt 281.675 tấn. Trong số gần 200 sản phẩm OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) được công nhận của tỉnh hiện nay, có 5 sản phẩm gạo sạch, gạo hữu cơ. Vậy nhưng, dạo quanh một vòng các siêu thị lớn, nhỏ và cả những cửa hàng tạp hóa, nông sản sạch “có tiếng” trên địa bàn TP. Đồng Hới, gạo sạch OCOP của tỉnh xuất hiện rất khiêm tốn. Vậy đặc sản này đang về đâu?
Còn nhớ năm 2019, người dân Lệ Thủy hân hoan vì gạo sạch Lệ Thủy của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp (HTX SXKD DVNN) Mỹ Lộc Thượng (xã An Thủy, Lệ Thủy) được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Giấc mơ về một thương hiệu lúa gạo riêng của vùng quê “nhì hai huyện” đã thành hiện thực với những viễn cảnh về mở rộng thị trường, nâng tầm giá trị nông sản. Vậy mà giờ đây, sản phẩm đã bị rút sao OCOP và đang trong hành trình gian nan “làm lại từ đầu”. Thực tế đó chính là minh chứng cho những khó khăn, thách thức mà các sản phẩm gạo OCOP đang phải đối mặt trong giải quyết “bài toán” thị trường nhiều biến động.
Khó chủ động đầu vào
Gạo sạch Vĩnh Tuy của HTX SXKD DVNN Vĩnh Trung (HTX Vĩnh Trung), xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) được xếp hạng là sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện năm 2021. Thời gian qua, HTX cùng chính quyền địa phương có nhiều nỗ lực để duy trì và phát triển sản phẩm bởi theo như Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh Nguyễn Đức Phùng: “Đây là tâm huyết của nhiều thế hệ lãnh đạo xã và cả người dân”. Dẫu vậy, một trong những cái khó lớn nhất của HTX chính là đầu vào của sản phẩm.
Cũng giống như nhiều HTX sản xuất lúa gạo khác trên địa bàn tỉnh, phương thức hoạt động chủ yếu của HTX Vĩnh Trung là: Nhận đơn hàng, thu mua lúa trong xã viên, đóng gói và vận chuyển đến người nhận. Việc không có diện tích canh tác riêng và phải phụ thuộc vào các xã viên khiến HTX thụ động trong quá trình sản xuất, đó là chưa kể đến việc bảo đảm các khâu kỹ thuật an toàn, đồng bộ trong quá trình trồng lúa vẫn còn nhiều trăn trở. Còn nhớ có thời điểm, một doanh nghiệp mong muốn đặt đơn hàng với số lượng lớn, nhưng HTX đành “bó tay” vì không thể xoay xở kịp thời. Ngoài ra, bên cạnh duy trì gạo sạch Vĩnh Tuy, HTX còn triển khai nhiều dịch vụ nông nghiệp khác nữa.
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Vĩnh Trung Đỗ Văn Nam chia sẻ, HTX có nguồn vốn ít nên không dám thu mua số lượng lớn, rất khó cạnh tranh với các thương lái có nguồn lực dồi dào. HTX hiện có xấp xỉ 40ha lúa do 150 hộ canh tác nằm trong chuỗi liên kết thu mua của HTX. Nếu tăng diện tích vùng trồng thì cũng chỉ đạt tối đa 80ha bởi những vùng đất khác khó có thể bảo đảm chất lượng gạo như cam kết.
Sản phẩm gạo sạch Mai Hóa và gạo sạch Châu Hóa của huyện Tuyên Hóa cũng lâm vào tình trạng tương tự. Ông Chu Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX SXKD DVNN Cổ Cảng (xã Mai Hóa, Tuyên Hóa) cho hay, năm 2023, với giống lúa ST25 để làm nên sản phẩm gạo sạch Mai Hóa, HTX chỉ sản xuất được 40 tạ/ha trên diện tích vùng trồng là 4ha. HTX cũng chỉ xuất bán được 10 tấn gạo sạch Mai Hóa với thị trường tiêu thụ chủ yếu ở hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa. Diện tích sản xuất quá ít ỏi, lại phải thu mua nhỏ lẻ từ bà con xã viên nên mặc dù có nhu cầu từ thị trường, HTX vẫn không thể mở rộng sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ. Gạo sạch Châu Hóa (xã Châu Hóa, Tuyên Hóa) cũng khó khăn đầu vào trong khi thị trường lại rất có nhu cầu, bảo đảm về đầu ra sản phẩm.
Hầu hết các HTX, tổ hợp tác (THT) sản xuất gạo OCOP đều phụ thuộc đầu vào từ các hộ xã viên, không có ruộng sản xuất tập trung. Do đó, việc duy trì bền vững quá trình sản xuất là cả một thách thức lâu dài. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX SXKD DVNN Mỹ Lộc Thượng cho biết, do 3 năm trở lại đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh lúa gạo kém hiệu quả nên HTX triển khai đấu thầu giao xã viên thực hiện. Vụ mùa 2022-2023, người đảm nhiệm công việc này khó thu mua sản phẩm bởi giá lúa lên quá cao, nên “bỏ không làm nữa”, vậy là sản phẩm “gạo sạch Lệ Thủy” vắng bóng trên thị trường.
Thách thức duy trì sản phẩm
Giai đoạn trước, gạo sạch Vĩnh Tuy trượt đánh giá OCOP 3 sao cấp tỉnh bởi còn thiếu sân phơi, kho-nhà xưởng với hệ thống máy xay xát tự động, theo như chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh Nguyễn Đức Phùng. Ngay sau đó, cùng với nguồn vốn của HTX, UBND xã đã hỗ trợ để xây dựng sân phơi và hệ thống máy xay xát tự động cũng được chuyển về chờ lắp đặt. Hiện tại, HTX còn thiếu kho-nhà xưởng để lắp đặt thiết bị.
Thời gian tới, nếu không nhận được nguồn hỗ trợ từ Chi cục Phát triển nông thôn để xây dựng công trình này, xã cũng đang có phương án để cùng HTX quyết tâm hoàn thành, đưa hệ thống máy xay xát tự động vào khai thác. Qua đó, nâng tầm thương hiệu gạo và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhưng không phải HTX nào cũng được sự hỗ trợ tích cực như vậy từ chính quyền địa phương, bởi theo ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy khi được hỏi về “số phận” của gạo sạch Lệ Thủy, HTX phải tự mình nỗ lực vươn lên, chính quyền các cấp chỉ có thể hỗ trợ trong giai đoạn đầu mà thôi, doanh nghiệp, HTX, THT phải thực sự là chủ thể của quá trình xây dựng sản phẩm OCOP. Còn Chủ tịch UBND xã An Thủy Lê Văn Quyết thì cho hay, xã đang có kế hoạch làm việc với HTX SXKD DVNN Mỹ Lộc Thượng để có giải pháp phục hồi gạo sạch Lệ Thủy, nhưng chủ yếu vẫn phải do chính nội lực của HTX!
Theo thống kê của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, toàn tỉnh hiện có 5 sản phẩm gạo được công nhận OCOP 3 sao, gồm: Gạo sạch Châu Hóa, gạo sạch Mai Hóa (Tuyên Hóa), gạo sạch Quảng Hòa (TX. Ba Đồn), gạo sạch Nga Hoàng (Lệ Thủy) và gạo hữu cơ Sông Gianh của Công ty CP Tổng công ty Sông Gianh. |
Tại HTX Sản xuất và chế biến nông sản sạch Quảng Hòa (xã Quảng Hòa, TX. Ba Đồn), ông Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết, hiện sản phẩm gạo sạch Quảng Hòa vẫn chưa có được bao bì, nhãn mác hiện đại, hệ thống máy xay xát đã được trang bị, nhưng hiện HTX vẫn chưa có máy đánh bóng. Trong khi để đưa được gạo vào siêu thị, đòi hỏi gạo phải sạch cám. Ngoài ra, khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm vẫn là “điểm nghẽn” của HTX. Sản phẩm chủ yếu “hữu xạ tự nhiên hương”, chưa có kế hoạch truyền thông, giới thiệu bài bản, dẫn đến thị trường tiêu thụ khó mở rộng.
Những khó khăn của các HTX, THT sản xuất lúa gạo cho thấy, để xây dựng sản phẩm gạo OCOP đã khó, việc duy trì và mở rộng thương hiệu lại càng khó khăn hơn. Và một vấn đề có lẽ ít được đề cập đến chính là nguồn nhân lực HTX, THT. Bởi không ít thành viên HĐQT của HTX, thành viên THT chuyên về nông nghiệp đã cao tuổi, chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu về marketing, truyền thông. Do đó, họ khó có thể bắt kịp những yêu cầu của thị trường, nhất là trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường ở bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.
Chỉ khi nào những thách thức đó được giải quyết thấu đáo, bền vững thì gạo OCOP Quảng Bình mới “rộng cửa” đến với các thị trường tiềm năng.
Mai Nhân
>>> Bài 2: Thương hiệu bền vững, mở hướng tương lai