Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

  • 07:30 | Thứ Hai, 27/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Được mệnh danh là “vựa lúa” của tỉnh, nhiều năm qua, huyện Lệ Thủy đã đẩy mạnh phát triển toàn diện ngành nông nghiệp (NN) theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị; đồng thời, tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, hướng đến phát triển ngành NN chất lượng cao, sản xuất sạch và tăng trưởng bền vững...
 
Chủ tịch UBND xã Liên Thủy Phạm Văn Linh đã khái quát về bức tranh NN năm 2023 của địa phương bằng những con số khá ấn tượng: Năng suất lúa bình quânđạt 75,5tạ/ha; sản lượng lúa đạt 6.453,5 tấn, tăng 273,1 tấn so với năm 2022, trong đó, sản lượng lúa đông-xuân đạt gần 5.500 tấn, tăng 426,4 tấn so với lúa đông-xuân năm 2022; tổng giá trị ngành trồng trọt đạt 44,85 tỷ đồng…
 
Theo Chủ tịch UBND xã Liên Thủy, năm qua, việc tổ chức sản xuất NN trên địa bàn gặp một số bất lợi gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của đại bộ phận nông dân, như: Thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan, không theo quy luật; dịch bệnh gây hại đối với cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn; giá cả đầu vào đối với vật tư NN, thức ăn gia súc, gia cầm, thuốc thú y tăng cao; sản phẩm đầu ra đôi lúc ngang và thấp hơn giá thành sản phẩm…Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của chính quyền địa phương, các cấp, ngành, vai trò điều hành của các hợp tác xã (HTX) và sự nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn của bà con nông dân. Vì thế, sản xuất NN đã đạt được những kết quả khá toàn diện, góp phần làm cho bức tranh kinh tế của địa phương tiếp tục tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm…
 
Được biết, những kết quả đạt được trong sản xuất NN ở Liên Thủy khá rõ ràng, tuy vậy, địa phương còn gặp phải những tồn tại cần phải giải quyết triệt để, như: Lịch thời vụ thường bị kéo dài (do khâu làm đất không đáp ứng) dẫn đến lúa vụ đông-xuân trổ kéo dài, không tập trung; thiếu quy chế quản lý về giống đưa vào sản xuất ở các HTX dẫn đến việc đưa nhiều loại giống vào canh tác ảnh hưởng đến thu hoạch; chưa làm tốt công tác dự báo, dự tính về tình hình sâu bệnh, chuột; công tác chỉ đạo chuyển đổi cây trồng thay thế lúa kém hiệu quả, phù hợp với điều kiện canh tác còn chậm, hầu hết các HTX còn thiếu quy hoạch, thiếu mạnh dạn trong tuyên truyền, vận động thành viên HTX thực hiện… 
Năm 2024, huyện Lệ Thủy phấn đấu sản lượng lương thực đạt từ 93.000-94.000 tấn.
Năm 2024, huyện Lệ Thủy phấn đấu sản lượng lương thực đạt từ 93.000-94.000 tấn.
“Năm 2024, xã Liên Thủy sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất NN theo hướng toàn diện và bền vững trên lĩnh vực trồng trọt; đa dạng các loại sản phẩm và nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích; hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất NN, thông qua các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế trọng điểm của địa phương giai đoạn 2021-2025, gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; chương trình, kế hoạch tái cơ cấu ngành NN theo hướng nâng cao giá trị…”, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy cho hay.
 
Tại xã Lộc Thủy, năm 2023 được đánh giá là năm được mùa, được giá, năng suất, sản lượng lúa cao hơn so với năm 2022. Theo đó, giá trị sản xuất NN, thủy sản ở địa phương ước đạt 72 tỷ đồng; tổng diện tích sản xuất lúa đạt 583,64ha; tổng sản lượng lương thực đạt 5.242,8 tấn; bình quân lương thực đầu người đạt 1.312kg/người/năm, tăng so với cùng kỳ là 22kg/người/năm…
 
Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy Dương Công Nhân cho biết, mặc dù sản xuất NN ở địa phương diễn ra trong điều kiện dịch bệnh xuất hiện trên một số diện tích lúa, lịch thời vụ có chậm so với các năm trước (do nhuận hai tháng 2 âm lịch). Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo, định hướng khung lịch thời vụ bảo đảm và chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng năng suất chất lượng cao; đồng thời các HTX đã chủ động trong khâu điều hành sản xuất; các hạng mục công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng, bảo đảm công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất, vì thế, năng suất, sản lượng lúa ngày càng tăng…
 
“Tiếp tục đẩy mạnh phát triển NN toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; chú trọng hoàn thiện các khâu dịch vụ nhằm tăng hiệu quả trong sản xuất NN, như: Công tác giống cây trồng; hình thành liên kết trong bao tiêu sản phẩm; tăng cường ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện kịp thời và có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển NN, đó là một số mục tiêu mà địa phương hướng đến trong sản xuất NN thời gian tới…”, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho hay.
 
Năm 2023, huyện Lệ Thủy có năng suất lúa bình quân đạt 47,01 tạ/ha, bằng 105,36% so với cùng kỳ; sản lượng lúa cả năm đạt 92.166,31 tấn, bằng 105,55% so với cùng kỳ; tổng sản lượng lương thực ước đạt 93.373,47 tấn, bằng 105,45% so với cùng kỳ…
 
Năm 2024, huyện Lệ Thủy đã đặt ra một số chỉ tiêu trong sản xuất NN, như: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 5,0-5,5%; sản lượng lương thực đạt 93.000-94.000 tấn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 24.560 tấn, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm trên 60% tổng giá trị sản xuất NN; trồng rừng tập trung đạt trên 2.300 ha, độ che phủ rừng giữ vững trên 64,38%; tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thuỷ hải sản đạt 12.310 tấn; trên 1.900ha đạt giá trị thu nhập từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên…

Có được kết quả đó là nhờ địa phương đã bố trí lịch thời vụ hợp lý; chú trọng sử dụng giống xác nhận kỹ thuật, bố trí cơ cấu và chủng loại phù hợp với mùa vụ; công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo tình hình dịch hại được thực hiện thường xuyên; nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao được ứng dụng trong trồng trọt, canh tác, như: Thực hiện lúa cải tiến SRI, công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà màng, nhà lưới; công nghệ thiết bị bay không người lái phun thuốc thuốc bảo vệ thực vật...

Mặt khác, nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất; các giống mới, giống tiến bộ kỹ thuật, chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh được quan tâm sử dụng; hệ thống các công trình thủy lợi ngày càng được đồng bộ, nâng cấp sửa chữa, bảo đảm cho tưới, tiêu phục vụ kịp thời cho sản xuất NN…
 
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân cho biết, hiện, địa phương đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong sản xuất lúa, như: Lúa tái sinh vẫn chiếm diện tích lớn, diện tích lúa vụ hè-thu mặc dù có tăng nhưng còn thấp, còn tình trạng bỏ hoang ruộng trong vụ hè-thu; việc mở rộng sản xuất lúa tái sinh ngay cả trên chân ruộng 2 vụ, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp trong vụ đông-xuân nên năng suất lúa tái sinh thấp; sản xuất lúa hè-thu chưa đồng bộ trên toàn huyện, các vùng lúa tái sinh và lúa hè-thu tiếp giáp nhau nên gia tăng nguy cơ chuột phá hại trên lúa hè-thu; đồng thời việc duy trì sản xuất lúa tái sinh cản trở áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất, gây lãng phí khi trên những cánh đồng đã được đầu tư về hệ thống thủy lợi, giao thông…
Ngọc Hải

tin liên quan

Làm giàu từ cây sen

(QBĐT) - Là kỹ sư thủy lợi, có công việc ổn định tại một ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của nhà nước nhưng anh Phan Thanh Sơn (SN 1993, ở thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương, Quảng Trạch) vẫn quyết định bỏ việc về quê khởi nghiệp từ nông nghiệp. Với sức trẻ, sự kiên trì và tâm huyết tạo ra những sản phẩm sạch, bước đầu anh đã gặt hái được "trái ngọt" từ mô hình trồng sen...

Lệ Thủy: Tổ chức hội thi chung sức xây dựng nông thôn mới năm 2023

(QBĐT) - Sáng 25/11, huyện Lệ Thủy tổ chức hội thi chung sức xây dựng nông thôn mới, lần thứ I, năm 2023.

Tổng kết, đánh giá kết quả dự án phòng, chống rác thải nhựa và bảo vệ môi trường

(QBĐT) - Ngày 25/11, tại TP. Đồng Hới, Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo, thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo tổng kết, đánh giá kết quả dự án "Phòng, chống ô nhiễm biển do rác thải nhựa tại phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình".