Sản xuất cây vụ đông trên vùng gò đồi

  • 06:16 | Thứ Sáu, 24/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với lợi thế diện tích đất gò đồi lớn, những năm gần đây, xã Quảng Thạch (Quảng Trạch) đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây vụ đông phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Cứ vào khoảng tháng 7 âm lịch hàng năm, người dân xã Quảng Thạch lại bắt đầu xuống giống trồng các loại cây vụ đông trên diện tích đất đồi của gia đình. Khác với các xã vùng đồng bằng chuyên trồng các loại rau, quả xanh, người dân Quảng Thạch chọn các loại cây phù hợp với điều kiện đất gò đồi, như: Gừng, nghệ, khoai môn, đặc biệt là nén (còn gọi là thun, hành tăm) để trồng.   
 
Trước đây, trên diện tích đất khai hoang của gia đình rộng 8ha, ông Phan Xuân Thủy (thôn 3) chủ yếu trồng rừng kinh tế bằng cây keo, bạch đàn. Sau một thời gian, đất bị thoái hóa, cây bạch đàn và keo không phát triển, cho năng suất và hiệu quả kinh tế kém. Những năm gần đây, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, ông Thủy đã quy hoạch lại trang trại, trong đó dành một phần lớn diện tích để trồng tiêu và các loại cây vụ đông, như: Nghệ, gừng, đặc biệt là cây nén.
Người dân xã Quảng Thạch (Quảng Trạch) chăm sóc cây nén.
Người dân xã Quảng Thạch (Quảng Trạch) chăm sóc cây nén.
Ông Thủy cho biết, hiện gia đình dành hơn 5 sào đất của trang trại để chuyên trồng nén. Bởi đây là loài cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, dễ tiêu thụ, cho thu nhập cao. Sau khoảng hai tháng xuống giống, cây nén sẽ cho thu hoạch lá và thêm 4 tháng nữa sẽ cho thu hoạch củ. Vụ nén vừa qua, trên diện tích 5 sào, gia đình ông Thủy thu hoạch được hơn 1 tấn củ, với giá bán từ 60.000-100.000 đồng/kg, gia đình ông thu về hơn 60 triệu đồng. Ngoài ra, ông Thủy còn trồng thêm gừng, nghệ, khoai môn, là những loại cây vụ đông cho năng suất cao, dễ tiêu thụ.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch Trần Trung Dũng cho biết, hiện toàn xã có trên 60ha đất sản xuất cây vụ đông, trong đó riêng diện tích đất trồng nén là 40ha, tập trung chủ yếu ở thôn 2, thôn 3, thôn 4, thôn 9, với 60% hộ dân tham gia trồng. Trung bình mỗi năm, toàn xã Quảng Thạch thu hoạch được khoảng 70 tấn nén củ, với giá thị trường dao động từ 60 nghìn đồng/kg vào đầu vụ và khoảng 100.000 đồng/kg vào cuối vụ, thu về được gần 3 tỷ đồng. Mặc dù cây nén có giá cả thị trường chưa thực sự ổn định, tuy nhiên ở thời điểm này vẫn hiệu quả hơn so với các loại cây ngắn ngày khác trên cùng một đơn vị diện tích.
 
Nếu như trước đây, lên với xã Quảng Thạch, chúng ta bắt gặp nhiều diện tích đồi bỏ hoang vào những ngày đông thì nay cũng trên những ngọn đồi đó, đều được phủ xanh bởi các loại cây trồng vụ đông, như: Nén, gừng, nghệ, khoai môn… Ngoài việc nâng cao thu nhập, đây là những loại cây thực sự phù hợp với việc biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức khốc liệt như hiện nay. Đồng thời, đây cũng là loại cây để người dân “lấy ngắn nuôi dài”, tận dụng tối đa nguồn lực đất đai, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.
 
Ông Phan Duy An, Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch cho biết: "Với phương châm không để đất bỏ hoang, thời gian tới, địa phương sẽ khuyến khích, động viên bà con tiếp tục duy trì những mô hình trồng trọt các loại cây vụ đông, đặc biệt là cây nén. Đồng thời tiếp tục chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả, qua đó, tận dụng tối đa lợi thế các diện tích đất đồi để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững cho địa phương".
Lâm An

tin liên quan

Chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa

(QBĐT) - Những năm qua, cùng với việc tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Quảng Trạch đẩy mạnh vận động nhân dân chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Bố Trạch: Các chỉ tiêu nông nghiệp đạt và vượt so với kế hoạch

(QBĐT) - Sáng 23/11, UBND huyện Bố Trạch tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn năm 2023.

Tuyên Hóa: Trồng gần 400ha rừng bằng cây bản địa trên đất vi phạm

(QBĐT) - Từ năm 2022 đến nay đã có 213 hộ dân trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đăng ký trồng lại rừng bằng cây bản địa với diện tích gần 400ha trên đất vi phạm.