Măng rừng Hóa Thanh

  • 05:37 | Thứ Ba, 21/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Được sự giúp đỡ của các tổ chức hội cấp trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hóa Thanh (Minh Hóa) đã thành lập tổ hợp tác (THT) chế biến măng rừng. Sau khi đi vào hoạt động, THT đã thu mua măng cho bà con trong xã, chế biến thành nhiều sản phẩm cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều chị em…
 
"Lộc trời" ban tặng
 
Xã miền núi Hóa Thanh được thiên nhiên ban tặng cho những khu rừng nứa, lồ ô, giúp bà con có nguồn thực phẩm và mưu sinh bằng nghề lấy măng từ bao đời nay. So với các địa phương khác, măng ở Hóa Thanh mọc nhiều, ngon, giòn, thơm đặc trưng của núi rừng. Măng nứa và măng lồ ô ở đây thường được dùng để nấu canh, làm nộm, xào, muối chua… Riêng măng khô thì tích trữ để đến dịp Tết, lễ thì đem ra luộc lên rồi xào với thịt, nấm hoặc hầm với xương để đãi khách. 
Người dân xã Hóa Thanh phơi măng khô.
Người dân xã Hóa Thanh phơi măng khô.
Người dân xã Hóa Thanh lấy măng quanh năm, nhưng nhiều nhất là từ tháng 7-10 dương lịch. Bởi thời điểm này, những cơn mưa rừng thường xuất hiện làm cho đất ẩm, măng mọc nhiều hơn. Đến mùa ăn “lộc rừng”, người dân xã Hóa Thanh kéo nhau lên rừng lấy măng. Phần để ăn, phần để bán hoặc phơi khô dự trữ. Măng ở Hóa Thanh được đánh giá cao về chất lượng, hương vị, song việc tiêu thụ khá bấp bênh do phụ thuộc thương lái, thu nhập của người bán măng vì thế cũng không ổn định.
 
Liên kết sản xuất
 
Để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng thời để các sản phẩm từ măng rừng Hóa Thanh vươn xa, có thị trường tiêu thụ ổn định lâu dài, tháng 10/2022, Hội LHPN tỉnh, huyện đã hỗ trợ cho Hội LHPN xã Hóa Thanh thành lập THT chế biến măng rừng. Trước khi thành lập, Hội LHPN tỉnh đã cho 10 thành viên THT vay vốn, mỗi người 5 triệu đồng không tính lãi trong vòng 3 năm để sản xuất măng.
 
Sau hơn một năm đi vào hoạt động, THT đã thu mua cho bà con gần 3 tấn măng rừng tươi, gồm: Măng nứa, măng lồ ô, măng mai… Trong đó có khoảng 1 tấn được dùng để chế biến măng khô. Số măng còn lại được THT chế biến thành nhiều sản phẩm, như: Măng nấu lá thuốc, măng chua, măng luộc chấm muối chéo, măng tươi luộc cấp đông… Hiện, THT đã đầu tư máy hút chân không, in nhãn mác để đóng gói, tủ đông bảo quản sản phẩm.
 
Chị Hoàng Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN nữ xã Hóa Thanh, Tổ trưởng THT cho biết: “Bình quân mỗi tấn măng tươi sau khi chế biến sẽ còn lại khoảng 2 tạ măng khô. So với măng tươi thì măng khô được chế biến công phu, để được lâu ngày nên giá bán cao hơn. Các sản phẩm của HTX chế biến măng rừng Hóa Thanh đều được lấy từ măng rừng, sau đó được các thành viên THT chế biến bằng phương pháp thủ công nên sản phẩm giữ được vị thơm, ngon, sạch sẽ. Nhờ chất lượng tốt và được quảng bá nên sản phẩm của THT được nhiều người biết đến. Có những ngày, THT bán ra thị trường cả tạ măng, giúp chị em có nguồn thu nhập khá”.
Sản phẩm măng chua Hóa Thanh có vị ngon, giòn, thơm đặc trưng của núi rừng.
Sản phẩm măng chua Hóa Thanh có vị ngon, giòn, thơm đặc trưng của núi rừng.
Chị Cao Thị Ký, thành viên THT chế biến măng rừng ở xã Hóa Thanh tâm sự: “Trước đây, tôi lấy măng rừng về chủ yếu để ăn và phơi khô dự trữ. Nhưng từ khi tham gia THT, măng của tôi lấy về chế biến và bán hết, lại được giá cao hơn. Không những thế, đôi khi tôi còn mua măng của chị em ngoài THT để về chế biến. Hiện chúng tôi cũng đang tập trung làm măng tươi cấp đông để bán trong mùa mưa rét”.
 
Đến mùa măng, chị Ký lên rừng hái mỗi ngày được từ 20-30kg măng tươi. Sau khi chế biến thành các sản phẩm, chị bán 1kg măng tươi với giá 20.000 đồng; trong khi măng phơi khô bán được có giá 300.000 đồng/kg.
 
Đa dạng sản phẩm
 
Măng rừng Hóa Thanh được chế biến đa dạng thành nhiều món ăn nên sản phẩm được nhiều người biết đến. Hiện các sản phẩm của THT đang cung cấp rộng rãi cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh khác nhau thông qua việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
 
Chi Đinh Thị Hồng, một người thường xuyên bán măng ở chợ Quy Đạt (Minh Hóa) cho hay: “Tôi thường nhập các sản phẩm từ THT chế biến măng rừng Hóa Thanh về bán. Qua một thời gian, tôi thấy khách hàng mua khá nhiều, đánh giá rất tốt về các sản phẩm và quay lại mua nhiều lần”.
 
Chủ tịch UBND xã Hóa Thanh Phạm Hồng Sơn cho biết: “Khi THT phát triển, thị trường tiêu thụ ổn định, xã sẽ vận động bà con trồng thêm các loại măng tại vườn nhà để đa dạng hóa sản phẩm, chủ động được nguồn nguyên liệu. Để sản phẩm được vươn xa, xã cũng đang cố gắng xây dựng thương hiệu cho măng rừng Hóa Thanh thành sản phẩm OCOP trong tương lai”.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Minh Hóa Đinh Thị Ngọc Lê cho biết: “Để người tiêu dùng biết đến sản phẩm măng rừng Hóa Thanh, chúng tôi đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho THT mang sản phẩm đến các hội thảo, hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại hoặc các nhà hàng để giới thiệu, quảng bá. Vì thế sản phẩm măng rừng Hóa Thanh đã có nhiều người biết đến. Từ khi thành lập, THT đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ trong xã qua việc đi lấy, chế biến măng rừng”.

Cũng theo bà Đinh Thị Ngọc Lê, do THT mới đi vào hoạt động, thị trường tiêu thụ còn hạn chế nên chị em chưa mạnh dạn sản xuất nhiều. Hiện các tổ chức hội và chính quyền địa phương đang kêu gọi các nguồn lực để hỗ trợ THT mua máy sấy măng; liên kết tiêu thụ sản phẩm, tuyên truyền, quảng bá, kết nối để các thành viên tham gia các lớp tập huấn marketing, kỹ thuật chế biến để sản phẩm từ măng rừng thêm phong phú, chất lượng đến với người tiêu dùng…
Xuân Vương

tin liên quan

Giải ngân kịp thời nguồn vốn chính sách

(QBĐT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 181/NQ-CP (NQ 181) về việc điều chỉnh nhiệm vụ chi thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo Nghị quyết số 11/NQ-CP (NQ 11).

Chuyện quản lý: Rùng mình với thực phẩm bẩn

(QBĐT) - Tới đây, trước thông tin nghi vấn cá khoai dương tính với foocmon xuất hiện tại huyện Bố Trạch, cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra sự việc.

Tập trung chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp

(QBĐT) - Với mục tiêu tập trung thực hiện chuyển đổi số ngành Nông nghiệp đồng bộ, toàn diện theo hướng phát triển NN công nghệ cao, thông minh