Hương trầm Trung Quán

  • 15:17 | Thứ Bảy, 04/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thôn Trung Quán (xã Duy Ninh, Quảng Ninh) được biết đến là nơi sản xuất, cung ứng các sản phẩm trầm hương “sạch”, chất lượng. Với mong muốn trầm hương Trung Quán vươn ra “biển lớn”, địa phương đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp sản xuất, chế biến trầm hương Trung Quán để cùng kết nối, xây dựng thương hiệu, liên kết thị trường.
 
Xây dựng thương hiệu
 
Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã Duy Ninh, chúng tôi đến thăm các cơ sở sản xuất và chế biến trầm hương “có tiếng” trên địa bàn. Tại cơ sở sản xuất và mua bán trầm hương Trần Hằng của ông Trần Văn Vinh, nhân công đang hối hả làm việc. Người đục, người xoi… ai nấy đều tỉ mỉ thực hiện các công đoạn khác nhau để tạo nên những sản phẩm mỹ nghệ từ trầm hương.
Các sản phẩm sản xuất từ trầm hương của cơ sở sản xuất và mua bán trầm hương Trần Hằng, thôn Trung Quán.
Các sản phẩm sản xuất từ trầm hương của cơ sở sản xuất và mua bán trầm hương Trần Hằng, thôn Trung Quán.
Vừa nhanh tay giới thiệu những sản phẩm được chế tác từ trầm hương, ông Vinh vừa chia sẻ về hành trình “bén duyên” với nghề. Trước đây, ông Vinh là một trong những người tìm trầm có tiếng ở địa phương. Sau nhiều năm bươn chải, vất vả ngược xuôi, ông quyết định “nghỉ” và mở cơ sở mua bán, sản xuất trầm hương tại nhà.
 
Ban đầu, cơ sở chủ yếu mua bán trầm nguyên liệu và chế tác một vài sản phẩm từ trầm hương. Đến năm 2020, cơ sở của gia đình ông Vinh mở rộng thị trường với đa dạng các sản phẩm, như: Nhang nụ, trầm hương chưng cảnh, tượng trầm, bút, vòng tay và trang sức trầm hương…
 
Vốn gắn bó với nghề và hiểu được giá trị của trầm hương nên ông Vinh luôn chỉnh chu trong việc tạo ra sản phẩm. Tất cả các sản phầm đều làm ra từ trầm hương nguyên chất với tiêu chí sạch, an toàn và thân thiện với môi trường. Để có nguồn nguyên liệu chất lượng, ông Vinh tự mình tới những vùng trồng cây dó bầu có uy tín ở Hà Tĩnh, Nghệ An… tìm hiểu và chọn mua. Mỗi năm, cơ sở của ông Vinh thu mua hơn 20 tấn nguyên liệu để sản xuất trầm thành phẩm.
 
Và để có những sản phẩm trầm hương đẹp, chất lượng, các công đoạn: Bổ, đục, đẽo và xoi trầm đòi hỏi người thợ phải có tay nghề và kinh nghiệm. Khi bổ trầm phải nhìn đặc điểm từng cây để có cách bổ hợp lý, tạo được những miếng trầm thô chất lượng nhất.
Nghề làm hương trầm góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Nghề làm hương trầm góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
“Ngoài chất lượng sản phẩm, chúng tôi tích cực cải tiến mẫu mã, bao bì, nhãn mác… đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện tại, thị trường tiêu thụ sản phẩm từ trầm hương của cơ sở rất ổn định. Không chỉ tiêu thụ ở trong nước, cơ sở còn xuất ra thị trường các nước, như: Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… đem lại doanh thu ổn định từ 4-5 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với thu nhập hơn 6 triệu đồng/người/tháng”, ông Vinh chia sẻ.
 
Kết nối để vươn xa
 
Hiện nay, trên địa bàn thôn Trung Quán có 15 cơ sở sản xuất và chế biến trầm hương, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 150 lao động. Để nghề sản xuất và chế biến trầm hương phát triển bền vững, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp sản xuất, chế biến trầm hương Trung Quán (THNN trầm hương Trung Quán) với 15 thành viên tham gia.
 
Anh Lê Văn Thái, Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Ninh cho biết, thành viên tham gia THNN trầm hương Trung Quán là những cơ sở chuyên sản xuất và chế biến trầm hương trên địa bàn. Việc thành lập THNN không chỉ tạo sự liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất mà còn góp phần phát triển nghề, xây dựng và quảng bá thương hiệu trầm hương Trung Quán đến với thị trường.
Để có những sản phẩm trầm hương đẹp, chất lượng, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề và kinh nghiệm.
Để có những sản phẩm trầm hương đẹp, chất lượng, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề và kinh nghiệm.
Theo ông Trần Văn Vinh, Tổ trưởng THNN trầm hương Trung Quán, dù nghề sản xuất và chế biến trầm hương ở địa phương đã có từ nhiều năm về trước nhưng chưa tạo dựng được thương hiệu trên thị trường vì đa số các hộ làm trầm vẫn thực hiện theo kiểu tự phát, tự tìm kiếm thị trường. Cơ sở nào kết nối tốt với khách hàng thì tiêu thụ sản phẩm nhanh và ngược lại.
 
Đặc biệt, nghề làm trầm còn được biết đến là nghề rất “kén người”, nếu không có kinh nghiệm, uy tín, sự tin cậy đối với khách hàng thì rất khó để phát triển. Để có thể phát triển bền vững trong tương lai, các thành viên trong tổ hội đã liên kết, hỗ trợ nhau trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
 
Công ty Mua bán và chế xuất thành phẩm trầm hương Trần Văn Bình, ở thôn Trung Quán đã có “thâm niên” hơn 8 năm xuất khẩu sản phẩm trầm hương ra thị trường quốc tế. Mỗi năm, công ty cung ứng ra thị trường các nước Trung Đông, Thái Lan, Singapore… hơn 5 tấn trầm hương, doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm (đã trừ chi phí) và giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động.
Mỗi năm, Công ty Mua bán và chế xuất thành phẩm trầm hương Trần Văn Bình xuất ra thị trường nước ngoài hơn 5 tấn trầm miếng cao cấp.
Mỗi năm, Công ty Mua bán và chế xuất thành phẩm trầm hương Trần Văn Bình xuất ra thị trường nước ngoài hơn 5 tấn trầm miếng cao cấp.

Giám đốc công ty Trần Văn Bình cho biết, công ty chuyên mua bán và chế xuất sản phẩm trầm miếng cao cấp. Sau khi mua trầm nguyên liệu, công ty sẽ chế tác, làm sạch thành trầm miếng thành phẩm và xuất đi nước ngoài. Không chỉ thu mua sản phẩm trầm miếng cao cấp ở các cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh, công ty còn đứng ra kết nối, tiêu thụ sản phẩm trầm miếng cho các cơ sở sản xuất và chế biến trầm hương trên địa bàn thôn Trung Quán.

“Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ THNN trầm hương Trung Quán về nhãn mác, trích xuất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm, hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP trầm hương Trung Quán”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh Nguyễn Quang Tuyển cho biết thêm.

“Nhu cầu thu mua sản phẩm trầm miếng cao cấp tại các nước Trung Đông rất lớn. Đây là thị trường rất tiềm năng, chỉ cần bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng thì không phải lo về thị trường tiêu thụ. Hiện nay, tôi đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất vừa để nâng cao hiệu quả kinh doanh, vừa tạo thêm việc làm cho lao động địa phương”, anh Bình chia sẻ.

“Nghề sản xuất và chế biến trầm hương ở Trung Quán không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn mang lại giá trị xã hội rất lớn. Không chỉ tạo việc làm ổn định cho lao động trong độ tuổi, nghề làm trầm hương còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn tại địa phương. Để thương hiệu trầm hương Trung Quán có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, rất mong chính quyền các cấp và các ngành chức năng tạo điều kiện về vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ việc liên kết, tìm kiếm thị trường”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Ninh Lê Văn Thái cho hay.
Lan Chi

tin liên quan

Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới

(QBĐT) - Những năm qua, các chương trình tín dụng do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai đã góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Khi người dân được tiếp cận nguồn vốn vay

(QBĐT) - Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) TX. Ba Đồn đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tín dụng chính sách trên địa bàn, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các gia đình chính sách có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Làm giàu từ nuôi dúi

(QBĐT) - Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, anh Trần Ngọc Hòa (SN 1990) ở tổ dân phố 1 Phú Vinh, phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới) đã xây dựng thành công mô hình nuôi dúi tại nhà. Qua 2 năm, mô hình của anh đã cho thu nhập cao, mở ra hướng đi mới cho nhiều người dân có ý tưởng khởi nghiệp.