Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới

  • 06:34 | Thứ Hai, 30/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, các chương trình tín dụng do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai đã góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021-2025, NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình đã phát động đến toàn thể cán bộ và người lao động gắn với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của đơn vị.
 
Giám đốc NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình Trần Văn Tài cho biết, đơn vị luôn chủ động phối hợp với các ban, ngành tham mưu các chính sách liên quan đến tín dụng CSXH góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM. Các phong trào thi đua đã thực sự trở thành động lực, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo trong mỗi cán bộ, viên chức, người lao động. Cán bộ NHCSXH luôn nỗ lực bám sát cơ sở, chuyển tải vốn kịp thời cho vay đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần vào xây dựng NTM, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
 
Vốn tín dụng CSXH đã “phủ sóng” đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên cho vay ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa và đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, các xã xây dựng NTM.
Nguồn vốn chính sách đã giúp nhiều lao động nông thôn phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập.
Nguồn vốn chính sách đã giúp nhiều lao động nông thôn phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập.
Tính đến đầu tháng 10/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn là 4.933 tỷ đồng (tăng 1.458 tỷ đồng so với đầu năm 2021), với 20.112 hộ vay vốn còn dư nợ. Một số chương trình có doanh số cho vay lớn, như: Cho vay nhà ở xã hội 787,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm 398,8 tỷ đồng, hộ nghèo 458,7 tỷ đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường 883,5 tỷ đồng…
 
Phó Giám đốc Phòng Giao dịch (PGD) NHCSXH huyện Minh Hóa Nguyễn Tất Thành cho biết, giảm nghèo là mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, thời gian qua, PGD NHCSXH huyện Minh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách (TDCS) đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các trường hợp chính sách khác trên địa bàn. Từ nguồn vốn tín dụng CSXH, nhiều hộ dân tại các xã, thị trấn đã đẩy mạnh đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập.
 
Được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của PGD NHCSXH huyện Minh Hóa, gia đình anh Đinh Tiến Huấn ở thị trấn Quy Đạt đã có nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở kinh doanh dịch vụ. Với vốn vay 65 triệu đồng, anh đã mở xưởng kinh doanh dịch vụ in ấn, quảng cáo, giải quyết việc làm thường xuyên và ổn định cho 5 lao động. Từ một hộ có hoàn cảnh khó khăn của địa phương, đến nay gia đình anh Huấn đã thu lãi từ 120-150 triệu đồng/năm.
 
Nguồn vốn TDCS đã góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng được hoàn thiện, giá trị văn hóa được bảo tồn, an ninh chính trị được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. “Từ nguồn vốn TDCS mà chi nhánh đang thực hiện trên địa bàn đã góp phần không nhỏ trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021-2023. Đến nay, tổng số xã trên địa bàn đã thực hiện hoàn thành chương trình xây dựng NTM là 95 xã/128 xã, đạt 74,22%”, Giám đốc NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình Trần Văn Tài cho biết thêm.
 
Giai đoạn 2021-2023, nguồn vốn tín dụng CSXH đã hỗ trợ, tạo việc làm cho gần 84.301 lao động; hơn 1.387 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; giải ngân 33.949 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 1.753 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp…

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng CSXH về giảm nghèo bền vững, chung tay xây dựng NTM và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, thời gian tới, NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình tiếp tục tham mưu triển khai, thực hiện tốt Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Toàn ngành phấn đấu hoàn thành 100% các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, kế hoạch nguồn vốn, kế hoạch tài chính, mua sắm tài sản, xây dựng cơ bản... được giao hàng năm; đẩy mạnh công tác huy động các nguồn vốn và làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn giải ngân các chương trình TDCS; tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia đã được Chính phủ ban hành, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó, đơn vị tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động ủy thác, bảo đảm quản lý tốt hoạt động tín dụng CSXH trong giai đoạn tới.

Lan Chi

tin liên quan

Lệ Thủy: Đánh giá, phân hạng 12 sản phẩm OCOP

(QBĐT) - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lệ Thủy Trần Duy Hưng cho biết, thực hiện đề án "Mỗi xã một sản phẩm", địa phương vừa tổ chức đánh, giá phân hạng 12 sản phẩm OCOP của 11 chủ thể trên địa bàn.

Chế biến thủy hải sản: Giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm

(QBĐT) - Hiện nay, đa phần các cơ sở chế biến thủy hải sản trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Bố Trạch nói riêng đều có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu là sản phẩm thô, thị trường tiêu thụ nội địa… Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, các doanh nghiệp, chủ cơ sở chế biến thủy hải sản trên địa bàn huyện Bố Trạch đã và đang thực hiện nhiều giải pháp phù hợp, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng tầm sản phẩm.

Hướng đến chăn nuôi bền vững

(QBĐT) - Chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ, phân tán đã không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay bởi tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh và quản lý ngày càng cao về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, việc di dời các cơ sở chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ ở các khu dân cư đang là xu thế tất yếu.