Khi người dân được tiếp cận nguồn vốn vay

  • 09:52 | Thứ Hai, 30/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) TX. Ba Đồn đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tín dụng chính sách trên địa bàn, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các gia đình chính sách có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.
 
Phó Giám đốc PGD NHCSXH TX. Ba Đồn Lê Quang Ngọ cho biết, đến 30/9/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của thị xã đạt 623.797 triệu đồng, đạt 98,8% kế hoạch giao, với 8.658 hộ còn dư nợ, bình quân dư nợ 72,1 triệu đồng/hộ, tăng 5,26 triệu đồng/hộ so với đầu năm 2023. Trong đó, dư nợ từ nguồn vốn Trung ương 604.363 triệu đồng, dư nợ từ nguồn vốn ngân sách địa phương 19.433 triệu đồng.
 
Một số chương trình tín dụng tăng trưởng cao, như: Chương trình cho vay nhà ở xã hội, vay hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ nghèo, hộ cận nghèo… Các chương trình đã hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn giúp bà con nông dân, các hộ kinh doanh trên địa bàn có điều kiện đầu tư sản xuất, tái sản xuất và duy trì hoạt động kinh doanh phù hợp với những biến động của thị trường.
Nhờ nguồn vốn vay, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh đã giảm được áp lực chi phí cho con học đại học.
Nhờ nguồn vốn vay, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh đã giảm được áp lực chi phí cho con học đại học.
Từng là cán bộ Đoàn, anh Phạm Quang Trung, thôn Phú Trịch, xã Quảng Lộc luôn muốn thực hiện các mô hình mới, hay và hiệu quả để đoàn viên trong xã học tập và làm theo nhằm nâng cao thu nhập và làm giàu trên đồng đất quê hương. Năm 2019, khi tham gia dự án trồng dừa xiêm lùn tại địa phương, anh Trung bắt đầu có ý tưởng thực hiện các mô hình chăn nuôi dưới tán dừa nhằm tăng thu nhập cũng như "lấy ngắn nuôi dài" để chăm sóc vườn dừa của gia đình. Vì vậy, anh đã mạnh dạn vay 120 triệu đồng từ PGD NHCSXH TX. Ba Đồn để đầu tư sản xuất, phát triển các mô hình chăn nuôi.
 
Hiện dưới tán rừng dừa xiêm, anh đã thực hiện các mô hình chăn nuôi tổng hợp, gồm: Trâu, bò, lợn, lợn rừng, nuôi ếch, cá chạch, lươn, ốc bươu đen trên bạt lót… Ngoài ra, anh còn mạnh dạn đầu tư 2 hồ nuôi tôm với diện tích 6.000m2. Đến nay, các mô hình đã phát huy hiệu quả, cho thu nhập cao. Mỗi năm, trừ chi phí thu về cho gia đình anh khoảng 250 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương.
 
Anh Phạm Quang Trung cho biết, nhờ vốn vay của PGD NHCSXH huyện mà nay tôi đã thực hiện được các mô hình như mong muốn. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư chuồng trại để mở rộng các mô hình nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi cho các đoàn viên cũng như người dân địa phương.
 
Bên cạnh chương trình vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, chương trình tín dụng cho vay học sinh, sinh viên (HS, SV) có hoàn cảnh khó khăn của NHCSXH cũng đã trở thành người bạn đồng hành, hỗ trợ kịp thời HS, SV theo đuổi ước mơ học tập, tạo dựng tương lai, đóng góp tích cực trong việc phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ nguồn vốn vay này, nhiều gia đình có thể nuôi con ăn học thành tài.
Chăn nuôi tổng hợp dưới tán dừa xiêm đã đem lại thu nhập đáng kể cho anh Phạm Quang Trung.
Chăn nuôi tổng hợp dưới tán dừa xiêm đã đem lại thu nhập đáng kể cho anh Phạm Quang Trung.
Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Thanh, phường Quảng Thuận. Chị Thanh có hoàn cảnh khó khăn, chồng mất sớm, một mình chị phải gồng gánh nuôi 2 đứa con từ khi còn nhỏ. Khi con trai lớn đậu đại học, chị vừa mừng vừa lo, bởi sợ không đủ tiền chu cấp cho con ăn học. Nhờ sự hỗ trợ vốn vay HS, SV nên đến nay con trai lớn của chị đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Chị tiếp tục xin hỗ trợ vay vốn để lo cho đứa con trai thứ 2 đang học đại học.
 
Hiện, trên địa bàn TX. Ba Đồn có 56 HS, SV vay vốn với tổng dư nợ hơn 2 tỷ đồng. Đặc biệt, từ năm 2022, mức cho vay tối đa được điều chỉnh từ 2,5 lên 4 triệu đồng/tháng đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho nhiều hộ gia đình, tạo điều kiện cho các em duy trì việc học tập, hướng tới có cuộc sống khá hơn.
 
Chị Thanh cho biết: Tôi thấy việc ngân hàng điều chỉnh cho vay tối đa 4 triệu đồng/HS, SV/tháng là phù hợp, bởi thực tế hiện nay giá cả các mặt hàng đều tăng, học phí tăng, chi phí ăn học của HS, SV rất tốn kém. Tôi sẽ cố gắng hỗ trợ thêm để con tôi tốt nghiệp ra trường, có việc làm ổn định là sẽ trả nợ ngân hàng theo quy định.
 
Để giảm áp lực thu hồi nợ khi món vay đến hạn cuối cùng, PGD NHCSXH TX. Ba Đồn luôn chú trọng nguồn tiền gửi hàng tháng của tổ viên, đó là một trong những biện pháp để tăng thu hồi nợ theo phân kỳ hiệu quả nhất.

Theo Phó Giám đốc PGD NHCSXH TX. Ba Đồn Lê Quang Ngọ, để nguồn vốn ưu đãi đạt hiệu quả cao, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tranh thủ tối đa sự hỗ trợ nguồn vốn từ Trung ương để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, đồng thời chủ động khai thác, huy động các nguồn lực tại địa phương nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm của các đối tượng thụ hưởng, góp phần nâng cao hiệu quả tín dụng CSXH. Khi có nguồn vốn phân giao mới, kịp thời tham mưu cho Ban đại diện HĐQT thị xã phân bổ vốn theo hướng ưu tiên cho các xã, phường có điều kiện kinh tế khó khăn, thiên tai, xã khó khăn; bám sát chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2023 của từng chương trình để giải ngân nhanh chỉ tiêu vốn mới, bảo đảm hoàn thành sớm các chỉ tiêu kế hoạch được giao, tránh lãng phí vốn...

Thanh Hoa

tin liên quan

Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới

(QBĐT) - Những năm qua, các chương trình tín dụng do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai đã góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Lệ Thủy: Đánh giá, phân hạng 12 sản phẩm OCOP

(QBĐT) - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lệ Thủy Trần Duy Hưng cho biết, thực hiện đề án "Mỗi xã một sản phẩm", địa phương vừa tổ chức đánh, giá phân hạng 12 sản phẩm OCOP của 11 chủ thể trên địa bàn.

Chế biến thủy hải sản: Giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm

(QBĐT) - Hiện nay, đa phần các cơ sở chế biến thủy hải sản trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Bố Trạch nói riêng đều có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu là sản phẩm thô, thị trường tiêu thụ nội địa… Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, các doanh nghiệp, chủ cơ sở chế biến thủy hải sản trên địa bàn huyện Bố Trạch đã và đang thực hiện nhiều giải pháp phù hợp, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng tầm sản phẩm.