Chuyện quản lý: Giữ lấy rừng thông!

  • 07:25 | Thứ Sáu, 27/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện, toàn tỉnh có khoảng 9.600ha thông nhựa do các công ty, đơn vị, địa phương quản lý. Với đặc tính chịu nóng và thích nghi tốt với vùng đất khô cằn nên cây thông được trồng nhiều ở vùng gò đồi để lấy nhựa, gỗ, phục vụ nhu cầu trong đời sống xã hội. Trên thị trường, nhựa thông được bán với giá từ 23.000-27.000 đồng/kg, so với keo lai và cao su thì trồng thông có hiệu quả kinh tế bền vững hơn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, diện tích thông nhựa đang bị thu hẹp dần do người trồng không còn mặn mà như trước bởi nguồn thu “nhỏ giọt” chứ không phải “một cục” như keo lai. Đồng thời, vì “lợi ích kép” khi vừa thanh lý được thông vừa trồng được keo, nên những đồi thông rất đẹp ở Đồng Hới, Quảng Ninh, Bố Trạch… bị chặt hạ không thương tiếc để dành đất trồng keo.
 
Phải nói rằng, keo lai một thời được xem là cây “xóa đói, giảm nghèo” vì dễ trồng và với chu kỳ thu hoạch ngắn nên người dân sẽ có ngay một khoản tiền khá lớn để trang trải cuộc sống gia đình. Nhưng qua thời gian, cây keo lai đã bộc lộ nhiều hạn chế, như: Không giữ được đất, không có thảm thực vật để giữ nước…, nên dẫn đến hiện tượng sạt lở trong mùa mưa bão, khô hạn vào mùa nắng nóng. Theo các nhà khoa học, keo lai là cây công nghiệp, mặc dù có hiệu quả về mặt kinh tế nhưng không có lợi đối với môi trường, thổ nhưỡng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.
 
Trong khi đó, để có một cây thông trưởng thành tuy mất rất nhiều thời gian chăm sóc, nhưng với tuổi thọ cao nên người trồng có thể thu hoạch nhựa lâu dài, đóng góp hiệu quả đối với môi trường sinh thái. Chính vì vậy, tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, người dân đề nghị có biện pháp bảo vệ rừng thông (thuộc sự quản lý của Công ty CP Giống lâm nghiệp vùng Bắc Trung Bộ) trên địa bàn xã Vạn Trạch (Bố Trạch) nhằm gìn giữ môi trường tự nhiên, vì việc khai thác rừng không đi cùng với quá trình tái tạo rừng.
 
Đặc biệt, hiện nay chúng ta đang có chủ trương trồng cây bản địa ở đầu nguồn các dòng sông để bảo vệ môi trường, và trực tiếp chăm sóc, bảo vệ là những người dân đang có cuộc sống khó khăn, thì ở miền xuôi đủ đầy, khấm khá hơn lại phá thông trồng keo liệu có hợp lý.
Trần Minh Văn

tin liên quan

Triển khai gia hạn nợ cho khách hàng

(QBĐT) - Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lệ Thủy vừa triển khai chương trình hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng thực hiện gia hạn nợ theo Quyết định số 54 về việc ban hành quy định gia hạn nợ trong hệ thống NHCSXH.
 

Quảng Ninh: Nâng tầm sản phẩm OCOP

(QBĐT) - Sau gần 5 năm triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), đến nay, trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã có 18 sản phẩm (SP) được xếp hạng OCOP. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, nhiều sản phẩm OCOP đã khẳng định được thương hiệu, uy tín trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Tiết kiệm và vốn vay thôn, bản: "Một vốn nhiều lời"

(QBĐT) - Trong sự khởi sắc của phong trào phụ nữ huyện Minh Hóa, hoạt động của các nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn, bản đã có nhiều đóng góp quan trọng.