Thay thế những cánh rừng

  • 06:20 | Thứ Hai, 20/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, nhiều chủ rừng trên địa bàn Quảng Bình đã tích cực trồng rừng thay thế (RTT) bằng cây bản địa để bổ sung lại cho diện tích rừng đã mất từ các dự án. Đến nay, nhiều diện tích RTT đã phát triển xanh tốt, phát huy vai trò phòng hộ, bảo vệ nguồn nước, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu…
 
Để trồng RTT, hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) thông báo cho chủ rừng đăng ký nhu cầu và trình UBND tỉnh xem xét. Sau khi xem xét, sở chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thẩm định hồ sơ đạt yêu cầu mới trình UBND tỉnh xem xét,  phê duyệt.
 
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Văn Duẫn cho biết: “Triển khai trồng RTT, chi cục đã phối hợp với Quỹ bảo vệ phát triển rừng (BVPTR) cùng các đơn vị, địa phương liên quan thẩm định khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đủ điều kiện mới cho trồng. RTT chủ yếu được trồng bằng các cây bản địa, gồm: Dổi, huỵnh, lim xanh, lát hoa, dẻ, huê… trên đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng”.
 
Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có 12 đơn vị chủ rừng triển khai trồng RTT, trong đó có những đơn vị trồng nhiều, như: Ban Quản lý (BQL) Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong 204ha, BQL Rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình, BQL Rừng phòng hộ Quảng Trạch 182ha, UBND huyện Quảng Ninh trên 152ha…
 
Đến thời điểm này, BQL Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong đã trồng trên 204ha RTT. Rừng được trồng chủ yếu trên đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ tại khoảnh 3,4,5 tiểu khu 525 và 526. Khu vực này thuộc xã Kim Thủy, cách đường Hồ Chí Minh nhánh Đông khoảng 20km và giáp với tỉnh Quảng Trị.
 
Ông Bạch Thanh Hải, Giám đốc BQL Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong cho biết: “Đây là khu vực có rừng khá giàu, lại là nơi sinh sống của nhiều loại động vât hoang dã. Do vậy, đơn vị lựa chọn những tiểu khu này để trồng RTT bằng cây bản địa nhằm làm giàu thêm cho rừng, giữ nguồn nước, tạo môi trường sống đa dạng cho các loài động vật hoang dã”.
 
Để trồng RTT, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong đã thuê đơn vị về khảo sát, lập hồ sơ, phương án, thi công. Trong quá trình trồng, đơn vị thi công đã thuê nhiều người dân địa phương phát dọn thực bì, đào hố, vận chuyển cây giống, trồng, chăm sóc dưới sự giám sát của ban...
 
Anh Lê Quý Đạt, cán bộ kỹ thuật của ban cho hay: “Quá trình trồng RTT của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn do vận chuyển cây giống phải dùng xe tải chuyên dụng, xe máy và sức người. Thực bì trong rừng dày, phát triển rất nhanh nên công tác dọn dẹp mất nhiều thời gian, công sức. Nhiều người dân trên địa bàn còn thả rong trâu, bò vào rừng gây ảnh hưởng đến cây cối”.
 
Để bảo vệ, chăm sóc rừng trồng, đơn vị đã rào thép gai được 80ha, thuê người dân bản địa vào dựng lán, ăn ở lại để bảo vệ rừng, xua đuổi trâu, bò. Đối với diện tích rừng mới trồng 2 năm đầu, ban đã cử cán bộ kỹ thuật và thuê người dân vun gốc, trồng dặm, phát dây leo, thực bì… mỗi năm 2 lần. Đối với những diện tích trồng được 3 năm thì chăm sóc mỗi năm một lần, công việc chủ yếu là dọn thực bì và phát dây leo. Nhờ được chăm sóc chu đáo nên RTT của đơn vị sống đạt trên 85%, có những cây lim đã phát triển cao 1,5m và xoè tán.
 
Rừng thay thế của BQL Rừng phòng hộ Quảng Trạch phát triển tốt.
Rừng thay thế của BQL Rừng phòng hộ Quảng Trạch phát triển tốt.
Từ năm 2019 đến nay, BQL Rừng phòng hộ Quảng Trạch đã trồng thêm 182ha RTT, nâng tổng số diện tích rừng trồng bằng cây bản địa của đơn vị lên gần 1.400ha, gồm các loại: Lim xanh, dẻ, huê trồng hỗn giao với keo tai tượng.
 
Ông Lê Ngọc Duẩn, Giám đốc BQL Rừng phòng hộ Quảng Trạch cho biết: “Hàng năm, đơn vị đều rà soát quỹ đất để đăng ký kế hoạch trồng RTT. Trong phương án được lập để trình UBND tỉnh, đơn vị cũng đã tập trung vào những nơi đất trống đồi núi trọc, có diện tích trồng cây phải đạt 0,5ha trở lên. Từ kết quả rà soát, đăng ký, UBND tỉnh đã giao kế hoạch trồng RTT trên đất rừng phòng hộ và đơn vị tiến hành thiết kế, dự toán ngân sách… sau đó triển khai thực hiện”.
 
Triển khai trồng RTT, đơn vị cho nhân viên và thuê người dân vào rừng phát luống, vận chuyển cây giống bằng xe máy và gùi đi bộ. Trong năm đầu tiên, BQL Rừng phòng hộ Quảng Trạch tập trung trồng keo hai bên luống để tạo bóng, hỗ trợ cho các cây bản địa. Khi cây keo được 1 năm tuổi, phát triển tốt thì bắt đầu trồng cây bản địa. Từ năm 2019 đến nay, bình quân mỗi năm đơn vị trồng được 40ha RTT.
 
Vào thăm khu RTT hàng chục ha bằng cây bản địa tại xã Quảng Thạch, chúng tôi đã thấy những cây huê, dẻ, lim được trồng hơn 3 năm tuổi đã vươn cao trên 2m. Trong rừng còn nhiều cây bản địa khác tự mọc cũng phát triển xanh tốt.
 
Ông Lê Ngọc Duẩn chia sẻ thêm: “Trong quá trình trồng RTT, BQL Rừng phòng hộ Quảng Trạch đã kiểm tra thường xuyên diện tích cây trồng mới, nếu cây nào chết thì phải trồng lại ngay. Qua một năm, đơn vị phải huy động lực lượng, thuê thêm người dân vào vun xới gốc, dọn thực bì xung quanh. Khi cây phát triển ổn định, cạnh tranh được chất dinh dưỡng, ánh sáng với những cây xung quanh thì không phải vun gốc nữa mà chỉ phát thực bì. Nhờ được trồng, chăm sóc, bảo vệ tốt nên tỷ lệ cây sống và phát triển đạt trên 90%”.
 
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Văn Duẫn đánh giá: “Mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn, vất vả song các chủ rừng trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực trồng, chăm sóc, bảo vệ RTT. Qua đó, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, hạn chế tình trạng sạt lở, cải thiện môi trường, bảo đảm nguồn nước sản xuất, sinh hoạt, điều tiết lũ trên địa bàn, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương…"
 
Theo Thông tư số 13/2019/ TT-BNNPTNT, tổ chức, cá nhân không có điều kiện tự trồng RTT (bằng với diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng) thì thực hiện nghĩa vụ này bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ BVPTR để tổ chức trồng rừng tại những nơi phù hợp. Đến nay, Quỹ BVPTR của tỉnh đã thu được trên 82 tỷ đồng. Số tiền này được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện các dự án trồng RTT từ năm 2016 và đến nay toàn tỉnh đã trồng được trên 1.300ha RTT, nâng tổng diện tích rừng trồng bằng cây bản địa của tỉnh lên 2.700ha.
 
Xuân Vương

tin liên quan

Quảng Trạch: Bảo đảm sản xuất vụ đông-xuân

(QBĐT) - Thời gian qua, huyện Quảng Trạch đã tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, hướng dẫn bà con nông dân triển khai tốt vụ sản xuất đông-xuân.

Kỳ vọng may mặc khởi sắc

(QBĐT) - Những tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn Quảng Bình gặp khó khăn do thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, tình hình đã "đảo chiều", các DN may mặc đang có sự khởi sắc khi đơn hàng xuất khẩu được các thị trường lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc… đón nhận trở lại.

Thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, góp phần xây dựng quê hương

(QBĐT) - Những năm qua, dù hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh luôn thực hiện tốt nghĩa vụ thuế. Với ý thức nộp đúng, nộp đủ, hàng năm, các DN đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước.