Vai trò các tổ chức hội trong việc đưa vốn vay đến người dân

  • 14:14 | Thứ Ba, 14/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, thông qua các tổ chức hội đoàn thể, nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đã kịp thời đến đúng đối tượng vay vốn là người nghèo, các đối tượng CSXH khác. Nhờ nguồn vốn, các hộ gia đình đã đầu tư chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, qua đó từng bước phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
Xã Quảng Kim là một trong những xã vùng núi khó khăn của huyện Quảng Trạch. Những năm qua, thông qua các tổ chức chính trị-xã hội của địa phương, nguồn vốn vay tín dụng CSXH đã đến được những hộ nghèo, hộ gia đình chính sách và những đối tượng có nhu cầu vay vốn. Nhờ có nguồn vốn vay tín dụng, nhiều hộ đã nâng cao thu nhập từ đó từng bước thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội của xã.
 
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Kim Từ Thu Thân cho biết: Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Quảng Trạch tổ chức có hiệu quả dịch vụ ủy thác cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn xã. Sau khi ký kết hợp đồng ủy thác, hội đã tập trung tuyên truyền các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đến người dân, qua đó, bảo đảm nguồn vốn vay đến được đúng đối tượng và phát huy hiệu quả.
Thông qua các tổ chức hội đoàn thể, nguồn vốn tín dụng đã đến đúng đối tượng.
Thông qua các tổ chức hội đoàn thể, nguồn vốn tín dụng đã đến đúng đối tượng.
Hiện nay, Hội Phụ nữ xã đã thành lập được 5 tổ vay vốn với dư nợ gần 10 tỷ đồng với 9 chương trình vay. Nhờ vào nguồn vốn vay từ các chương trình, các hội viên đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật để chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh thoát nghèo. Nhiều hộ, từ nguồn vốn nhỏ ban đầu chỉ chăn nuôi vài ba con lợn, con gà, dần dần đã đầu tư chuồng trại để chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, nâng cao nguồn thu nhập bình quân từ 40-100 triệu đồng/năm.
 
Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác thông qua Hội Phụ nữ, bà Châu Thị Định, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Tín dụng CSXH đối với người nghèo và các đối tượng khác thông qua NHCSXH là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Đối với Hội LHPN tỉnh, những năm qua, việc phối hợp với NHCSXH trong việc ủy thác cho vay vốn tín dụng đã được hội quan tâm triển khai. Hội đã chỉ đạo các cấp hội địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về tín dụng cho vay; tập trung nâng cao chất lượng hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn.
 
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt các nội dung ủy thác, hội cũng đã phát động phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ hàng năm giữa các địa phương, cơ sở. Hiện nay, Hội LHPN 8 huyện, thị xã, thành phố và 148 cơ sở hội đã triển khai hoạt động ủy thác cho vay với NHCSXH; dư nợ đạt 1.534,4 tỷ đồng, với 28.211 hộ vay vốn. Nguồn vốn tín dụng không chỉ giúp hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống mà còn là công cụ giúp hội viên phụ nữ và các gia đình có thu nhập thấp được thụ hưởng sự bình đẳng về giáo dục, an sinh xã hội.
 
Hiện nay, dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức hội đoàn thể của tỉnh là 4.380,2 tỷ đồng, chiếm 99,7%, tăng 709,7 tỷ đồng so với năm 2021, với 2.201 tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhờ hệ thống mạng lưới bao phủ, các tổ chức hội đã làm tốt công tác cho vay và quản lý vốn vay, nhờ đó, tỷ lệ nợ quá hạn trong năm 2022 chỉ chiếm 0,06% tổng dư nợ ủy thác.
Cùng với Hội LHPN, những năm qua, để nguồn vốn tín dụng đến được với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác, NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức chính trị, như: Thanh niên, nông dân, cựu chiến binh... Thông qua các tổ chức hội này, nguồn vốn tín dụng CSXH đã đến với từng đối tượng ở những vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, qua đó từng bước thay đổi cuộc sống của họ.
 
Nói về hiệu quả của công tác phối hợp nhận ủy thác cho vay thông qua các tổ chức hội, bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình cho biết: Để nâng cao hiểu quả công tác vốn vay ủy thác thông qua các tổ chức hội, hàng năm chi nhánh đã tổ chức hội nghị giao ban định kỳ và giao ước thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thông qua các hội nghị đã nắm bắt được tình hình, kết quả thực hiện việc ủy thác cho vay cũng như kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
 
Với mạng lưới bao phủ, rộng khắp từ cấp tỉnh đến xã, phường, thị trấn, các cấp hội đã nắm bắt đối tượng vay và đưa nguồn vốn đến tận tay người dân. Việc vay vốn thông qua các tổ chức hội đóng vai trò quan trọng và chiếm tỷ lệ lớn dư nợ cho vay của NHCSXH. Có thể nói, các tổ chức hội thực sự là cánh tay nối dài để nguồn vốn CSXH đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả của mình.
 
Đ.N

tin liên quan

Thúc đẩy các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển

(QBĐT) - Nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Trạch duy trì và phát triển, những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Trạch đã giải ngân các chương trình vay đến các đối tượng có nhu cầu. 

Cây ăn quả "bén duyên" vùng gò đồi

(QBĐT) - Mô hình trồng thâm canh cây cam, bưởi trên vùng gò đồi đang trong giai đoạn chăm sóc và tiếp tục hỗ trợ trồng mới, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng gò đồi, hứa hẹn mang lại sự ổn định, bền vững cho bà con các địa phương…

Trồng 70ha cây trẩu dưới tán rừng cộng đồng

(QBĐT) - Được hỗ trợ trên 450 triệu đồng từ các đơn vị tài trợ, Quỹ Phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh đã giúp cho bà con bản Cổ Tràng, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) trồng 70ha cây trẩu dưới tán rừng cộng đồng.