Minh Hóa tập trung sản xuất vụ đông-xuân

  • 07:08 | Thứ Bảy, 18/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Triển khai sản xuất vụ đông-xuân năm 2022-2023, đến nay, nông dân tại các địa phương ở huyện Minh Hóa cơ bản đã làm đất xong để xuống giống các loại cây trồng theo đúng khung lịch thời vụ, với kỳ vọng sẽ gặt hái được một vụ mùa bội thu.
 
Với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, quy mô đồng ruộng... của huyện miền núi rẻo cao có nhiều khác biệt so với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, hàng năm, huyện Minh Hóa đều chủ động xây dựng khung lịch thời vụ, cơ cấu nguồn giống sản xuất đông-xuân phù hợp với tình hình thực tiễn ở từng địa bàn.
 
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Minh Hóa Cao Thị Hằng cho biết: "Cũng như các năm gần đây, vụ đông-xuân 2022-2023, huyện đã tập trung chỉ đạo sản xuất 3 loại cây trồng chính, gồm: Lúa, ngô, lạc. Tính đến ngày 14/2/2023, toàn huyện Minh Hóa dự ước triển khai thực hiện gieo trồng được 2.191ha/3.473,07ha, đạt 63,1% kế hoạch (KH). Cụ thể, đối với sản xuất lúa nước, toàn huyện đã thực hiện được 511,3 ha/KH 511,3ha; cây ngô thực hiện 745ha/KH 819,8ha; cây lạc thực hiện xuống giống được 255ha/KH 838ha. Bên cạnh 3 loại cây chủ lực nói trên, huyện Minh Hóa còn chỉ đạo, khuyến khích các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để trồng thêm các loại cây trồng khác, như: Đậu xanh, khoai lang, sắn, đậu đỗ và rau màu các loại..."
Nông dân thị trấn Quy Đạt sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất vụ đông-xuân 2022-2023.
Nông dân thị trấn Quy Đạt sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất vụ đông-xuân 2022-2023.
Tranh thủ những ngày dịu mát và có nắng nhẹ, ông Đinh Vũ Thường, TDP 5, thị trấn Quy Đạt cần mẫn thực hiện việc cấy dặm, bón phân cho những ruộng lúa của gia đình đã gieo được chừng 1 tháng.
 
Ông Thường cho hay: "Vụ đông-xuân này, gia đình sản xuất trên 4 sào ruộng lúa nước, chủ yếu là giống P6. Nhờ nguồn tưới từ công trình thủy lợi Ba Nương cung cấp đầy đủ nên nông dân ở khu vực này triển khai từ khâu làm đất đến gieo sạ một cách đồng loạt, đúng khung lịch thời vụ do địa phương hướng dẫn. Có nguồn nước bảo đảm nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Cuộc sống của cả gia đình cơ bản đều dựa hết vào mấy sào ruộng này nên phải túc trực bám đồng để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả nhằm bảo đảm nguồn lương thực trong năm..."
 
Là một trong những địa phương có diện tích lúa nước lớn của huyện Minh Hóa, đến thời điểm này, xã Xuân Hóa đã triển khai gieo trồng 100% diện tích lúa nước (khoảng 86ha). Bà con nông dân đang tích cực ra đồng để chăm sóc lúa đông-xuân 2022-2023 với khí thế lao động sôi nổi.
 
Chủ tịch UBND xã Xuân Hóa Đinh Lâm Sòng cho biết: "Chính nhờ ý thức lao động của nông dân trong xã rất cao nên khung lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa được thực hiện đạt yêu cầu đề ra. Với quyết tâm không bỏ ruộng hoang, chú trọng nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, trong vụ mùa này, UBND xã Xuân Hóa khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích khó canh tác, đất kém màu mỡ, thiếu chủ động về nước tưới... sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn, như rau xanh các loại, cỏ chăn nuôi..."
 
Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn về cơ cấu giống các loại cây trồng chính và lịch thời vụ gieo trồng của Phòng NN-PTNT huyện Minh Hóa trong vụ đông-xuân 2022-2023, đến thời điểm này, đối với sản xuất lúa nước, nông dân trên địa bàn đã lựa chọn các bộ giống lúa thâm canh, gồm: Nhị ưu 838, CT 16, VN 20, Hà Phát 3...; giống lúa có chất lượng PC6, HN6, QS88, PC6, Hương Bình... và giống lúa có triển vọng ST25, ADI28, HĐ9, SV181, Bắc Thịnh... Tương tự, đối với cây ngô, người dân lựa chọn các bộ giống ngô lai NK6101, NK4300, NK7328, CP511, CP311, CP512...; ngô nếp HN88, ADI668, TBM18...; ngô sinh khối NK7328, BtGT, CP111... Đối với cây lạc, nông dân ở huyện đã lựa chọn các giống L14, SVL1, L29...
 
Để triển khai sản xuất vụ đông-xuân 2022-2023 đạt kết quả cao, Phòng NN-PTNT huyện Minh Hóa và các xã, thị trấn trên địa bàn đều bố trí cán bộ có chuyên môn túc trực bám đồng để theo dõi tiến độ triển khai sản xuất, kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh gây hại để có biện pháp xử lý hiệu quả. Tăng cường phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình và chỉ đạo các tổ hợp tác, hợp tác xã dịch vụ... triển khai kế hoạch tưới tiêu và xây dựng phương án tích trữ, sử dụng nguồn nước tưới hợp lý để chủ động phòng ngừa hạn hán, có đủ nước tưới phục vụ cho sản xuất vụ hè-thu năm 2023.
 
Ngoài ra, Phòng NN-PTNT huyện Minh Hóa cũng khuyến cáo bà con nông dân phải chấp hành nghiêm quy định về cơ cấu giống cây trồng, không được đưa vào sản xuất những loại giống không có nguồn gốc rõ ràng; giống không có tên trong danh mục được phép sản xuất của Bộ NN-PTNT; giống chưa được sản xuất, trình diễn trên địa bàn tỉnh; không sử dụng thóc thịt để làm giống...
Phòng NN-PTNT huyện Minh Hóa khuyến cáo, đến ngày 14/2/2023, tổng diện tích lúa trên địa bàn bị chuột gây hại là 7ha, tỷ lệ 1-2%. Ngoài ra, ốc bươu vàng cũng gây hại cho lúa với diện tích nhiễm 20ha, mật độ 5-7 con/m nơi cao 10-15 con/m2 tập trung tại thị trấn Quy Đạt và các xã Xuân Hóa, Hồng Hóa, Tân Hóa, Trung Hóa, Minh Hóa.
 
Bên cạnh đó, khoảng 20ha lúa đã bị rệp muội gây hại với mật độ 150-200 con/m2, nơi cao 500-700 con/m2 tập trung các xã Tân Hóa, Hóa Hợp, thị trấn Quy Đạt, Xuân Hóa, Yên Hóa. Trên cây ngô, nạn sâu xám, sâu ăn lá cũng gây hại đối với diện tích trên 5ha, mật độ nhiễm 1-2 con/m2, tập trung các xã Minh Hóa, Hóa Hợp, Trung Hóa, Thượng Hóa, Hồng Hóa, Tân Hóa... Do đó, bên cạnh việc tập trung gieo trồng, chăm sóc các loại cây trồng, bà con nông dân cần đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả.
 
Văn Minh

tin liên quan

Triển khai đồng bộ các giải pháp thu ngân sách

(QBĐT) - Dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 trên địa bàn TP. Đồng Hới và huyện Quảng Ninh là 2.249,81 tỷ đồng. Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, Chi cục Thuế khu vực Đồng Hới-Quảng Ninh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp thu ngân sách ngay từ đầu năm.

Chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng vụ đông-xuân

(QBĐT) - Tính đến thời điểm này, toàn bộ lúa và một số cây trồng vụ đông-xuân của huyện Bố Trạch đã gieo trồng xong. Hiện, bà con đang tích cực chăm sóc và phòng trừ các loại sâu bệnh.
 

Đồng hành cùng phụ nữ biên cương

(QBĐT) - Thực hiện chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bố Trạch đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, vận động các nguồn lực hỗ trợ PN vùng biên giới, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.