Làm nông thời hiện đại

  • 11:31 | Thứ Hai, 03/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với sự nhạy bén của mình, nhiều nông dân đã áp dụng máy móc, công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp. Cách làm nông nghiệp hiện đại này đã giúp cho người nông dân giải phóng được sức lao động, nâng cao giá trị sản phẩm.
 
Ưu tiên sản xuất CNC
 
Sản xuất nông nghiệp CNC với việc ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến hiện đại vào sản xuất đang được nhiều nông dân lựa chọn để phát triển nông nghiệp. Tại nhiều địa phương, những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC ra đời ngày càng nhiều và đang dần trở nên phổ biến.
 
Mặc dù tốt nghiệp chuyên ngành y sĩ, tuy nhiên chị Phạm Thảo Hiền, xã Quảng Tùng (Quảng Trạch) lại chọn nông nghiệp để phát triển kinh tế, chị cho biết: “Cách đây mấy năm, tình cờ biết đến mô hình sản xuất nông nghiệp CNC, tôi đã rất thích. Sau một thời gian tìm hiểu, được sự hỗ trợ về công nghệ của một công ty và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tôi quyết định bắt tay vào làm mô hình nông nghiệp. Tôi đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để làm nhà màng với diện tích 800m2. Hệ thống nhà màng được lắp đặt đầy đủ hệ thống tưới nước theo chuẩn CNC. Do mới làm nên ban đầu tôi chỉ trồng dưa lưới, dưa leo, cà chua để thử nghiệm và rút kinh nghiệm. Đây cũng là những loại rau quả được người dân ưa chuộng và cho năng suất, giá trị kinh tế cao”. 
 
Không chỉ hướng đến sản xuất theo hướng CNC, chị Hiền còn nghĩ đến việc sản phẩm nông nghiệp khi đến tay người tiêu dùng phải sạch và an toàn. Chính vì vậy ngay sau khi xây dựng hệ thống nhà lưới và bắt tay vào sản xuất, chị đã tuân thủ trồng rau quả theo hướng VietGap. “Làm nông nghiệp theo hướng VietGap từ lâu đã có trong suy nghĩ của tôi. Sản xuất theo hướng này tuy có nhiều khắt khe trong kỹ thuật trồng và thu hoạch nhưng đổi lại sản phẩm làm ra an toàn và được người tiêu dùng ưa chuộng nên đầu ra dễ dàng hơn”, chị Hiền cho biết.
Máy móc dần được sử dụng phổ biến ở các khâu sản xuất lúa của nông dân.
Máy móc dần được sử dụng phổ biến ở các khâu sản xuất lúa của nông dân.
Chị cũng chia sẻ, thời tiết ở Quảng Bình tương đối khắc nghiệt, vào mùa mưa, lượng mưa tương đối lớn, mùa hè thì nắng gắt nên việc sản xuất nông nghiệp theo hướng truyền thống sẽ khó cho năng suất, hiệu quả cao.
 
Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC có thể hạn chế được rủi ro do thời tiết. Đặc biệt, trồng rau trong mô hình nhà lưới có thể hạn chế được sâu bệnh, sản xuất rau quả theo hướng VietGap tỷ lệ sâu bệnh lại càng được hạn chế hơn. Nhờ vậy, mô hình này không phải bỏ nhiều công sức để chăm sóc nhưng vẫn mang lại năng suất, chất lượng rau quả cao.
 
Mặc dù mới đưa vào sản xuất và còn thiếu kinh nghiệm, tuy nhiên lợi nhuận chị thu được từ vụ đầu khoảng 40 triệu đồng, trung bình một năm, nếu duy trì sản xuất được 2-3 vụ thì lợi nhuận thu lại sẽ cao hơn.
 
Máy móc trở thành chủ lực
 
Năm 2015, chị Phạm Thị Hợi, xã Quảng Phú (Quảng Trạch) đã mua máy gặt đập về sản xuất. Chị được xem là người nông dân đầu tiên của xã tiên phong trong việc sử dụng máy móc vào làm nông nghiệp.
 
Chị tâm sự: “Gia đình tôi có làm 1,3 mẫu ruộng. Trước đó, việc thu hoạch lúa gia đình tôi làm thủ công hoàn toàn. Thấy máy gặt đập liên hợp mở đại lý ở Hoàn Lão (Bố Trạch) tôi mới suy nghĩ, sản xuất lúa muốn giảm sức lao động và đưa lại năng suất cao thì phải sử dụng máy móc. Vì vậy, vợ chồng tôi quyết định mua một máy gặt đập công suất lớn về để sản xuất. Máy mua về không chỉ sử dụng để thu hoạch diện tích lúa cho gia đình mà còn dùng để phục vụ bà con nông dân trong xã”. Sau thời gian sử dụng thấy hiệu quả, vợ chồng tôi tiếp tục mua thêm một máy gặt đập công suất cao hơn để về sử dụng.  
 
“Khi có máy gặt đập liên hợp, mỗi khi vào mùa, người nông dân như tôi chỉ mang lúa về phơi mà không phải tốn nhiều công sức cắt và dên lúa. Bên cạnh đó, việc gặt lúa thủ công tỷ lệ lúa rơi vãi ngoài đồng tương đối nhiều. Thêm vào đó, trong quá trình tuốt lúa thì tình trạng này cũng diễn ra nên ảnh hưởng đến năng suất lúa. Nếu sử dụng máy gặt thì 1 sào có thể tăng lên 50kg”, chị Hợi chia sẻ thêm.
 
Với những ưu điểm của máy móc mang lại, hiện nay tại các địa phương, việc sản xuất nông nghiệp có sử dụng máy móc được người dân quan tâm và ưu tiên. Xã An Ninh là một trong những xã có diện tích trồng lúa lớn nhất huyện Quảng Ninh, việc cơ giới hóa máy móc vào các khâu trong sản xuất lúa đang dần trở nên phổ biến ở đây.
 
Ông Võ Doãn Dực, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoành Vinh cho biết: Những năm trở lại đây, ngoài việc sử dụng máy cày và máy gặt đập liên hợp để sản xuất thì những khâu còn lại người dân phải làm thủ công hoàn toàn. Tuy nhiên, mới đây, HTX đã liên kết với Công ty CP Thực phẩm xanh Đông Dương (trụ sở tại TP. Đồng Hới) để đưa 2 máy cấy vào sử dụng. Máy cấy này có giàn chia cấy lúa 4 và 5 hàng, chạy bằng động cơ xăng. Mạ được gieo trên sân lót bạt và được cuộn tròn đưa lên ô tô chở ra ruộng.
 
Nói về ưu điểm của máy cấy lúa, ông Dực cho hay: “Sử dụng máy gặt đập tiết kiệm được thời gian và sức lao động của người nông dân thì máy cấy cũng y như vậy. Mỗi sào ruộng cấy tay thì phải mất rất nhiều thời gian và phải đông người làm, nhưng sử dụng mấy cấy thì chỉ mất 1 tiếng đồng hồ. Chính vì vậy, việc sử dụng máy cấy sẽ đẩy nhanh được tiến độ gieo cấy mỗi vụ của bà con nông dân”.
 
Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và cơ giới hóa máy móc vào nông nghiệp đang là xu thế của người nông dân hiện nay. Cách làm nông nghiệp hiện đại đều có những ưu điểm chung đó là mang lại năng suất, chất lượng cao cho sản phẩm và giải phóng được sức lao động cho người nông dân. Vì vậy, thời gian qua, sở cũng đã khuyến khích và hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp theo hướng đi này. Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC ra đời và việc cơ giới hóa máy móc sẽ dần phổ biến ở các địa phương, qua đó đưa ngành nông nghiệp tỉnh ngày càng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
 
Đ.Nguyệt

tin liên quan

Giải ngân 356 tỷ đồng theo Nghị quyết số 11

(QBĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30//1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, NHCSXH tỉnh đã đẩy nhanh việc giải ngân các gói vay. Đến nay, số tiền giải ngân đạt 94% kế hoạch.

Triệu phú vùng cao

(QBĐT) - Từ hai bàn tay trắng, anh Lê Ngọc Thái ở thôn Xuân Sơn, xã Văn Hóa (Tuyên Hóa) đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ đất vườn kém hiệu quả sang trồng giống ổi lê Đài Loan bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xúc tiến phát triển các sản phẩm du lịch bằng đường hàng không

(QBĐT) - Sở Du lịch Quảng Bình và Cảng hàng không Đồng Hới sẽ hợp tác, chủ động làm việc với các hãng hàng không có tiềm năng phát triển mở đường bay thẳng đến Đồng Hới từ các thị trường trọng điểm.