Bỏ phố về quê nuôi ốc bươu đen

  • 07:25 | Thứ Sáu, 30/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từng là kỹ sư thuỷ sản với công việc và mức lương ổn định, nhưng anh Nguyễn Hùng Cường, ở thôn Nam Hải, xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) vẫn quyết định rời phố, trở về quê nhà khởi nghiệp từ ốc bươu đen.
 
Mạnh dạn khởi nghiệp
 
Tốt nghiệp chuyên ngành thuỷ sản tại Trường đại học Nông lâm Huế, anh Cường gắn bó với Viện Thuỷ sản 3 Nha Trang một thời gian thì chuyển sang làm việc tại Trung tâm giống, hoá chất thuỷ sản, chuyên cung cấp con giống và hoá chất thuỷ sản ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Có công việc ổn định với mức lương khá cao nhưng anh Cường luôn đau đáu hướng về quê hương với khát vọng làm giàu. Năm 2021, anh trở về quê nhà và quyết định khởi nghiệp từ mô hình nuôi ốc bươu đen.
 
“Khi nghe nói tôi nghỉ việc để về quê nuôi ốc bươu đen, cả gia đình đều phản đối, khuyên can vì sợ tôi vất vả và không thể thành công. Bố mẹ tôi lo lắng cũng đúng vì thời điểm đó trên địa bàn rất hiếm người nuôi ốc bươu đen và chưa có mô hình nào nuôi quy mô lớn”, anh Cường chia sẻ.
 
Với quyết tâm của người trẻ, nghĩ là làm, anh Cường đã mạnh dạn về thuê đất ruộng ở thôn Thu Thừ, xã An Ninh (Quảng Ninh), cải tạo thành ao hồ để nuôi ốc bươu đen. Từ số vốn ban đầu hơn 100 triệu đồng, anh đầu tư máy móc, trang thiết bị và mua con giống ở Nghệ An về nuôi. Trên diện tích 1ha đất ruộng, anh cải tạo thành 6 ao nhỏ để nuôi ốc. Sau khi chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, anh quyết định nuôi thí điểm 1 ao ốc với số lượng 8 vạn con.
 
Những ngày đầu khởi nghiệp, do thiếu kinh nghiệm cùng với việc thiếu nước vào mùa hè, ốc bị nhiễm phèn, chết hàng loạt. Không nản chí, anh dành nhiều thời gian đi tìm hiểu thực tế tại các mô hình nuôi ốc bươu đen hiệu quả, lấy lại tinh thần và tiếp tục mua thêm giống về nuôi. Trời không phụ công người, trong những lần nuôi tiếp theo, nhờ nắm vững kỹ thuật nên ốc dần phát triển và sinh trưởng tốt, cho thu nhập ổn định với giá bán 80.000 đồng/kg.
 
Để có đầu ra ổn định, anh Cường chủ động liên kết thị trường tiêu thụ ở các tỉnh lân cận; đồng thời tham gia các hội, nhóm nuôi ốc bươu đen trên mạng xã hội để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, qua đó kết nối được nhiều người có chung đam mê nuôi ốc bươu đen. 
Nhờ nuôi tốt, ốc bươu đen sinh sản ổn định đã giúp anh Cường chủ động nguồn nuôi và cung ứng ốc giống ra thị trường.
Nhờ nuôi tốt, ốc bươu đen sinh sản ổn định đã giúp anh Cường chủ động nguồn nuôi và cung ứng ốc giống ra thị trường.
Theo anh Cường, ốc bươu đen là loài dễ nuôi, thức ăn của ốc khá đa dạng và có sẵn ở tự nhiên, đa phần là rau, cỏ, củ, quả… Đặc biệt, việc đầu tư con giống chỉ lần đầu, còn những lần sau ốc tự sinh sản tại chỗ. Ốc bươu đen là loài ưa sạch sẽ, chỉ sống trong môi trường nước sạch, không ô nhiễm, nếu không phòng tránh tốt sẽ rất dễ nhiễm bệnh. Người nuôi phải thường xuyên vệ sinh ao nuôi, xử lý môi trường nước bằng vôi, men vi sinh. Đồng thời, duy trì mực nước sâu hơn 1m và thả bèo vừa làm nguồn thức ăn vừa che nắng. Quá trình nuôi ốc trong vòng 3,5 tháng là có thể xuất bán.
 
“Để có thể thành công với mô hình nuôi ốc bươu đen, người nuôi phải có kiến thức và nắm chắc kỹ thuật nuôi; phải biết lúc nào cần xử lý ao nuôi, điều chỉnh nước trong ao để ốc sinh trưởng, phát triển tốt và điều quan trọng là nhanh nhạy trong tìm kiếm thị trường, bảo đảm nguồn tiêu thụ ổn định. Hiện tại, tôi chủ yếu nhập ốc thương phẩm cho các nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn tỉnh”, anh Cường chia sẻ.
 
Hướng đến liên kết, mở rộng mô hình
 
“Hiện nay, ốc bươu đen là món ăn nhiều dinh dưỡng được người dân ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao, trong khi chi phí nuôi lại thấp. So với mô hình nuôi các loại cá thông thường thì nuôi ốc bươu đen cho thu nhập cao hơn rất nhiều lần”, anh Cường cho hay.
Từ một ao nuôi ban đầu, đến nay anh cường đã nhân rộng lên 4 ao nuôi ốc. Mỗi năm anh bán ra thị trường 1,5 tấn ốc thương phẩm, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.
 
Không chỉ bán ốc thương phẩm, anh Cường còn nuôi ốc bố mẹ để sản sinh ra con giống nhằm chủ động nguồn nuôi cũng như bán ra thị trường. Ốc bươu đen sinh sản quanh năm, nhưng nếu để nó sinh sản tự nhiên thì tỷ lệ nở con đạt thấp. Để có nguồn giống chất lượng, mỗi ngày anh Cường sẽ gom trứng cho vào thùng ấp. Để trứng phát triển tốt, anh thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh nhiệt độ, giữ cho thùng ấp luôn đạt độ ẩm thích hợp.
 
Theo anh Cường, mùa hè trứng được ấp từ 7-10 ngày là đưa ra ao nuôi ốc giống còn mùa đông phải từ 15-20 ngày trứng mới nở thành con. Trong quá trình ấp trứng, người nuôi phải phun nước thường xuyên một ngày hai lần để giữ độ ẩm. Không chỉ mua ốc thương phẩm, nhu cầu mua ốc giống của người dân cũng rất nhiều. Có thời điểm anh Cường không đủ ốc giống để bán cho người dân. Mỗi năm anh bán 3 vạn ốc giống với giá bán 300.000 đồng/kg, đem về hơn 100 triệu đồng.
 
Sau hơn một năm mạnh dạn “khởi nghiệp”, đến nay anh Cường đã là chủ một trang trại nuôi ốc bươu đen với 4 ao nuôi ốc thương phẩm, 1 ao nuôi ốc giống và một ao nuôi bèo làm thức ăn cho ốc. Với hình thức nuôi gối vụ nên quanh năm anh Cường luôn có ốc thương phẩm và ốc giống bán cho người dân. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, anh Cường lãi ròng hơn 200 triệu đồng từ mô hình nuôi ốc bươu đen. Hiện tại, anh Cường cũng liên kết, tư vấn kỹ thuật cho một vài mô hình nuôi ốc trên địa bàn. Dự định trong thời gian tới, anh sẽ mở rộng diện tích, tìm kiếm những hộ trong xã có ao hồ rộng để hợp tác, liên kết phát triển mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc bươu đen, để cùng tạo dựng thương hiệu cơ sở nuôi và nâng cao thu nhập cho bà con trong xã.
 
Ông Nguyễn Quang Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Ninh chia sẻ: “Mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Nguyễn Hùng Cường là mô hình mới tại địa phương. Thành công của mô hình đã mở ra hướng đi mới cho người dân trên địa bàn trong việc đa dạng hóa cơ cấu con nuôi. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hội viên trong toàn xã học tập, hỗ trợ lẫn nhau về giống, kỹ thuật chăm sóc để từng bước nhân rộng mô hình nhằm góp phần cải thiện thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương”.
 
Lan Chi

tin liên quan

Di sản xuyên biên giới

(QBĐT) - Núi liền núi, sông liền sông, hai đất nước Việt-Lào cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng sẻ chia nhau sự hào phóng mà thiên nhiên ban tặng. 

Giá trị sản xuất CN-TTCN tăng 16,5%

(QBĐT) - Huyện Bố Trạch đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Nhờ đó, trong 8 tháng năm 2022, giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện đạt trên 1.300 tỷ đồng.
 

37 sản phẩm được công nhận OCOP

(QBĐT) - Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2019-2021, đến nay, toàn huyện có 37/94 sản phẩm của tỉnh được công nhận sản phẩm OCOP.