icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Thủ tướng Chính phủ: Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng

  • 13:29 | Thứ Hai, 26/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sáng nay, 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng tham dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
 
Tham dự tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Công Huấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (ảnh chụp qua màn hình)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (ảnh chụp qua màn hình).
Mở đầu hội nghị, trước diễn biến phức tạp của bão số 4 (tên quốc tế là bão Noru), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung phòng, chống bão. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; theo dõi sát diễn biến của bão số 4, triển khai nghiêm các công điện, chỉ đạo phòng, chống bão của Trung ương. 
 
Các địa phương kêu gọi ngư dân, tàu thuyền không ra khơi đánh bắt hải sản mà vào nơi tránh trú an toàn; kêu gọi người dân gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản, rời khỏi lồng bè trước khi bão đổ bộ; kiểm tra hồ đập, gia cố vững chắc; cảnh báo, di dời người dân khỏi các khu vực có thể xảy ra sạt lở. 
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tiếp có các nghị quyết, chỉ thị về vấn đề này; phân công rõ trách nhiệm, tổ chức đôn đốc, kiểm tra. Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chưa được cải thiện nhiều, nhiều cơ quan, địa phương giải ngân chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, làm ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, chỉ ra các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân nằm ở đâu để có giải pháp khắc phục.
 
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/9/2022 là trên 253.000 tỷ đồng, đạt 46,70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vốn trong nước đạt 48,6%, vốn nước ngoài đạt 19,03%. 
 
Có 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, có 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước là 46,70% và còn 14 bộ, cơ quan trung ương, 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%. 
Các điểm cầu địa phương (ảnh chụp qua màn hình).
Các điểm cầu địa phương (ảnh chụp qua màn hình).
Mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 chưa đạt kỳ vọng nhưng cũng đã phản ánh đúng xu hướng, đặc thù của vốn đầu tư, đó là đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán.
 
Đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đến ngày 23/9, đã có 47/52 địa phương hoàn thành việc giao kế hoạch vốn cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc; trong đó có 29/52 địa phương đã phân bổ 100% kế hoạch được giao. 10/52 địa phương giao trên 90% kế hoạch, còn lại giao được trên 70% kế hoạch.
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có khoảng 25 tồn tại, khó khăn, vướng mắc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau dẫn đến việc chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thuộc 3 nhóm: khó khăn liên quan đến thể chế, chính sách; liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện và khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022.
Quang cảnh hội nghị ở điểm cầu tỉnh Quảng Bình
Quang cảnh hội nghị ở điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã phát biểu ý kiến, nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, trong đó có những vướng mắc do cơ chế, thể chế, do biến động của tình hình thế giới, đơn giá vật liệu, nguyên liệu đầu vào tăng, có những vướng mắc do chủ quan.
 
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, các bộ, ngành, góp phần phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.
 
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu tham dự hội nghị và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tổng hợp, hoàn thiện, khẩn trương tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Các đại biểu dự hội nghị ở điểm cầu tỉnh Quảng Bình
Các đại biểu dự hội nghị ở điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; các địa phương đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải để nâng cao hiệu quả đầu tư; báo cáo kịp thời các vướng mắc, khó khăn để tháo gỡ.
 
Thủ tướng Chính phủ biểu dương những bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, tỷ lệ giải ngân cao; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương phải xác định, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm.
 
Đồng thời, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục về đầu tư công.
 
Anh Tuấn
 
 

tin liên quan

Siêu bão Noru tiến vào Biển Đông, mưa lớn ở Trung Bộ và Tây Nguyên

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng sớm 26/9, bão Noru đã vượt qua khu vực phía Nam của đảo Luzon (Philippines), đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4

Dự báo chiều tối 27/9, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển và đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, trọng tâm là từ Quảng Trị đến Bình Thuận, gây mưa lớn ở Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ.
 

Quảng Bình sẵn sàng ứng phó với diễn biến của bão Noru và mưa lớn

(QBĐT) -  Đến thời điểm 10h ngày 25/9, Quảng Bình còn 280 phương tiện/1.877 lao động đang hoạt động trên biển.